Uẩn khúc gì mà bị can lại từ chối luật sư?

Cái bất ngờ mà bài báo đã nêu có lẽ không chỉ đối với gia đình hai bị can, luật sư trước đó của hai bị can mà còn của rất nhiều người, trong đó có tôi. Thường thì các bị can khi ra tòa vốn rất thích có luật sư ở bên mình để được chở che về mặt pháp luật lẫn tinh thần, để bản thân có khả năng được xử nhẹ tội hoặc có mức án thấp. Vậy tại sao hai nữ bị can (chỉ mới bước qua tuổi thành niên) từ chỗ có luật sư làm “bạn đồng hành” trong quãng thời gian dài, giờ lại từ chối bây bẩy luật sư?

Về lý, việc cử luật sư chỉ định chỉ được đặt ra đối với các bị can, bị cáo chưa thành niên. Ngược lại, người thành niên có toàn quyền quyết định lựa chọn người bào chữa cho mình. Tức họ có quyền nhờ luật sư và cũng có quyền không nhờ luật sư. Không một ai, kể cả cha mẹ họ có quyền quyết định thay họ việc này. Như vậy, nếu thật sự hai bị can bị truy tố tội môi giới mại dâm khăng khăng nói “không” với luật sư thì gia đình, các cơ quan pháp luật và cả luật sư dù muốn hay không muốn cũng đành phải chấp nhận.

Thế nhưng theo tìm hiểu của tôi, không riêng vụ án này mà trước giờ có rất nhiều vụ án mà ý chí của bị can, bị cáo đã không được thể hiện đầy đủ qua giấy trắng mực đen. Lý do xuất phát từ chỗ một số cán bộ của cơ quan điều tra, tòa án không “khoái” luật sư tham gia vào quá trình làm việc của họ. Đã có trường hợp bị can, bị cáo định hoặc đã nhờ luật sư nhưng sau đó do nghe theo lời của các cán bộ này đã thay đổi ý định. Chẳng hạn, “đừng nhờ luật sư vì chỉ tốn tiền chứ không được gì!”, “nhờ luật sư có khi tội nặng thêm!” (?!). Đây cũng là ý mà mẹ của một bị can trong vụ án trên đã nói với PV báo Pháp Luật TP.HCM. Tạm cho là lời kể trên chỉ nên để tham khảo nhưng với thực tế tố tụng trước giờ, liệu có thể tin rằng sự lo lắng, hoài nghi này là có cơ sở, là có thật? Nên nhớ, với vai trò bào chữa để gỡ tội cho bị can, bị cáo, các luật sư chỉ làm lợi cho bị cáo chứ không bao giờ làm bất lợi cho bị cáo.

Thôi thì cứ để hai bị can trên suy nghĩ lại để có một quyết định cuối cùng sáng suốt hơn. Nhưng cũng mong rằng các cơ quan điều tra, tòa án luôn tôn trọng và đảm bảo quyền bào chữa của luật sư. Vì khi biết lắng nghe, tiếp thu các ý kiến phản biện nghĩa là các bên đang cố gắng tiếp cận sự thật ở mức tốt nhất có thể và như vậy mới đạt được sự khách quan, công bằng.

TRẦN ĐỊNH (TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm