Uber, Grab có dừng hoạt động tại Việt Nam sau thí điểm?

Sau bốn năm xâm nhập vào thị trường Việt Nam và hai năm tham gia thí điểm, Uber, Grab thực sự đã tạo ra điểm nóng về dịch vụ vận tải hành khách bằng xe taxi. Đỉnh điểm, giữa tháng 10 taxi truyền thống đồng loạt dán khẩu hiệu phản đối Uber, Grab. Nên cuộc họp tổng kết hai năm diễn ra chiều 19-12 thu hút được sự quan tâm của giới truyền thông lẫn các hiệp hội vận tải.

Một điều không thể phủ nhận là loại hình Uber, Grab đã được xã hội thừa nhận với những tiện ích nổi trội của nó. Đặc biệt, thời gian qua, báo chí không còn tốn giấy mực về vấn đề xăng chưa tăng nhưng giá cước vận tải bằng taxi đã tăng. Nhưng “quản” loại hình này như thế nào để có sự cạnh tranh công bằng và đảm bảo lợi ích cho Nhà nước là câu hỏi lớn được đưa ra tại hội nghị.

Hội nghị vẫn chưa đưa ra được bức tranh tổng thể về phương thức hoạt động của loại hình Uber, Grab trong tương lai tại Việt Nam. 

Với yêu cầu lớn như thế nhưng tại hội nghị, các đóng góp chủ yếu “muốn” Uber, Grab phải bị quản lý khó khăn như taxi truyền thống mà quên rằng đã đến lúc những điều kiện kinh doanh của taxi truyền thống không còn phù hợp và phải sửa đổi, hoặc bỏ.

“Cụ thể, như quy định doanh nghiệp sở hữu số lượng xe, đồng hồ tính cước, kê khai giá cước… Trong đó, giá cước chúng ta phải để thị trường quyết định, Nhà nước không nên can thiệp. Vì vậy, điều quan trọng là cần xem xét gỡ các điều kiện cho taxi truyền thống. Đồng thời đưa ra các yêu cầu đối với loại hình Uber, Grab. Như quy định trách nhiệm của Uber, Grab đối với khách hàng, trách nhiệm của ông hợp tác xã như thế nào đối với tài xế, khách hàng... vẫn còn bỏ ngỏ” - một chuyên gia giao thông nhận định.

Hội thảo kéo dài hơn sáu tiếng đồng hồ nhưng các ý kiến vẫn chưa gỡ được nút “thắt”. Taxi truyền thống vẫn tìm cách để chỉ trích, thậm chí đề nghị dừng phát triển loại hình Uber, Grab. Phía đại diện Grab, Uber chưa đưa ra được những câu trả lời thỏa đáng về loại hình của mình đang triển khai; lúng túng khi được truy trách nhiệm của mình đối với hành khách.

Về phía Bộ GTVT, đơn vị này đưa ra các kiến nghị cho cả taxi truyền thống lẫn Uber, Grab. Đặc biệt, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ khẳng định sắp tới, khi sửa nghị định thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô và Luật Giao thông đường bộ, Bộ GTVT sẽ nghiên cứu để quản lý Uber, Grab tốt hơn. Trong đó có những điều kiện ràng buộc nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, công khai, minh bạch giữa taxi truyền thống và Uber, Grab. Tuy nhiên, các kiến nghị trên chưa rõ hướng đi sắp tới cho loại hình này như thế nào để chấm dứt những tranh cãi trên.

Sự lúng túng là dễ hiểu, bởi ngay cả cơ quan quản lý nhà nước cũng còn nhiều luồng ý kiến có nên tiếp tục xem Uber, Grab là đơn vị cung cấp phần mềm hợp đồng điện tử thay cho hợp đồng giấy hay là đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải; Nghị định 86 có nên quy định chung cho xe hợp đồng và taxi không...?

"Dù có nhiều tranh cãi nhưng một điều dễ nhận thấy là sắp tới Uber, Grab sẽ không còn hoạt động như hiện nay. Họ phải có trách nhiệm hơn với hành khách và nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Chúng ta không thể cấm loại hình Uber, Grab hoạt động, vấn đề là họ sẽ hoạt động như thế nào trong lãnh thổ Việt Nam" - một chuyên gia giao thông khẳng định. 

                 Cái mới bao giờ cũng gây tranh cãi

Tại cuộc họp sơ kết hoạt động Uber, Grab, ông Lê Đại Hải, Vụ Pháp luật dân sự và kinh tế (Bộ Tư Pháp), đưa ra dẫn chứng khó buộc Uber, Grab như taxi truyền thống. "Các doanh nghiệp truyền thống hiện nay thường bảo mình "gánh” tới 13 điều kiện kinh doanh, như có ít nhất 10 xe, đô thị đặc biệt có tối thiểu 50 xe. Tuy nhiên, thực tế hiện nay các doanh nghiệp taxi vẫn sử dụng hình thức góp xe và ông chủ chỉ là người đại diện pháp luật. Vì vậy, câu chuyện của chúng ta nếu lấy mô hình của một taxi truyền thống mà nói ông Grab, Uber phải có sở hữu xe thì không đúng với thời điểm hiện nay nữa" - ông Hải nói.

Cũng theo ông Hải, cái mới bao giờ cũng gây tranh cãi. "Bây giờ loại hình Grab, Uber đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân tốt như vậy, tại sao ta không ủng hộ? Và nếu nó ra đời khiến tài xế giảm việc làm, doanh nghiệp nào không chịu đổi mới mà "chết" là đương nhiên..." - ông Hải nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới