Một trong những điểm mới nổi bật nhất của Hiến pháp 2013 là quy định về quyền tự do kinh doanh.
Bước tiến mở rộng quyền tự do kinh doanh
Điều 57 Hiến pháp 1992 (được sửa đổi, bổ sung năm 2001) quy định: “Công dân có quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật”. Theo quy định trên thì quyền tự do kinh doanh là quyền công dân và công dân chỉ được kinh doanh những gì pháp luật cho phép. Quy định này vô hình trung đã hạn chế quyền tự do kinh doanh của cá nhân.
Đến Hiến pháp 2013, tại Điều 33 quy định: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Rõ ràng Hiến pháp 2013 đã thừa nhận quyền tự do kinh doanh là quyền con người, được hiểu là quyền tự nhiên, những nhu cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có và khách quan của con người được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia và các thỏa thuận pháp lý quốc tế. Mặt khác, với quy định “tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm” đã mở rộng gần như hết biên độ của quyền tự do kinh doanh và nó chỉ bị giới hạn bởi những quy định cấm theo pháp luật.
Cụ thể hóa quy định về quyền tự do kinh doanh của Hiến pháp 2013, Quốc hội đã thông qua Luật Doanh nghiệp 2014 và Luật Đầu tư 2014. Trong đó, việc quy định cụ thể sáu ngành nghề cấm kinh doanh và 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong phụ lục đính kèm Luật Đầu tư. Điều này cho thấy Quốc hội đã vận dụng nguyên tắc hiến định về quyền tự do kinh doanh của cá nhân trong các ngành, nghề mà luật không cấm.
Có thể nói lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp Việt Nam, trong một văn bản luật nhưng lại có các phụ lục quy định chi tiết và cụ thể như vậy. Nó sẽ ngăn chặn được tình trạng một số cơ quan, địa phương tùy tiện ban hành những quy định riêng nhằm hạn chế quyền tự do kinh doanh của cá nhân như trước đây. Đây là bước tiến dài trong việc mở rộng quyền tự do kinh doanh của cá nhân, kể cả người nước ngoài trong hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
Tuy còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng loại hình Uber taxi đã thổi luồng gió mới trong kinh doanh vận tải. Ảnh: MINH PHONG
Trường hợp điển cứu về tự do kinh doanh
Song song đó là việc ban hành những quy định về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư. Cùng với việc cải cách về con dấu và người đại diện pháp luật, điều này đã tạo ra những điều kiện tốt cho cá nhân, doanh nghiệp trong việc tự do kinh doanh cũng như chủ động hơn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.
Minh chứng cho tinh thần này là mặc dù trong thời gian qua các hiệp hội taxi, hiệp hội vận tải tại TP.HCM, Hà Nội đã liên tục có công văn gửi các cơ quan quản lý đề xuất cấm Uber, GrabTaxi kinh doanh tại Việt Nam với nhiều lý do như kinh doanh taxi trá hình, kinh doanh trái phép… nhưng thay vì cấm, Chính phủ đã cho phép thí điểm ứng dụng công nghệ hỗ trợ quản lý, kết nối hoạt động vận tải tại năm thành phố lớn: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa trong hai năm tới theo mô hình Grabcar.
Việc thí điểm này có thể sẽ tạo ra hành lang pháp lý mới để hoạt động của Uber, Grab theo đúng quy định pháp luật. Nó không chỉ giúp người dân, người tiêu dùng có lợi hơn trong việc sử dụng dịch vụ taxi mà còn tạo ra sự cạnh tranh, đổi mới của các hãng taxi truyền thống. Những việc làm này thể hiện tinh thần của Hiến pháp 2013 về quyền tự do kinh doanh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng từng nhiều lần khẳng định: “Quyền dân chủ lớn nhất của con người là tự do làm ăn”. Đây là một bước tiến đáng kể về tư duy nhà nước pháp quyền và thực hiện quyền con người ở Việt Nam theo Hiến pháp 2013.
Quyền tự do kinh doanh trong Hiến pháp 2013 Hiến pháp 2013 đã tạo nền tảng pháp lý quan trọng, vững chắc cho sự vận hành và quản trị quốc gia. Điều 33 Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Nếu so sánh với quy định tại Điều 57 Hiến pháp 1992: “Công dân có quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật” thì rõ ràng quy định về quyền tự do kinh doanh theo Hiến pháp 2013 đã có một bước tiến vượt bậc. Luận giải về nội dung quy định này chúng ta có thể nhận thấy: Thứ nhất, Hiến pháp 2013 đã chính thức thừa nhận quyền tự do kinh doanh là quyền con người và là một trong những quyền cơ bản của công dân. Hơn nữa, Hiến pháp 2013 không quy định chung chung như Hiến pháp 1992 (là công dân có quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật) mà khẳng định rõ rằng: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm” (Điều 33 Hiến pháp 2013). Như vậy, mọi người có quyền tự do kinh doanh và giới hạn của quyền tự do đó là những gì luật cấm chứ không phải theo quy định của pháp luật. Thứ hai, Hiến pháp 2013 đã mở rộng về phạm vi chủ thể của quyền tự do kinh doanh, không còn quan niệm đồng nhất về quyền con người và quyền công dân như quy định ở Điều 50 Hiến pháp 1992. Thay vì sử dụng đại từ công dân - chủ thể của mọi quyền như trong Hiến pháp 1992, Hiến pháp 2013 đã sử dụng đại từ mọi người để chỉ chủ thể của các quyền không chỉ áp dụng đối với công dân Việt Nam mà cả người nước ngoài có mặt hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam. Chúng ta đều biết khi nói đến khái niệm công dân gắn liền với quốc tịch và chỉ những người nào có quốc tịch Việt Nam mới là công dân Việt Nam. Còn khái niệm mọi người không chỉ dùng để chỉ công dân Việt Nam mà bao gồm cả những cá nhân và người nước ngoài khác đang làm ăn, sinh sống tại Việt Nam. Thứ ba, quyền tự do kinh doanh đã được mở rộng về không gian tồn tại. Trước đây Điều 57 Hiến pháp 1992 quy định: “Công dân được quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật”. Điều này có nghĩa giới hạn của quyền tự do kinh doanh trong phạm vi quy định của pháp luật, tức ngoài những nội dung mà pháp luật quy định thì còn lại công dân không được làm. Nay Điều 33 Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Điều này có nghĩa ngoài những ngành nghề mà pháp luật cấm mọi người không được kinh doanh, còn các ngành nghề còn lại mọi người đều được quyền tự do kinh doanh mà không bị giới hạn. TS NGUYỄN THANH BÌNH, |