Tại cuộc họp báo ngày 18-2 (giờ địa phương), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby tuyên bố hình ảnh vệ tinh thương mại cho thấy tên lửa Trung Quốc mới bố trí trên đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) đã đi ngược với cam kết không quân sự hóa ở biển Đông của Trung Quốc.
Người phát ngôn khẳng định: “Trung Quốc nói một đằng và dường như làm một nẻo”.
Đảng đối lập Úc đòi tuần tra
Trong khi đó, Reuters đưa tin Úc và New Zealand đã lên tiếng kêu gọi Trung Quốc không gây thêm căng thẳng ở biển Đông sau khi Trung Quốc triển khai tên lửa đất đối không trên đảo Phú Lâm.
Tại cuộc họp báo sau hội đàm với Thủ tướng New Zealand John Key tại Sydney (Úc) ngày 19-2, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull tuyên bố: “Chúng tôi kêu gọi các bên tranh chấp ở biển Đông chấm dứt bồi đắp, xây dựng và quân sự hóa trên các đảo”.
Ông ghi nhận Chủ tịch Tập Cận Bình muốn tránh bẫy tự sát leo thang dẫn đến chiến tranh thì cần phải giải quyết tranh chấp bằng luật pháp quốc tế.
Thủ tướng New Zealand John Key ghi nhận New Zealand có quan hệ kinh tế gần gũi với Trung Quốc nên New Zealand cần phải nhắc nhở Trung Quốc về vấn đề biển Đông.
Phát biểu trên kênh truyền hình Úc ABC ngày 19-2, ông Stephen Conroy phụ trách quốc phòng của đảng đối lập Úc đã lên tiếng kêu gọi Úc phải chứng tỏ đừng để bị Trung Quốc dọa nạt bằng cách thực hiện tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo Trung Quốc đòi chủ quyền.
Hiện thời tàu Úc vẫn thực hiện tuần tra trong khu vực nhưng không đến gần các đảo tranh chấp trên biển Đông.
Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull (phải) và Thủ tướng New Zealand John Key ngày 19-2. Ảnh: REUTERS
Ông Stephen Conroy nhấn mạnh: “Các hiệp ước quốc tế và luật pháp quốc tế về biển cho phép chúng ta đi tàu trong 12 hải lý của tất cả thực thể tranh chấp. Nếu có phán quyết trọng tài quốc tế hay hiệp định ký kết thừa nhận các đảo đó, tất nhiên phạm vi 12 hải lý có hiệu lực… Thế nhưng hiện nay chúng không được mọi người thừa nhận là lãnh thổ và chúng ta có quyền đi tàu vào hoàn toàn hợp pháp”.
Trung Quốc đổ lỗi cho Mỹ
Dự kiến Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull sẽ đến thăm Trung Quốc vào tháng 4 tới. Còn New Zealand là nước phát triển đầu tiên thừa nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường.
Trong chuyến thăm Trung Quốc hôm 18-2, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop đã nêu lên quan ngại về sự kiện Trung Quốc triển khai tên lửa đất đối không trên đảo Phú Lâm.
Tối 18-2, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phát thông báo “dằn mặt” Úc.
Thông báo cho biết trong hội đàm với Ngoại trưởng Julie Bishop, Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì nói Úc không phải là một bên tham gia tranh chấp ở biển Đông, vậy nên không nên can dự hay tiến hành các biện pháp “làm phương hại đến hòa bình, ổn định và quan hệ Trung-Úc”.
Ngày 19-2, Tân Hoa xã đưa tin trong cuộc họp báo thường lệ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi khăng khăng bám lập luận cũ rích rằng Trung Quốc có đầy đủ căn cứ pháp lý và lịch sử đối với chủ quyền của quần đảo Hoàng Sa và hải vực lân cận.
Khi được hỏi về tuyên bố trước đó của Bộ Ngoại giao Mỹ, người phát ngôn tráo trở nói Trung Quốc không quân sự hóa ở biển Đông và đổ lỗi cho Mỹ thực hiện tuần tra hàng hải trong khu vực đã làm gia tăng căng thẳng và đó là hành động quân sự hóa của Mỹ ở biển Đông.
Báo Thời Báo Hoàn Cầu ngày 19-2 đã đăng bài bình luận mô tả tổ hợp tên lửa Hồng Kỳ 9 triển khai trên đảo Phú Lâm là vũ khí phòng thủ. Báo giở giọng đe nẹt quân đội Trung Quốc sẽ tiếp tục triển khai thêm vũ khí mạnh hơn nếu Mỹ tiếp tục đe dọa và nguy cơ đối đầu tiềm tàng.
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt xâm phạm chủ quyền ở Hoàng Sa Theo trang web Chính phủ, trả lời câu hỏi của nhiều phóng viên trong nước và quốc tế về phản ứng của Việt Nam trước thông tin của một số kênh truyền hình và hãng thông tấn nước ngoài liên quan đến việc Trung Quốc xây dựng căn cứ trực thăng quân sự trên đảo Quang Hòa và bố trí tên lửa đất đối không HQ-9 trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, ngày 19-2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nhấn mạnh: “Việt Nam hết sức quan ngại về các hành động nói trên của Trung Quốc. Đây là những hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động sai trái đó”. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi công hàm đến Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội phản đối các hoạt động của Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa. Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ cũng đã có công hàm gửi tổng thư ký LHQ đề nghị cho lưu hành chính thức công hàm Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Đại sứ quán Trung Quốc nói trên. Chúng tôi không nhìn thấy bất kỳ dấu hiệu cho thấy nỗ lực quân sự hóa dừng lại… Không có gì khiến tình hình ổn định hơn và an toàn hơn. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ JOHN KIRBY ___________________________________ Điều chủ yếu hiện thời là giảm căng thẳng bởi lẽ thịnh vượng của Úc cũng như thịnh vượng trong khu vực phụ thuộc vào hòa bình và mọi hành động, dù bất kỳ động cơ nào, tạo ra căng thẳng đi ngược với lợi ích khu vực. Thủ tướng Úc MALCOLM TURNBULL |