Sáng 19-3, khoảng 200 dân quân tự vệ không mang theo vũ khí đã tiến vào bộ chỉ huy hải quân Ukraine ở Sevastopol. Một số người có vũ khí đứng bên ngoài.
Theo hãng tin Itar-Tass (Nga), sau một hồi thương lượng, Chuẩn đô đốc tư lệnh hải quân Sergei Gaiduk cùng một số sĩ quan đã rời bộ chỉ huy để tránh căng thẳng. Lực lượng tự vệ đã đề nghị các binh sĩ Ukraine rã ngũ hoặc rời Crimea. Họ đã kéo cờ Nga và cờ hiệu hải quân Nga lên.
Trước đó, Bộ Nội vụ Crimea thông báo ngày 18-3, một tay súng bắn tỉa đã bắn chết một binh sĩ Ukraine và một dân quân tự vệ Crimea trước cổng căn cứ Ukraine tại Simferopol (bị lực lượng tự vệ Crimea bao vây từ hai tuần nay). Ngoài ra còn có hai người bị thương gồm một binh sĩ Ukraine và một dân quân tự vệ Crimea. Bộ Nội vụ không loại trừ đây là hành động khiêu khích.
Ngay sau sự kiện này, Bộ Quốc phòng Ukraine lại ra thông cáo có nội dung khác hẳn.
Một sĩ quan Ukraine rời bộ chỉ huy hải quân ở Sevastopol sáng 19-3. Ảnh: AP
Thông cáo khẳng định thủ phạm tấn công mặc quân phục binh lính Nga và trang bị súng tự động cũng như súng có kính ngắm.
Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseniy Yatsenyuk tuyên bố: “Xung đột đã chuyển từ giai đoạn chính trị sang giai đoạn quân sự… Hôm nay, binh lính Nga đã bắt đầu bắn vào binh sĩ chúng tôi. Đây là tội ác chiến tranh”.
Sau đó, Bộ Quốc phòng Ukraine tuyên bố các đơn vị Ukraine đồn trú ở Crimea được phép sử dụng vũ khí đồng thời khẳng định các đơn vị quân đội Ukraine vẫn ở lại Crimea.
Bộ Tổng tham mưu Ukraine đã gọi điện thoại cho Bộ Quốc phòng Nga khăng khăng cho rằng các binh sĩ Nga có tham gia trong vụ nổ súng ở Simferopol.
Phía Ukraine thông báo các binh sĩ Ukraine ở Crimea đã được phép sử dụng vũ khí để tự vệ và đề nghị Nga cho binh sĩ rời xa các căn cứ Ukraine. Phía Ukraine cũng đề nghị thành lập một ủy ban hỗn hợp để ngăn chặn tình hình leo thang. Tại Nga ngày 18-3, sau khi ký kết hiệp định sáp nhập nước Cộng hòa Crimea và TP Sevastopol vào Liên bang Nga, Tổng thống Putin đã điện đàm với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko về tầm vóc lịch sử của sự kiện Crimea sáp nhập vào Nga.
Tổng thống Putin cũng đã điện đàm với Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh để thông báo tình hình Ukraine, kết quả trưng cầu dân ý ở Crimea và quan hệ hợp tác kinh tế Nga-Ấn.
Bộ Ngoại giao Kazakhstan tuyên bố cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea phù hợp với hiến chương LHQ và thể hiện nguyện vọng của nhân dân Crimea.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga ra thông cáo khẳng định Mỹ và EU không quan tâm đến tình hình các thế lực dân tộc chủ nghĩa cực đoan tham gia vào cấu trúc hành pháp ở Ukraine.
Thông cáo nêu rõ đảng cực hữu Svoboda đang giữ các vị trí then chốt ở Ukraine như phó thủ tướng, bộ trưởng Quốc phòng. Tháng 12-2012, Quốc hội châu Âu từng lên án đảng Svoboda phát tán tư tưởng phân biệt chủng tộc, bài Do Thái, bài ngoại.
DẠ THẢO
- Ngày 18-3, Bộ Ngoại giao Ukraine đã triệu đại biện lâm thời của Nga ở Kiev đến để phản đối Nga ký kết hiệp định công nhận nước Cộng hòa Crimea. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Ukraine quy cho Nga là “thôn tính Crimea”. - Ngày 19-3, Tòa án hiến pháp Nga đã phê chuẩn hiệp định về sáp nhập Crimea vào Nga. Tòa án hiến pháp phán quyết hiệp định phù hợp với hiến pháp Liên bang Nga. - Bộ trưởng Quốc phòng và phó thủ tướng Ukraine định đến Crimea để chấm dứt leo thang căng thẳng. Tuy nhiên, như Thủ tướng Crimea Sergey Aksyonov trả lời hãng tin Interfax (Nga), Crimea không cho vào lãnh thổ Crimea. |