Ukraine nặng gánh hai vai

(PLO)- Ukraine nặng gánh hai vai khi vừa phải chiến đấu kìm chân quân Nga trên chiến trường, vừa phấp phỏng nỗi lo về sự thay đổi cục diện chính trường Mỹ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau gần 30 tháng chiến đấu với Nga, Ukraine ngày càng gặp khó khăn trên chiến trường và càng lo ngại cho nguồn hỗ trợ quan trọng từ Washington khi cục diện chính trị Mỹ có thể thay đổi sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới.

Gần đây, nhà phân tích quân sự Michael Kofman của Quỹ Carnegie (Mỹ) nhận định trong một podcast: "Hai hoặc ba tháng tới có lẽ sẽ là thời gian khó khăn nhất trong năm nay đối với Ukraine".

Ukraine chật vật trên chiến trường

Những bước tiến của Nga, bao gồm việc Nga giành được những ngôi làng ở phía đông Ukraine, là điều đáng lo ngại đối với Kiev khi lực lượng này đang phải dàn mỏng và căng mình ngăn chặn các cuộc tấn công của Nga dọc theo chiến tuyến dài hơn 900 km.

Ukraine nặng gánh hai vai
Lính Ukraine ở TP Toretsk (tỉnh Donetsk) chuẩn bị khai hỏa vào lực lượng Nga vào hôm 13-7. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Vào cuối tuần qua, lực lượng Nga đã tiến vào làng Urozhaine (tỉnh Donetsk) - một ngôi làng mà Ukraine giành lại được trong cuộc phản công vào mùa hè năm ngoái. Ngày 18-7, ông Nazar Voloshyn - người phát ngôn nhóm quân Khortytsia của Ukraine xác nhận quân Ukraine đã rút lui khỏi ngôi làng này, theo hãng thông tấn Interfax Ukraine.

Đây là động thái mới nhất trong một loạt các bước tiến chậm nhưng chắc của Nga, đang dần đảo ngược những chiến thắng khó khăn lắm Ukraine mới giành được trong những lần phản công trước đó.

Ở mặt trận phía đông, đặc biệt ở tỉnh Donetsk, quân Nga đang tiến về phía trước. Nga đã tiến vào vùng ngoại ô TP Chasiv Yar - một thành trì quan trọng của Ukraine trong khu vực và đang tiếp cận tuyến đường tiếp tế quan trọng của Ukraine mang tên Quốc lộ T0504. Hiện tại, Nga chỉ còn cách con đường này chưa đầy 7 km về phía nam và hiện con đường đã nằm trong tầm bắn của pháo binh và máy bay không người lái (UAV) của Nga.

ukraine-nang-ganh-hai-vai.png
Bản đồ các khu vực Nga kiểm soát và tăng cường tác chiến. Nguồn: AP/ISW

Nếu lực lượng Nga tiến tới con đường này, các hoạt động quân sự của Ukraine ở khu vực phía đông Donetsk sẽ bị cản trở nghiêm trọng. Khi đó, việc tiếp tế cho các thị trấn và các cứ điểm phòng thủ được kết nối qua tuyến đường này sẽ phải được tiến hành bằng các tuyến đường thay thế và khó khăn hơn.

Đặc biệt, việc chặn đứng con đường này sẽ khiến TP Chasiv Yar nằm trên đỉnh đồi sẽ bị cô lập và điều này là một trong những mục tiêu chính của Moscow.

Gần đây, quân Ukraine đã rút lui khỏi vùng rìa phía đông của Chasiv Yar. Các lực lượng Nga cũng đã tiến vào các thị trấn lân cận là Toretsk và New York, làm gia tăng áp lực lên phòng tuyến của Ukraine.

Tuy nhiên, tình hình chiến trường không phải quá ảm đạm đối với Ukraine khi lực lượng nước này vẫn ngăn được các cuộc tấn công của Nga ở tỉnh Kharkiv, trong bối cảnh đầu tháng 5 quân Nga từ biên giới đã tràn qua tấn công tỉnh này, mở mặt trận mới ở đây nhằm tạo một vùng đệm với Nga.

Cạnh đó, vũ khí và đạn dược mới được giao của Mỹ cũng như việc Washington cho phép Ukraine tấn công hạn chế vào các mục tiêu quân sự trên đất Nga đã giúp lực lượng Ukraine chống lại các cuộc tấn công của Nga ở mặt trận này.

Song hiện tại Kharkiv vẫn xảy ra nhiều cuộc giao tranh giữa lực lượng hai nước, thương vong lên đến hàng trăm người mỗi ngày ở cả hai bên.

Nỗi phấp phỏng về chính trường Mỹ

Hôm 15-7, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chọn Thượng nghị sĩ J.D. Vance làm người đồng hành tranh cử với ông ở vai trò phó tổng thống. Giới quan sát châu Âu cho rằng đây là một “tin tức khủng khiếp” đối với Ukraine, theo tờ Guardian.

Ông Michael McFaul - Giám đốc Viện nghiên cứu quốc tế Freeman Spogli (Mỹ) và là cựu đại sứ Mỹ tại Nga - nhận định: “Thượng nghị sĩ Vance là một trong những người phản đối cực lực nhất gói viện trợ mới cho Ukraine vào mùa xuân năm ngoái và đã tỏ ra thờ ơ với những gì xảy ra trong cuộc chiến này…Bằng cách chọn ông Vance làm người đồng hành, ông Trump đã làm rõ sự lựa chọn về chính sách đối ngoại cho cử tri Mỹ [trong cuộc bầu cử] vào tháng 11”.

ukraine-nang-ganh-hai-vai.png
Thượng nghị sĩ J.D. Vance phát biểu tại đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa được tổ chức tại Milwaukee (bang Wisconsin, Mỹ) vào ngày 17-7. Ảnh: CNN

Hồi tháng 2, tại Hội nghị An ninh Munich (Đức), ông Vance nói rằng khả năng của Mỹ trong việc hỗ trợ cho Ukraine trong cuộc chiến chống Nga là "có hạn" do năng lực sản xuất vũ khí của Mỹ không đủ đáp ứng. Ông Vance cho rằng sẽ không thực tế nếu Mỹ tiếp tục cung cấp hỗ trợ cho Ukraine trong tương lai cùng mức độ như Mỹ đã làm.

Trong một bài bình luận ​​đăng trên tờ The New York Times vào tháng 4, ông Vance cho rằng Ukraine nên áp dụng chiến lược phòng thủ thay vì tấn công để bảo toàn nhân lực cũng như bắt đầu các cuộc hòa đàm.

Ông Vance cũng cho rằng để làm được điều đó, đòi hỏi cả lãnh đạo Mỹ và Ukraine phải chấp nhận rằng mục tiêu mà Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky đã nêu ra trong cuộc chiến là quay trở lại đường biên giới năm 1991 với Nga, là điều viển vông.

GS Serhiy Kudelia chuyên về khoa học chính trị tại ĐH Baylor (Mỹ) viết trên mạng xã hội X: “Quan điểm của ông Vance cho chúng ta biết tất cả những gì chúng ta cần biết về cách ông Trump muốn tiếp cận Ukraine một khi ông ấy trở thành tổng thống: Ukraine không trở thành thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cắt viện trợ quân sự và kinh tế cho Ukraine, và buộc ông Zelensky ngồi vào bàn đàm phán với Nga".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm