Không chỉ nỗ lực đối phó với chiến dịch quân sự của Nga, Ukraine đã và đang quyết liệt chống tham nhũng - một cuộc chiến âm ỉ lâu nay trong nội bộ các nhà cầm quyền Kiev.
Nhức nhối vấn nạn tham nhũng
Tham nhũng không mới ở Ukraine mà đã manh nha từ khi lập quốc và âm ỉ lâu nay. Một thời gian dài Ukraine được biết đến là một trong những nước có vấn nạn tham nhũng nghiêm trọng. Theo báo cáo năm 2022 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Ukraine là quốc gia có vấn nạn tham nhũng trầm trọng thứ hai ở châu Âu và thứ 116/180 quốc gia trên thế giới.
Các quyết định cải tổ nhân sự của Tổng thống Zelensky minh chứng cho các ưu tiên chính của nhà nước. Không có tình trạng mắt nhắm mắt mở. Trong thời chiến, ai cũng phải hiểu trách nhiệm của mình. Tổng thống quan sát và lắng nghe người dân. Ông ấy trực tiếp đáp ứng một yêu cầu quan trọng của công chúng, đó là công lý cho tất cả mọi người.
Ông MYKHAILO PODOLYAK,
cố vấn tổng thống Ukraine
Theo đài NPR, khi Ukraine tuyên bố độc lập vào năm 1991, tổng thống Mỹ khi đó là ông George H.W. Bush đã khuyến khích Kiev chuyển từ mô hình kinh tế cũ thời Liên Xô sang mô hình thị trường tự do. Tuy nhiên, mô hình mới này lại khiến xuất hiện các “nhóm lợi ích” và “chủ nghĩa thân hữu lũng đoạn” với những giao dịch cửa sau tranh giành quyền lực.
Ông Vasyl Zadvornyy, cựu Giám đốc điều hành Prozorro, cơ quan mua sắm công của Ukraine được thành lập năm 2016, nói rằng khi đó mọi thứ ở Ukraine giống như thời trung cổ. Nhiều nhóm giám sát quốc tế lúc bấy giờ đánh giá Ukraine là một trong những quốc gia tham nhũng nhất trên hành tinh.
Tháng 11-2013, tổng thống Ukraine lúc đó là ông Viktor Yanukovych từ chối ký Hiệp định Liên kết với Liên minh châu Âu (EU), làm dấy lên làn sóng biểu tình khắp cả nước, theo tờ The Kyiv Independent. Cuộc biểu tình nhanh chóng tiến triển thành Cách mạng Nhân phẩm (hay Cách mạng Maidan) lật đổ ông Yanukovych - người sở hữu dinh thự xa hoa và là biểu tượng của sự tham nhũng tại cấp cao nhất của Ukraine. Tháng 2-2014, ông Yanukovych bị phế truất và lưu vong sang Nga. Ngay sau đó, phong trào ly khai ở vùng Donbass nổ ra và kéo dài cho đến nay.
Theo ông Tymofiy Mylovanov, Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Kiev, vấn nạn tham nhũng khi đó đã gây thiệt hại lớn cho đất nước, đề cập các cuộc biểu tình bạo lực kéo dài nhiều tháng. Không chỉ thế, cuộc cách mạng Maidan cho thấy nạn tham nhũng đã làm suy yếu năng lực tự vệ của quân đội Ukraine đến mức nào.
“Các đơn vị an ninh đã không có hành động đối phó nào cả. Đơn giản là vì họ không có khả năng” - ông nói. Kho vũ khí của Ukraine gần như cạn kiệt sau nhiều năm sa lầy vào tình cảnh tham ô và hợp đồng vũ khí tồi tệ. Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào tháng 3-2014 trong vòng chưa đầy một tháng mà không cần phải nổ phát súng nào cả.
Nỗ lực dài hơi
Chống tham nhũng ở Ukraine là một nỗ lực dài hơi. Trước tình trạng giới tinh hoa “hư hỏng” trong nước, năm 2014 Ukraine lập Cục Chống tham nhũng quốc gia Ukraine (NABU), chuyên điều tra và chuẩn bị thủ tục tố tụng các vụ tham nhũng của quan chức cấp cao.
Năm 2015, ông Zadvornyy bắt đầu làm việc cùng các nhà hoạt động, lập trình viên phần mềm và chính phủ Ukraine để công bố một hệ thống mua sắm công hoàn toàn mới có tên là Prozorro, có nghĩa là “minh bạch” trong tiếng Ukraine. Theo đó, tất cả quan chức được bầu và bổ nhiệm đều phải kê khai toàn bộ tài sản, nếu không sẽ bị phạt nặng.
Đám đông biểu tình bên ngoài Quốc hội Ukraine hồi năm 2020 kêu gọi bộ trưởng nội vụ từ chức vì nghi ngờ tham nhũng. Ảnh: GETTY IMAGES |
Đến năm 2016, Quốc hội Ukraine đã buộc các doanh nghiệp và cơ quan chính phủ sử dụng Prozorro và công bố hàng ngàn thông tin chi tiết từ mỗi giao dịch, thậm chí bao gồm chi phí mua một cây bút chì ở một khu học chánh nông thôn, mục đích sử dụng của bút chì, mức giá cạnh tranh và thông tin liên hệ của bên mua cũng như bên bán. Ông Zadvornyy cho biết hệ thống mua sắm công này được sử dụng rất phổ biến trong cộng đồng doanh nghiệp, vì đây là lần đầu tiên trong lịch sử Ukraine, các nguyên tắc thị trường công bằng được đảm bảo.
Năm 2019, ông Volodymyr Zelensky đắc cử tổng thống Ukraine. Đài CNN đưa tin rằng các cam kết chống tham nhũng trong chính phủ là một trong những lý do giúp ông Zelensky đánh bại đối thủ trong cuộc bầu cử năm đó. Sau khi nắm chính quyền, ông Zelensky mạnh tay cải tổ hệ thống.
Đại cải tổ nội các
Sau khi Nga phát động chiến dịch hồi tháng 2 năm ngoái, Ukraine tạm thời đình chỉ các yêu cầu về tính minh bạch do lo ngại về an ninh quốc gia. Vài tháng sau đó, các chi tiêu dân sự đã được cập nhật trở lại cơ sở dữ liệu Prozorro song các khoản mua sắm quân sự vẫn được giữ bí mật. Thực tế này khiến giới quan sát và phân tích chính trị hoài nghi về nỗ lực chống tham nhũng của Ukraine. Đã có một nhóm nhà lập pháp Mỹ lên tiếng yêu cầu chính quyền Kiev phải đảm bảo sự minh bạch hơn nữa trong thời chiến.
Tuy nhiên, bên cạnh đó giới quan sát cũng ghi nhận các bước đi quyết liệt mà ông Zelensky thực hiện trong cuộc chiến dài hơi này, như thông qua luật tước quyền miễn trừ truy tố của các nhà lập pháp với mục đích tạo nên một đất nước “không ai có địa vị đặc biệt” và người dân bình đẳng với giới tinh hoa.
Trong vài tuần qua, ông Zelensky mạnh tay “đại cải tổ” nội các khi ra lệnh cách chức hơn chục cố vấn, thứ trưởng, công tố viên và quản lý khu vực, đồng thời tuyên bố rằng “bất kỳ vấn đề nội bộ nào cản trở nhà nước đang được dọn dẹp và sẽ bị quét sạch”. Ngày 5-2, thượng nghị sĩ Ukraine - ông David Arakhamia cho biết Kiev sắp thay đổi nhân sự ở vị trí bộ trưởng quốc phòng, đánh dấu sự thay đổi lớn nhất trong chính phủ sau nhiều vụ từ chức và sa thải kể từ loạt bê bối tham nhũng cuối tháng 1.
Nhiều tổ chức gần đây đánh giá tích cực về nỗ lực của nhà lãnh đạo Ukraine. Ông Shabunin thuộc Trung tâm Hành động chống tham nhũng Ukraine (một tổ chức phi chính phủ ở Kiev) nhận xét dù hiện vẫn còn nhiều vấn đề, song Ukraine “đang đi đúng hướng và biết nên hành động ra sao”. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen ca ngợi những cải cách gần đây của Kiev, nhấn mạnh Ukraine “đã đạt được nhiều điều nhưng tất nhiên vẫn còn nhiều công việc quan trọng cần làm”.•
Chống tham nhũng: Mũi tên trúng hai đích của ông Zelensky
Việc quyết liệt với cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay giúp Tổng thống Zelensky bắn một mũi tên trúng hai đích, đài DW dẫn nhận định của ông Volodymyr Fesenko - chuyên gia khoa học chính trị tại Trung tâm Nghiên cứu chính trị ứng dụng Penta (Ukraine).
“Đây là một trong những cuộc chiến chống tham nhũng lớn nhất Ukraine. Không phải ngẫu nhiên mà điều này (cải tổ nhân sự) diễn ra ngay trước Hội nghị thượng đỉnh EU tại Kiev vào tháng 2 này. Thành công chống tham nhũng là một trong những tiêu chí để Ukraine gia nhập châu Âu” - theo ông Fesenko.
Bên cạnh đó, ông Fesenko cho rằng chiến dịch chống tham nhũng của ông Zelensky còn giúp tổng thống ghi điểm và xoa dịu dân chúng, khi họ muốn thấy các quan chức tham nhũng bị trừng phạt.