Ùn tắc giao thông ở TP.HCM có thể gây thiệt hại 6 tỉ USD/năm

(PLO)- Ùn tắc giao thông có tác động không nhỏ tới nền kinh tế Việt Nam, riêng tại TP.HCM tình trạng ùn tắc giao thông có thể gây thiệt hại đến 6 tỉ USD/năm.

Sáng 29-9, tại tỉnh Vĩnh Phúc đã diễn ra Hội thảo tập huấn về truyền thông chiến lược An toàn giao thông đường bộ.

Hội thảo có sự tham gia của các cơ quan như Ban An toàn giao thông, Sở GTVT, CSGT ở các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng.

TS Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia, cho biết Việt Nam là quốc gia có gần 100 triệu dân, xếp thứ hạng cao trên thế giới. Theo đó, việc nâng cao giải pháp an toàn giao thông ở Việt Nam là cần thiết và người dân sẽ được hưởng lợi.

TS Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia chia sẻ tình hình giao thông ở TP.HCM. Ảnh: ĐT.

TS Minh cũng cho biết tỉ lệ đô thị hoá tại Việt Nam đang tăng cao, cơ giới hoá phương tiện đi lại cũng diễn ra rất nhanh. Trong đó có nhiều số liệu thống kê rằng một năm tại thị trường Việt Nam có thể tiêu thụ từ ba triệu xe máy/năm.

Điều đó có thể thấy rằng việc người dân sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân ngày càng nhiều thì tai nạn giao thông cũng tăng. Điều đáng mừng là trong nhiều năm trở lại đây đã thấy rằng số vụ tai nạn, bị thương và người chết cũng đã giảm.

Bên cạnh đó, vấn đề ùn tắc giao thông cũng là vấn đề cần bàn. Nếu 10 năm trước, người dân đi qua Ngã tư Sở - người dân vẫn truyền tai nhau là "Ngã tư khổ", bởi lẽ họ phải mất hàng giờ đồng hồ đi qua các ngã tư này.

Sau đó, các sở ngành đã xây dựng các cầu vượt đã giảm ngay tình trạng ùn tắc, tuy nhiên đây cũng chỉ tính là phương án tạm thời. Hiện nay, tình trạng ùn tắc ngay tại các cầu vượt cũng đang diễn ra và vấn đề đặt ra là cần có các giải pháp bài bản, để có phương án xử lý.

Nhiều tổ chức đã nghiên cứu thì thấy rằng ùn tắc giao thông đã tác động rất lớn đến nền kinh tế. Riêng TP.HCM, vấn đề ùn tắc giao thông có thể gây thiệt hại sáu tỉ USD/năm. Vấn đề này có thể dễ dàng đánh giá thông qua các tiêu chí, nghiên cứu và dễ dàng thấy được những thiệt hại mà nền kinh tế đang gánh chịu.

Ùn tắc giao thông tác động không nhỏ tới nền kinh tế. Ảnh: ĐT.

Ngoài ra, TS Trần Hữu Minh cho biết hiện nay tình trạng container chạy 24/7 chạy trộn với xe máy, xe tải, xe ô tô sẽ vô cùng nguy hiểm. Theo đó, việc cần thúc đẩy các phương tiện di chuyển an toàn cao hơn như metro, xe buýt cần sớm triển khai tăng cường để hỗ trợ cho đường bộ. Từ đó, góp phần đảm bảo an toàn giao thông ở các địa phương.

Ông Tom Carroll, đại diện cho tổ chức Vital Strategies, cho biết để giảm tải tình trạng mất an toàn giao thông thì cần có nhiều chiến dịch truyền thông. Đơn cử như chiến dịch đội nón bảo hiểm khi tham gia giao thông cũng đã mang lại hiệu quả và đã trở thành thói quen của người tham gia giao thông. Chính vì vậy, việc lập chiến dịch truyền thông về đảm bảo an toàn giao thông là vô cùng quan trọng.

Ông Tom Carroll đánh giá cao đề xuất phương án tác động của phụ nữ lên trẻ em và người chồng, người cha trong một gia đình về vấn đề đảm bảo an toàn giao thông là vô cùng hiệu quả.

"Chúng ta muốn thay đổi về tâm thế, hành vi của một người thì cần lựa chọn phương án tiếp cận và cả kênh truyền thông" - Ông Tom Carroll đánh giá.

Tại Hội thảo, các đơn vị đã được yêu cầu xây dựng chiến lược truyền thông để truyền tải thông điệp, tác động nhận định đến người tham gia giao thông.

Nhóm thảo luận phía TP.HCM cho biết, đô thị ở TP.HCM chủ yếu là đường trong đô thị, thiếu cao tốc và các tuyến đường sắt đô thị. Nhóm đối tượng tham gia giao thông cũng chủ yếu từ 18-35 và nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông ở TP.HCM chủ yếu là sử dụng rượu bia, phóng nhanh vượt ẩu. Theo đó, nhóm này đề nghị xây dựng chiến lược truyền thông cho nhóm đối tượng này.

Một nhóm khác cũng cho rằng lâu nay các tổ chức đã thực hiện nhiều chiến dịch truyền thông vào nhóm đối tượng trực tiếp tham gia giao thông, song chưa thực sự hiệu quả.

Theo đó, nhóm này yêu cầu cần có thời gian chuẩn bị cho nhóm đối tượng sắp và đang tham gia giao thông. Đây được coi là một bước chuận bị cho tương lai.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới