Sáng 30-3, Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ tổ chức Hội thảo Nhậnđịnh tình hình khí tượng thủy văn (KTTV) khu vực Nam bộ năm 2023 và ứng dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo), chuyển đổi số.
Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: NC |
Thiên tai xảy ra với tần suất ngày càng gia tăng
Tại hội thảo, ông Lê Ngọc Quyền, Giám đốc Đài KTTV khu vực Nam Bộ nhận định: "Trong những năm gần đây, thiên tai có nguồn gốc KTTV xảy ra liên tục với tần suất ngày càng gia tăng và có xu thế nhanh hơn dự báo."
Cụ thể, tần suất bão đã tăng nhanh, mưa có cường độ và tần suất ngày càng lớn hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, lũ trên lưu vực sông MeKong diễn biến phức tạp, tài nguyên nước ngày càng cạn kiệt, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn và triều cường liên tục vượt mốc lịch sử.
Điển hình là hai đợt hạn mặn mùa khô năm 2015-2016 và 2018- 2019 và bốn lần triều cường vượt mốc lịch sử từ 1,68m lên 1,78m.
Nhận định xu thế thời tiết ở Nam bộ năm 2023, ông Lê Đình Quyết, Phó Trưởng phòng dự báo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ dự báo, mùa mưa ở Nam bộ khả năng sẽ bắt đầu sớm hơn trung bình nhiều năm (TBNN) , từ khoảng 25-4 đến 5-5-2023 ( TBNN từ 29-4 đến 10-5).
Mùa nắng nóng năm 2023 bắt đầu xấp xỉ TBNN và kết thúc muộn với thời kỳ nắng nóng kéo dài hơn TBNN. Số ngày nắng nóng và nhiệt độ cao nhất trung bình trong các tháng cao hơn TBNN. Nắng nóng diện rộng xuất hiện nhiều đợt ở miền Đông Nam bộ và ven biên giới Tây Nam.
Bão-áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông xấp xỉ đến cao hơn TBNN, trong năm có khoảng 12 đến 15 cơn bão áp thấp nhiệt đới trên biển Đông với khoảng bốn đến bảy cơn ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam.
Ứng dụng công nghệ AI, chuyển đổi số vào nghiệp vụ quan trắc, dự báo
Để không bị động trước thiên tai, ông Lê Ngọc Quyền cho biết Đài KTTV khu vực Nam bộ đã nghiên cứu các sản phẩm dự báo hạn dài trên thế giới nhằm dự báo kịp thời, chính xác để các địa phương chủ động phòng chống, cơ cấu lại giống cây trồng vật nuôi và thời hạn mùa vụ. Từ đó gia tăng sản lượng, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và tăng sản lượng xuất khẩu.
Các dự báo viên tại Đài KTTV khu vực Nam bộ làm việc xuyên suốt. Ảnh: NC |
"Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, những hiện tượng thời tiết, thủy văn cực đoan xuất hiện ngày càng nhiều, phức tạp hơn, khó dự báo thì bài toán áp dụng công nghệ AI, chuyển đổi số vào nghiệp vụ quan trắc, dự báo, cảnh báo, truyền tin là bước đi đột phá, táo bạo, đáp ứng được công tác phòng chống thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội" - ông Quyền nói.
Cụ thể, hiện nay mạng lưới quan trắc của đài đã tăng lên gần 480 trạm phân bố rộng khắp trên 19 tỉnh, TP và ngoài biển. Các thiết bị quan trắc được chuyển đổi từ thủ công, bán thủ công sang hoàn toàn tự động với tỉ lệ 80%. Số liệu quan trắc được thu thập chính xác, kịp thời phục vụ tốt cho công tác dự báo, cảnh báo thiên tai.
Công tác dự báo KTTV liên tục có những bước phát triển vượt bậc. Từ chỗ chỉ sử dụng công cụ dự báo chủ yếu bằng phương pháp Synop truyền thống, phương pháp thống kê là chủ yếu, đến nay công nghệ dự báo số đã được triển khai ứng dụng trong nghiệp vụ. Tập trung đầu tư chuyển đổi số, chủ động đồng hóa số liệu toàn bộ các số liệu khí tượng bề mặt và ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Ngoài ra, Đài KTTV khu vực Nam bộ đã tận dụng tối đa các hợp tác quốc tế, nâng cao năng lực chuyên môn, nổi bật là hợp tác với Ủy hội sông Mê Công; Đài Khí tượng Gwangju, Hàn Quốc nghiên cứu, ứng dụng thử nghiệm chỉ số AKI vào nghiệp vụ dự báo mưa cho TP.HCM trong mùa mưa 2019; Hợp tác với tổ chức quốc tế GIZ để nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo...
Triển lãm các trang thiết bị quan trắc KTTV và môi trường tại hội thảo. Ảnh: NC |
Cùng ngày, Đài KTTV khu vực Nam bộ tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm thành lập và phát triển. Với những cố gắng nổ lực trong thời gian qua, Đài KTTV khu vực Nam bộ đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận. Dịp này, Đài đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng III.
Đại diện Đài KTTV khu vực Nam bộ nhận Huân chương Lao động hạng III của Chủ tịch nước. Ảnh: NC |