Ngày 18-11, PGS-TS Bùi Chí Viết (chuyên gia ung bướu) cho biết thông tin trên tại hội nghị quốc tế về ung thư Pháp-Việt lần thứ nhất, do Viện Trường Đại học Grenoble (Pháp) phối hợp với BV đa khoa Xuyên Á tổ chức.
“Điều đáng quan tâm, hầu hết người mắc ung thư đường tiêu hóa nhập viện trễ, bệnh nặng nên buộc điều trị phẫu thuật. Sau đó bệnh nhân tiếp tục hóa trị liệu, chăm sóc giảm nhẹ” - ông Viết cho biết thêm.
Các bác sĩ đang điều trị một ca bị ung thư đường tiêu hóa. Ảnh: BV CUNG CẤP
Theo Hội Ung thư Việt Nam, ung thư đường tiêu hóa đang có xu hướng gia tăng và thực sự báo động. Ước tính Việt Nam mỗi năm có gần 8.000 ca mắc mới và gần 5.000 ca tử vong do ung thư đường tiêu hóa (ung thư đại tràng và trực tràng).
Các chuyên gia ung bướu cảnh báo đa phần những trường hợp ung thư đường tiêu hóa phát triển âm thầm trong nhiều năm. Do vậy cần phải tầm soát để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Tuy nhiên, theo GS Jean Chung Minh, Chủ tịch Hội Trao đổi y học Pháp, hệ thống các cơ sở y tế điều trị ung thư tại Việt Nam hiện nay chưa phủ rộng. Bên cạnh đó, các BV chuyên khoa ung bướu luôn trong tình trạng quá tải. Đây là nguyên nhân chính khiến việc tầm soát và phát hiện sớm ung thư đường tiêu hóa gặp nhiều khó khăn.
“Qua hội nghị quốc tế về ung thư Pháp-Việt lần thứ nhất, chúng tôi mong muốn đặt nền tảng để sớm thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Ung bướu kỹ thuật cao tại BV đa khoa Xuyên Á” - GS Jean Chung Minh nói.