Mất nhiều năm thâm nhập và hai năm lựa chọn mặt bằng tại Việt Nam, Uniqlo đặt ra nhiều mục tiêu và chiến lược quan trọng cho thị trường 5 tỉ USD và không ngừng tăng trưởng này.
Uniqlo cho biết Việt Nam là thị trường chiến lược của nhãn hàng. Ảnh: Thu Hà
Ông Tadashi Yanai - nhà sáng lập kiêm CEO Uniqlo, đồng thời là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn Fast Retailing, cho biết Việt Nam là thị trường chiến lược của Uniqlo. Trong đó ông đề cao sự phát triển của TP.HCM khi tin rằng trong tương lai TP.HCM sẽ trở thành đô thị lớn như Paris, Tokyo…
"Việt Nam là thị trường vô cùng quan trọng của chúng tôi trong khu vực Đông Nam Á. Do đó với cửa hàng đầu tiên này, chúng tôi đã mất rất nhiều thời gian để nghiên cứu phát triển thị trường nhằm đảm bảo không có bất cứ thất bại nào xảy ra trong việc kinh doanh tại Việt Nam".
Vị CEO cũng cho biết với diện tích khủng lên đến 2000 m2, Uniqlo Đồng Khởi là nơi trưng bày toàn bộ các sản phẩm của hãng với nhiều độ tuổi khác nhau. Tôi tin rằng sẽ đem đến nhiều trải nghiệm độc đáo. "Đây là cửa hàng mô hình của Uniqlo, là nơi các cửa hàng trên thế giới xem là cửa hàng chuẩn" - ông Tadashi Yanai nói.
Bước vào thị trường Việt Nam, Uniqlo dù muốn hay không cũng sẽ phải cạnh tranh với các thương hiệu thời trang quốc tế đình đám như H&M, Zara... điều này người ta dự đoán rằng, một cuộc chiến về giá cả và mẫu mã sẽ phân chia thị phần thời trang trong miếng bánh 5 tỉ USD này.
Uniqlo Đồng Khởi đã sẵn sàng đón khách vào sáng 6-12. Ảnh: Thu Hà
Song ông Osamu Ikezoe, Tổng Giám Đốc Uniqlo Việt Nam, khẳng định họ sẽ không chọn chính sách giảm giả để kích thích tiêu dùng mà nhắm vào việc phát triển chất lượng sản phẩm chất lượng cao, thoải mái và bền nhưng mức giá phải chăng phù hợp với thị trường Việt Nam.
"Chúng tôi tin rằng Uniqlo sẽ chinh phục người tiêu dùng bằng triết lý Lifewear của mình chứ không chỉ nằm ở việc giảm giá để kích cầu mua sắm" - ông Osamu Ikezoe nói.
Ông cũng cho biết mặc dù nhận thấy sự phát triển của thương mại điện tử với các ngành hàng, trong đó có thời trang, song trước mắt, Uniqlo sẽ chỉ tập trung kinh doanh tại cửa hàng vật lý với không gian mua sắm thực.
"Mặc dù nhận thức được tỉ lệ người sử dụng điện thoại thông minh và sự chuyển đổi số ở Việt Nam vô cùng mạnh mẽ, song trong chiến lược kinh doanh của mình, chúng tôi ưu tiên phát triển không gian mua sắm thực tại đây. chúng tôi nghĩ rằng trong tương mai không xa sẽ triển khai hoạt động kinh doanh online, tức cửa hàng ảo" - ông Osamu Ikezoe bày tỏ.
Như vậy, với cửa hàng Đồng Khởi lần này, Uniqlo nâng tổng số cửa hàng lên hơn 2.000 cửa hàng trên 25 quốc gia.
Công ty TNHH Uniqlo Việt Nam được thành lập từ ngày 2-10-2018 dưới hình thức liên doanh 100% vốn nước ngoài. Theo đó, Fast Retailing tại Singapore chiếm 75% vốn và Công ty Mitsubishi Corporation giữ 25% vốn. Ngày 9-9 vừa qua, số vốn điều lệ được tăng từ hơn 201,5 tỉ đồng lên trên 364,6 tỉ đồng.