Biên giới Tây Nam những ngày đầu tháng 5 như đổ lửa. Thấy chúng tôi từ xa tới, thằng bé bốn tuổi quần áo xộc xệch, trên tay dăm tờ vé số cũ dẫn chúng tôi đi vào “xóm người Việt từ Campuchia về”. Có những người đã hơn ba thế hệ lênh đênh nơi xứ người với đủ nghề để kiếm sống.
Cái nghèo đeo đẳng nhiều thế hệ
Chúng tôi đến xóm người Việt từ Campuchia về ở ấp Bình Châu, xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng, Long An dưới cái nóng ban trưa, cảm nhận mùi đất ẩm bốc lên nồng nặc. Trong căn nhà hơn chục mét vuông, chị Võ Thị Cúc đang đút cơm cho ba đứa nhỏ. Chén cơm trắng chỉ được trộn với trứng vịt luộc dầm mắm mà tụi nhỏ ăn ngon lành. Đứa út ngồi trên võng miệng vừa nhai vừa nói: “Cơm ngon quá, mẹ ơi!”.
Chị Cúc chỉ mới 36 tuổi nhưng đã có đến chín mặt con. Chị kể: “Ở Campuchia người ta không cấm đẻ, chị ơi! Em đẻ chín đứa là ít đó, có nhà họ đẻ tới hơn hai chục đứa. Nghề đắt khách nhất xứ Biển Hồ là làm bà mụ vườn”.
Cuộc sống lang bạt nơi xứ người muôn vàn khó khăn. Năm 2018, vợ chồng chị Cúc quyết định dẫn mấy đứa con nheo nhóc về Việt Nam sinh sống. Công việc bấp bênh, con đông nên cái đói, cái nghèo cứ mãi đeo bám gia đình chị.
Ngày ngày chồng chị Cúc đi bóc tràm thuê, mang theo ba đứa nhỏ. Mấy tháng nay, do ảnh hưởng của dịch COVD-19, chồng chị mắc kẹt ở chỗ làm, người không về được mà tiền cũng không có.
“Bốn mẹ con đi bán vé số mỗi ngày được 300.000 đồng. Từ khi có dịch bệnh người ta không có đi bán, mẹ con ở nhà nên chẳng kiếm được đồng nào. Đồ ăn, gạo thóc không có tiền mua cho con ăn, giờ có gì ăn nấy, không biết làm sao. Hết gạo thì em lại chạy qua mấy nhà bên mượn, khi hồi có thì trả lại” - chị Cúc buồn rầu.
Ở xóm người Việt từ Campuchia về khác tại xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng, Long An, bà Lý Thị Chiến (59 tuổi) từ Campuchia về Việt Nam hơn chục năm nay nhưng cũng chẳng có giấy tờ tùy thân.
Hằng ngày, như bao người ở trong xóm người Việt từ Campuchia về này, vợ chồng bà Chiến rong ruổi đi bán vé số. “Tui đi bán tận trên huyện Mộc Hóa đó cô. Trừ tiền ăn uống, xe đò, một ngày mỗi người kiếm được 60.000-70.000 đồng” - bà Chiến kể.
Nhưng từ ngày nghỉ bán ở nhà vì dịch bệnh, thu nhập của ông bà gần như bị mất hẳn. “Nghỉ bán rồi đi chặt lục bình, mà lục bình bán cũng không ai mua, giờ tiền không có mà xài, phải mua thiếu nhà ông Hai Tường rồi từ từ có tiền trả cho người ta” - bà Chiến bộc bạch.
Chiến sĩ bộ đội biên phòng vẫy tay chào tạm biệt trẻ em xóm Việt kiều, hẹn hết dịch gặp lại các em ở lớp học tình thương. Ảnh: MINH TÂM
Mong con cháu được học hành
Người dân xóm Việt kiều chủ yếu trình độ dân trí còn thấp, phong tục tập quán ăn chung, ở chung, sinh hoạt chung nên nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất lớn. Trung bình mỗi ngôi nhà mái lá ở đây có khoảng 5-10 người, mọi hoạt động ăn uống, ngủ nghỉ, tắm giặt… đều trong không gian chưa tới 10 m2. Ăn chưa no, ngủ chưa ấm, thiếu thốn trăm bề, vì thế ước mơ tới chuyện được đến trường của tụi nhỏ ở cái xóm Việt kiều là rất đỗi xa vời.
Bà Chiến kể với chúng tôi: “Dân đây đều là người thất học. Mặc dù nói tiếng Việt có vẻ sành sỏi vậy đó chớ nhìn vô mặt chữ không biết gì hết trơn. Đến đời con, cháu của chúng tôi sinh ra ở Campuchia, việc học hành cũng bó tay vì cảnh nghèo. Trở về Việt Nam với hy vọng cho con cháu nó biết được cái chữ mà sau này sướng cái thân nhưng rồi quốc tịch, hộ khẩu không có nên chuyện đưa tụi nhỏ đến trường vẫn còn trong mơ”.
Việc không có giấy tờ tùy thân đã khiến trẻ em ở đây phải chịu cảnh mù chữ. Các em đành ở nhà phụ việc mưu sinh giúp ba mẹ như lội đồng mót lúa, mò ốc, lượm ve chai…
Cấp giấy khai sinh cho trẻ dưới 16 tuổi Những hộ gia đình Việt kiều ở huyện, trẻ nào được sinh ra tại Việt Nam đều đã được làm giấy khai sinh và được đi học. Những trẻ sinh ra từ Campuchia, sau đó được cha mẹ đưa về Việt Nam sinh sống từ trước năm 2016, nếu trẻ dưới 16 tuổi cũng được giải quyết làm giấy khai sinh. ông NGUYỄN VĂN THƯỞNG, Phó phòng Tư pháp huyện Vĩnh Hưng |
Thấy hoàn cảnh khó khăn của các em, các anh bộ đội biên phòng thuộc Đồn biên phòng Tuyên Bình đã mở lớp tình thương, mang con chữ đến cho các em. Lớp học nay đã hoạt động được tám năm nhưng do dịch COVID-19 nên việc học của tụi nhỏ đành tạm ngưng.
Cơn mưa đầu mùa vừa dứt, chúng tôi theo chân một chiến sĩ bộ đội biên phòng đến xóm người Việt từ Campuchia về ở xã Tuyên Bình để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền phòng dịch COVID-19. Anh cho biết 24 hộ dân với 131 người từ Biển Hồ trở về không ai có nổi mảnh giấy tờ lận lưng của Việt Nam hay Campuchia. Chỉ có sáu hộ đủ điều kiện tạm trú vì còn nhớ được gốc tích của mình để chính quyền xác minh. Còn lại đều không nhớ được quê quán vì đã là thế hệ thứ tư, thứ năm sinh ra trên Biển Hồ.
Thấy anh bộ đội biên phòng, trẻ nhỏ trong xóm cứ ngoái đầu nhìn ra. Một bé gái vội chạy tới hỏi: “Chừng nào thì tụi con mới được đi học lại vậy chú?”. Anh bộ đội vội nói: “Tụi con yên tâm, khi nào hết dịch, có thông báo cho học sinh đến trường chú sẽ nói với tụi con”. Tụi nhỏ nghe thấy đứa nào cũng hớn hở mừng reo.
Từ ngày dịch bệnh xảy ra, cô bé Tấm - con gái của chị Cúc cũng tạm nghỉ học ở lớp tình thương. Vừa rửa chén Tấm thủ thỉ: “Sáng 5 giờ con bắt xe lên Mộc Hóa bán vé số, rồi tranh thủ về nhà lúc 7 giờ tối ăn cơm, sau đó chạy lên lớp tình thương học. Từ ngày có mấy chú bộ đội dạy, con đã biết đọc được 24 chữ cái và biết viết tên mình đó, cô à! Mấy hôm nay nghỉ học con buồn lắm, chỉ mong được đi học lại để gặp bạn bè thì vui”.
Dựng nhà, cấp tiền cho 8 hộ dân nghèo Ông Tô Văn Đẹp, Chủ tịch xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng, Long An, cho biết: “Hai tháng trước, tỉnh Long An kêu gọi một số mạnh thường quân mượn đất, dựng nhà tại xã Vĩnh Bình, sau đó kêu gọi tám hộ dân người Việt từ Campuchia về chuyển đến sinh sống. Đồng thời ủng hộ mỗi gia đình 8 triệu đồng. Trong lúc chờ đợi đủ thời gian để được cấp sổ hộ khẩu, chính quyền đã cấp tạm trú, tạm vắng cho các hộ gia đình trên để họ yên tâm lao động”. |