Ươi tràn bờ Pô Cô
Tây Nguyên mùa khô. Từng cơn gió khô khốc càng khiến cái nóng thêm bỏng rát. Nhưng mặc, từng đoàn người vào rừng nhặt ươi thuộc các xã Ia Tô, Ia Krái, Ia Bá... của huyện Ia Grai vẫn cặm cụi lên thuyền vượt sông Pô Cô, sang các cánh rừng thuộc huyện Sa Thầy (Kon Tum) nhặt ươi. Chị Siu Nghia, người làng Dom, xã Ia Krái, khoe: “Cách đây gần một tuần, vợ chồng mình và đứa con mình sang Sa Thầy lượm ươi ba ngày, được 40 kg, kiếm được gần 5 triệu đấy. Chậm là người khác lượm mất. Phải đi một hai chuyến nữa mới hết mùa. Bỏ rẫy lúa cũng được, nhặt ươi có tiền hơn...”.
Rất nhanh nhạy, bến đò dã chiến được hình thành ngay trên sông Pô Cô từ hai phía hữu ngạn và tả ngạn. Nhà đò cũng lấy tiền vận chuyển không hề rẻ, mỗi chuyến 50 ngàn đồng/người và một xe máy cho quãng đường chỉ vài trăm mét, nếu chở thêm ươi thì giá còn cao hơn. Gần 20 chiếc đò máy hoạt động như con thoi vào tầm chiều mỗi ngày. Hết đưa người sang sông nhặt ươi lại đón người nhặt ươi về. Anh Siu Im, một người lái đò thuộc bến làng Dom, xã Ia Krái, cho biết: “Trên đoạn sông Pô Cô có ba bến đò. Bến này là lớn nhất. Mỗi ngày bình quân bến đón và đưa hơn cả trăm người lấy ươi”. Bến sông đông đặc bởi từng đoàn người lượm ươi đi và về. Ai cũng tranh thủ vì chỉ một cơn mưa rừng bất chợt, mùa ươi xem như kết thúc. Bởi, trái ươi gặp nước sẽ nở phồng ra, thương lái không mua.
Ươi là một loại quả có màu nâu, da quả nhăn nheo, to chừng đầu ngón tay trỏ. Có nhiều cách thu hoạch loại quả này nhưng chủ yếu là thu bằng cách lượm. Mỗi cây ươi có khoảng 10-20 kg trái, cây thẳng đứng dạng thân cau, lá có màu xanh đậm đặc trưng. Quả ươi được giá nhất khi chúng đã chín và rụng xuống đất, còn gọi là “ươi bay”. Đặc biệt, quả này khi ngâm vào nước sẽ trương lên khá to.
Ươi khi chín, quả phát tán xuống đất trong chu vi chừng 100m. Người nhặt chỉ việc tìm cây ươi đã rụng quả, sau đó đi quanh gốc nhặt. Nếu trúng cây có quả nhiều thì chỉ cần nhặt một cây đã có chừng 20 kg quả, với giá hiện nay 120 ngàn đồng/kg là đã thu được tiền triệu. Nói là vậy nhưng không hề dễ bởi có nhiều người bị kiến cắn, ong đốt phù cả người khi nhặt ươi.
Một tuần nhặt ươi bằng cả năm làm rẫy
Quệt mồ hôi đang chảy ròng ròng, cái áo mặc trên người cũng đẫm mồ hôi, anh Rơlan Phương không giấu nổi nụ cười: “Hai cha con lội rừng bốn ngày, nhặt được gần 50 kg ươi, giá mấy hôm nay xuống chỉ còn 120 ngàn đồng/kg nhưng cũng kiếm được 6 triệu rồi”. Cha con anh Phương xốc lại bao ươi lên xe khi từ chối những lời hỏi mua của thương lái, bảo chở về nhà bán được giá hơn.
Những ngày này, nhiều nhà trong các làng chỉ tịnh thấy bóng trẻ con và người già. Người trẻ đều hướng bước chân của mình lên rừng thẳm. Anh Ksor Huy, một người vừa bán ươi được 7 triệu đồng, kể: “Nhóm của mình có 3 người, nói là nhặt ươi ba ngày nhưng đến được gốc ươi đã mất một ngày. Nếu có trái này và được giá nữa chắc mình... bỏ rẫy hết. Vào rừng đông lắm, cả hàng trăm người. Tối hôm qua hết cả nước uống, bỏ gốc ươi lại thì người khác lấy mất. Cả nhóm khát cháy cổ từ sáng đến trưa, phải nhai cả lá rừng...”.
Ươi được mùa được giá cũng kéo theo một đội quân thương lái đông đảo. Nhóm của anh Siu Lý ở xã Ia Tô gồm ba người vừa bước ra khỏi cửa rừng với hai bao ươi nặng trĩu đã có người tới trả ngay 10 triệu đồng. Ươi được đội quân thương lái thu mua, sau đó bán lại cho các đầu nậu xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch.
Giá ươi rất cao so với thu nhập thấp của người dân bản địa. Đây là lý do chính khiến họ đổ xô vào rừng. Nhiều người không nhặt được ươi rụng đã bạo gan trèo lên cây (cây thẳng, cao 30-40m) hái dù giá loại này không cao, chỉ chừng 50-70 ngàn đồng/kg. Cứ bốn năm một lần, cả vùng rừng thuộc huyện Ia Grai và Sa Thầy lại náo động bởi đội quân “ăn ươi”. Anh Hòa, một thương lái ở huyện Ia Grai nói rằng, từ khi vào vụ đến nay anh đã mua đến hơn cả tấn ươi về bán lại cho các đầu nậu. Nhiều bạn hàng của anh còn mua được nhiều hơn.
Ông Nguyễn Văn Đồng, Phó trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ bắc Ia Grai, than: “Người đi hái ươi, lượm ươi nhiều quá khiến chúng tôi mất ăn mất ngủ; chỉ sợ họ nấu nướng trong rừng gây cháy hay chặt cây... Lực lượng mỏng, lại phải quản lý đến 23.000 ha rừng và đất rừng trong khi đó cây ươi lại phân bố rải rác khiến chúng tôi phải phối hợp với các lực lượng khác để cản dân”.
Đây cũng là tâm trạng lo lắng của ông Nguyễn Mạnh Vũ, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Sa Thầy. Ông Vũ nói rằng bộ đội biên phòng, lực lượng kiểm lâm và các chủ rừng cũng đã vào cuộc nhưng cũng ngăn không nổi dòng người vào rừng tìm ươi.
Dùng chữa bệnh Thanh Tùng |
Theo Thiên Trúc (TNO)