Sữa tươi là nguồn cung cấp vitamin và khoáng chất, đặc biệt là canxi. Tuy nhiên, dù bổ sung lượng sữa lớn trong khẩu phần ăn hằng ngày, nhiều trẻ vẫn bị thiếu máu, thiếu sắt. Đó là kết quả nghiên cứu trên 390 bệnh nhân từ sáu tháng đến 16 tuổi bị thiếu máu tại Khoa sốt xuất huyết BV Nhi đồng 1 (TP.HCM) từ tháng 6-2017 đến tháng 5-2018.
Sắt có nhiều trong thức ăn hơn sữa
Mới đây, BV Nhi đồng 1 tiếp nhận bé trai (năm tuổi) nhập viện với tình trạng viêm hô hấp trên không đáp ứng kháng sinh. Bé được chỉ định thử máu cho kết quả thiếu máu, thiếu sắt mức độ trung bình. Người nhà cho biết bé ăn uống rất đầy đủ, một bữa có thể ăn hai quả trứng, chế độ ăn rất nhiều thịt, cá. Bé cũng được xổ giun đầy đủ, kết quả thăm khám và xét nghiệm cho thấy bé không bị xuất huyết tiêu hóa. Tuy nhiên, người nhà cho biết có để trong tủ lạnh mỗi ngày khoảng hai lốc sữa để cho bé lấy uống bất kỳ, hằng ngày trung bình bé có thể uống trên bốn hộp, tương đương 1 lít sữa.
Lý giải về nguyên nhân trẻ uống nhiều sữa vẫn thiếu máu, thiếu sắt, BS CK1 Vương Ngọc Thiên Thanh, Khoa sốt xuất huyết BV Nhi đồng 1 và Phòng khám ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho rằng sắt có nhiều trong thức ăn hơn sữa. Tuy nhiên, có nhiều phụ huynh do thấy trẻ ăn kém nên đã sử dụng sữa bù đắp cho trẻ. Uống sữa quá nhiều khiến trẻ no nên lại không muốn ăn, lâu ngày dẫn đến thiếu máu, thiếu sắt.
Ngoài ra, một số nghiên cứu khác ghi nhận lượng canxi và phospho cao trong sữa có thể cạnh tranh với việc hấp thụ sắt, do đó việc bổ sung lượng sữa tươi không phù hợp có thể kìm hãm việc hấp thu sắt tạo máu cho cơ thể. BV có tiếp nhận một số trường hợp trẻ vẫn bị thiếu máu, thiếu sắt dù ăn nhiều thịt, cá. Sau khi loại trừ các nguyên nhân khác như xuất huyết tiêu hóa và nhiễm ký sinh trùng, qua tìm hiểu thì được biết đa số các trẻ này đều bổ sung lượng sữa lớn (800-1.200 ml/ngày) trong khẩu phần ăn. Trong khi theo khuyến cáo dinh dưỡng, lượng sữa bổ sung cho trẻ 1-8 tuổi là 480 ml/ngày, còn ở trẻ trên tám tuổi lượng sữa được bổ sung nhiều hơn nhưng cũng chỉ ở mức 720 ml/ngày.
Theo khuyến cáo dinh dưỡng, lượng sữa bổ sung cho trẻ 1-8 tuổi là 480 ml/ngày. (Ảnh minh họa)
Lưu ý dấu hiệu thiếu máu
Theo BS Thanh, nhiều phụ huynh lầm tưởng trẻ ăn uống đầy đủ, đặc biệt béo phì sẽ không thiếu máu. Máu cần thiết để nuôi các cơ quan, khi thiếu máu, ở trẻ nhỏ thường có biểu hiện quấy khóc, bứt rứt bất thường, trẻ lớn chóng mặt, mau mệt, học tập kém, mất tập trung, móng tay mất bóng, có sọc, niêm mạc mắt nhạt, tóc dễ rụng, biểu hiện dễ nhận thấy nhất là lòng bàn tay xanh xao. Trẻ thiếu sắt, thiếu máu lâu dài sẽ chậm lớn, có thể có IQ thấp, nghiêm trọng nhất là trẻ bị suy tim, thậm chí ngưng tim tại nhà.
Các trẻ có nguy cơ thiếu sắt, thiếu máu cao cần tầm soát là trẻ sinh non, sinh nhẹ cân (cân nặng lúc sinh dưới 2.500 g), trẻ dưới 12 tháng tuổi có uống sữa tươi, trẻ biếng ăn kéo dài.
Đừng tự ý uống thuốc sắt Người dân không nên tự ý bổ sung sắt vì có thể gây quá liều sắt cho cơ thể và có một số bệnh thiếu máu khác lại cần hạn chế uống thuốc sắt. Lượng sắt dư thừa này có thể làm tổn thương các cơ quan của cơ thể (như não, tim, gan…) gây co giật, suy tim, suy gan... |