Uruguay giải mã Ý

Năm 2006, khi không thể thắng Pháp trong trận chung kết thì đội Ý dám chơi cù cưa với hàng phòng ngự siêu hạng và giỏi tiểu xảo để kéo trận đấu đến chấm 11 m. Đó là đội Ý dưới thời HLV Lippi nổi tiếng thực dụng và xây móng cho đội Ý thật chắc bắt đầu từ hệ thống phòng ngự catenacio do Cannavaro chỉ huy.

Uruguay trông chờ nhiều vào Suarez trong trận cầu bắt buộc phải thắng mới vào vòng trong. Ảnh: GETTY IMAGES 

Bây giờ thì đội Ý không có đủ con người để đổ bê tông hoặc dụ đối thủ say mồi rồi mới thịt. Trận thua Costa Rica, Ý cho thấy họ có vấn đề ở cả ba tuyến. Hàng thủ dựa nhiều vào Buffon thì chính thủ môn này lại mắc rất nhiều sai lầm, đặc biệt là những lần ra cắt bóng bổng; tuyến hai trông chờ vào Pirlo thì lão tướng này không chịu nổi lối đá áp sát và tra tấn thể lực của Costa Rica nên xác suất những đường chuyền giảm hẳn; hàng công tin tưởng vào Balotelli nhất thì hai cơ hội quý Balotelli đều bỏ lỡ còn cả hiệp 2 thì “xách xe không”.

Uruguay chắc chắn sẽ giải mã Ý bằng dữ liệu của trận Costa Rica thắng Ý. Tuy nhiên, để vượt qua Ý bằng miếng đánh của Costa Rica thì Uruguay không có một hàng thủ đủ khỏe và giàu thể lực để thu hẹp phạm vi hoạt động của cầu thủ Ý. Thậm chí là khả năng phòng ngự từ tuyến hai của Uruguay cũng không cao dù có lúc họ thi đấu thật dày người ở trung tuyến.

Thế nên Uruguay trong một trận phải thắng bây giờ lại chỉ trông chờ vào phong độ của Suarez ở tuyến trên. Cạnh đó là một Cavani từng đá ở Serie A nên rất hiểu từng cầu thủ Ý.

Uruguay không giỏi trong phòng ngự nhưng các bàn thắng họ có được đều xuất phát từ phản công. Một điều kiện cần khi Ý hiện tại thiên về tấn công hơn là lấy phòng ngự làm chủ đạo.

Muốn thắng Ý thì Uruguay tuyệt đối đừng để Ý dẫn bàn trước qua việc phá lối chơi tấn công của Ý. Nói đúng hơn là họ phải phá khả năng cầm bóng và tỉa bóng của Pirlo như Costa Rica đã làm được.

Để làm được điều này thì yếu tố thể lực và tính kỷ luật trong phòng ngự từ tuyến hai là tiên quyết. Sẽ rất khó để một sớm một chiều Uruguay thay đổi được trừ khi các cầu thủ Ý “hốc” sớm khi đá dưới cái nóng nhiệt đới lại ra sân lúc 13 giờ (giờ Brazil).

Kiểu gì thì Ý cũng buộc phải đá chậm và học một chút tính kiên nhẫn như thời Lippi từng xây lũy ở sân nhà trước rồi mới tính đến việc khai thác đối phương. Khó nhưng không phải là không thể.

Người Ý bây giờ không quen “phá” trong khi Uruguay thì lại rất bay bổng và ngẫu hứng với đôi chân và cái đầu rất tinh quái của Suarez.

Dù Ý bất lợi nhưng cá nhân tôi vẫn nghĩ Ý sẽ vào vòng trong trong một trận đấu cần sự thận trọng và đánh giá đúng đối thủ.

 

- Bảng B: Anh học Costa Rica, Ý và Uruguay tranh suất còn lại

Bảng B chỉ có trận Ý - Uruguay (VTV3 trực tiếp 23 giờ ngày 24-6) đáng xem. Ý có lợi thế chỉ cần hòa nhưng trong bóng đá nhiều khi hai cửa (hòa hoặc thắng) lại khó đá hơn một cửa (phải thắng).

Ý dự giải này không chú trọng hàng thủ và cũng từ bỏ lối phòng ngự truyền thống Catenaccio nên chắc chắn sẽ không mạo hiểm với lối chơi này.

Qua trận thua của Anh trước Uruguay, Ý chắc chắn phải để mắt đến Suarez luôn là mối hiểm họa.

Uruguay với áp lực phải thắng nhưng buộc vẫn phải thận trọng vì hàng thủ Uruguay không mạnh mà Balotelli của Ý thì rất nguy hiểm.

Chắc chắn Ý sẽ bắt chết Suarez đồng thời vẫn tính đến khả năng ghi bàn vào lưới Uruguay để ngăn hiểm họa từ xa.

Ý có thể sẽ tận dụng lợi thế và loại Uruguay.

Trận còn lại Costa Rica thảnh thơi giữ sức và sẽ dạy người Anh chơi bóng để kiểm điểm trước khi về nước (VTV6 trực tiếp 23 giờ ngày 24-6).

- Bảng C: Colombia dưỡng quân khi gặp Nhật, Bờ Biển Ngà tranh thủ tìm phương án loại Hy Lạp

Colombia đã chắc suất nhưng vẫn muốn nhất bảng nên cần ít nhất một trận hòa mà vẫn bảo toàn lực lượng (VTV3 trực tiếp 3 giờ sáng 25-6).

Về lý thuyết bảng này chưa đội nào hết hy vọng nhưng Bờ Biển Ngà là đội có nhiều ưu thế nhất. Trận Bờ Biển Ngà với Hy Lạp (VTV6 trực tiếp 3 giờ sáng 25-6) đang có nhiều ưu thế cho Bờ Biển Ngà vào vòng knock out.

Hy Lạp đang sa sút phong độ sau khi để thua Colombia 1-3 và chỉ có 1 điểm nhờ hòa Nhật 0-0. Trong khi đó, Bờ Biển Ngà đã có vốn trong trận thắng Nhật và nhiều khả năng sẽ kết thúc “thế hệ vàng” Hy Lạp từng vô địch Euro 2004.

HUY KHANH

NGUYỄN NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới