USD cao nhất 20 năm gây áp lực lên đồng tiền Việt

(PLO)- Giá USD trên thị trường tự do có thời điểm tăng tới 500 đồng, leo lên mốc khoảng 24.000 đồng mỗi USD.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mới đây quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,5 điểm % và dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất khoảng bảy lần trong năm nay, lên mức khoảng 2,75%-3%. Hiện trên thị trường thế giới, giá trị đồng USD đang ở mức cao nhất trong vòng 20 năm qua.

Điều này khiến tỉ giá USD/VND trên cả thị trường chính thức và phi chính thức tại Việt Nam không còn giữ “bình tĩnh” như thời gian qua.

Tỉ giá biến động, nhà kinh doanh lo

Sự tăng vọt của đồng USD trên thị trường quốc tế đang kéo theo những biến động của tỉ giá trong nước. Từ đầu tháng 5 đến nay, giá USD trên thị trường ngân hàng tăng khoảng 160-170 đồng. Còn giá USD trên thị trường tự do có thời điểm tăng tới 500 đồng, leo lên mốc khoảng 24.000 đồng mỗi USD. Đây là mức giá cao nhất trong hơn một năm qua.

Giá đồng USD tăng trong thời gian gần đây có ảnh hưởng nhất định đến tỉ giá USD/VND. Ảnh: TL

Giá đồng USD tăng trong thời gian gần đây có ảnh hưởng nhất định đến tỉ giá USD/VND.
Ảnh: TL

Đến sáng 18-5, tại các ngân hàng thương mại, giá USD tiếp tục tăng. Cụ thể, Vietcombank tăng thêm 25 đồng mỗi USD so với trước đó một ngày, đẩy giá mua vào lên 22.955 VND/USD và bán ra 23.265 VND/USD. Giá USD trên thị trường tự do cũng biến động liên tục.

Ông Lê Quang Doãn, Giám đốc Công ty TNHH Midico chuyên sản xuất đế giày cao cấp nhựa PU, chia sẻ: Trong ngành nhựa có tới 90% nguyên liệu phải nhập khẩu, vì vậy tỉ giá tăng đương nhiên giá nguyên liệu cũng bị đội thêm. Khi giá nguyên liệu tăng sẽ đẩy giá hàng hóa thành phẩm đến tay người tiêu dùng tăng theo, trong khi đó khả năng tiêu thụ hàng trong nước vẫn chưa được như kỳ vọng.

“Nếu tỉ giá tiếp tục biến động mạnh, trong khi sức mua của người tiêu dùng không tăng sẽ đẩy doanh nghiệp khó có thể hồi phục nhanh trở lại sau hai năm khốn đốn vì COVID-19. Tỉ giá biến động mạnh là điều mà các nhà nhập khẩu đã lường trước và có sự chuẩn bị nhưng vẫn bị tác động. Vì vậy, chúng tôi hy vọng Ngân hàng Nhà nước cố gắng ổn định tỉ giá VND/USD, kiềm chế mức độ mất giá của VND để các nhà sản xuất, kinh doanh tránh rơi vào tình trạng trở tay không kịp” - ông Doãn nói.

Bà Phạm Thị Phương Hạ, Phó Giám đốc Công ty TNHH Giftbrand, cũng cho rằng gần đây giá xăng, cước vận chuyển, lương công nhân… đều tăng. Vì vậy, nếu tỉ giá không ổn định sẽ khiến các công ty nhập khẩu thực sự khó khăn.

“Mặc dù giá cả đầu vào tăng cao, đẩy giá cả mặt bằng chung trên toàn thị trường tăng theo nhưng chúng tôi không thể tăng mạnh giá bán do tính cạnh tranh. Điều này khiến cho lợi nhuận của doanh nghiệp bị teo tóp” - bà Hạ nói.

Vẫn còn dư địa giữ ổn định tỉ giá

TS Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV cho rằng trước mắt việc tăng lãi suất của Fed ảnh hưởng trực tiếp tới kinh tế, tài chính Việt Nam mặc dù không nhiều song đã dần rõ nét hơn. Ví dụ, tỉ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng từ ngày 16-3 tới nay đã tăng 0,36%. Áp lực tỉ giá và lạm phát tăng lên cũng khiến một số tổ chức tín dụng tăng lãi suất huy động 0,3%-0,5% tùy theo kỳ hạn và xu hướng này vẫn tiếp tục diễn ra.

Đặc biệt việc Fed tăng lãi suất sẽ khiến đồng USD lên giá so với hầu hết các đồng tiền khác, trong đó có VND. Đến hết ngày 5-5, đồng USD đã tăng gần 7% so với cuối năm ngoái. Điều này tạo sức ép lớn hơn lên tỉ giá USD/VND.

“Tuy nhiên, tỉ giá USD/VND dự báo tăng không quá lớn. Nguyên nhân do dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang đạt mức khá cao, trên 110 tỉ USD, góp phần củng cố tấm đệm với các cú sốc bên ngoài và ổn định tỉ giá. Bên cạnh đó, nguồn cung ngoại tệ như kiều hối, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài dự báo vẫn tăng trưởng ổn định, cán cân thương mại bốn tháng đầu năm thặng dư 2,53 tỉ USD và cả năm dự báo vẫn thặng dư khoảng 4-8 tỉ USD.

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước kiên định chính sách điều hành tỉ giá linh hoạt, ngày càng sát diễn biến thị trường. Vì vậy, dự báo tỉ giá năm 2022 tăng khoảng 0,8-1,2%” - các chuyên gia BIDV nhận định.

Số liệu cập nhật mới nhất về thị trường ngoại tệ do Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng ở một số kỳ hạn đang “nóng” hơn. Cụ thể, tuần đầu tiên của tháng 5-2022, lãi suất bình quân của đồng USD ở kỳ hạn qua đêm đã bật lên 0,76%/năm; một tuần tăng lên 0,9%/năm và một tháng là 1,13%/năm, cao hơn gần gấp đôi so với hai tuần trước đó.

Đồng quan điểm, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính, phân tích: Với việc giá đồng USD tăng trong thời gian gần đây có ảnh hưởng nhất định đến tỉ giá USD/VND của Việt Nam. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây dưới sự điều hành linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước, tỉ giá USD/VND diễn biến tương đối ổn định và biên độ dao động chỉ đâu đó khoảng 1%-2%. Do đó việc tỉ giá tăng cao trong vài tuần gần đây mang tính thời điểm, sau đó sẽ dần trở lại mức ổn định.

“Tôi cho rằng cơ quan chức năng sẽ có chính sách điều hành tỉ giá một cách phù hợp. Bởi chỉ khi nào giữ vững tỉ giá hối đoái ổn định thì mới có thể giữ vững cân đối vĩ mô và trên cơ sở đó mới duy trì được sự ổn định trên thị trường tài chính tiền tệ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nếu không giữ ổn định được tỉ giá sẽ đẩy giá cả hàng hóa trong nước tăng và lạm phát sẽ tăng theo” - TS Thịnh nhấn mạnh.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định sẽ tiếp tục điều hành tỉ giá và thị trường ngoại hối chủ động, linh hoạt. Qua đó nhằm ổn định tỉ giá, góp phần kiểm soát lạm phát và hỗ trợ doanh nghiệp.•

Vị thế của đồng tiền Việt đã khác

Giới phân tích kinh tế nhận định VND đang bị mất giá tương đối so với USD, song mức độ mất giá ở mức thấp so với sự mất giá của đồng tiền các nước châu Á khác.

Cụ thể, Công ty Chứng khoán SSI đánh giá áp lực về tỉ giá đã xuất hiện trong bối cảnh đồng USD mạnh lên và nhu cầu USD trên thị trường tăng theo yếu tố mùa vụ. Nhưng nhìn chung tiền đồng vẫn được đánh giá là đồng tiền ổn định so với các đồng tiền khác trong khu vực.

“Vị thế của VND đã tương đối khác so với giai đoạn Fed tăng lãi suất vào năm 2018. Lý do dự trữ ngoại hối của Việt Nam tính đến cuối năm ngoái đã đạt 110 tỉ USD, nguồn cung USD ổn định, dòng vốn đầu tư nước ngoài giải ngân, cán cân thương mại, kiều hối… đang giúp hỗ trợ đồng Việt Nam” - SSI nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, SSI cho rằng áp lực từ lạm phát là có nhưng Chính phủ có thể kiểm soát được lạm phát trong mục tiêu 4% nhờ việc kiểm soát mặt bằng giá các mặt hàng thuộc quản lý của Nhà nước như y tế, điện...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm