Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã chủ trì một cuộc duyệt binh rất náo nhiệt nhưng dường như cũng khá ôn hòa vào hôm qua (9-9), trong bối cảnh Bình Nhưỡng có dấu hiệu mong muốn phục hồi chương trình đàm phán hạt nhân với Mỹ. Ông Kim đang nỗ lực thúc đẩy Triều tiên tái hòa nhập vào cộng đồng quốc tế.
Không khiêu khích bằng vũ khí hạng nặng
Tờ Bloomberg tường thuật rằng ông Kim tổ chức buổi lễ kỷ niệm 70 năm quốc khánh Triều Tiên mà không phô diễn sức mạnh kỹ thuật quân sự “hạng nặng” mang tính khiêu khích như tên lửa đạn đạo tầm xa. Nếu xảy ra, điều có thể khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump “khó ăn khó nói” khi tuyên bố Triều Tiên không còn là “mối đe dọa hạt nhân” sau thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singapore hồi tháng 6.
Những năm trước đây, Bình Nhưỡng nhiều lần đánh dấu kỷ niệm quốc khánh bằng cách “trình làng” nhiều loại vũ khí được cho là tiên tiến để chứng minh năng lực quốc phòng và hạt nhân của quốc gia dường như là “bí ẩn nhất thế giới” này. Một trong số đó phải kể đến tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có thể tấn công đến Mỹ.
hôm Chủ nhật, theo AP, gần một nửa chương trình duyệt binh đã được dành ra để nói về những nỗ lực mang tính dân sự trong việc xây dựng nền kinh tế đất nước. Các nhà báo quốc tế ở thủ đô Triều Tiên đã đăng những tấm ảnh mô tả buổi lễ trên Twitter, cho thấy chương trình thay vì “khoe” các vũ khí quân sự hạng nặng đầy tính khiêu khích như trước đây thì nay đã đưa vào nhiều khẩu hiệu lớn về quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Một trong những dòng khẩu hiệu được giới quan sát chú ý chính là “tất cả nỗ lực đều dành cho nền kinh tế”.
Tất cả khẩu hiệu được thể hiện trong chương trình quốc khánh đều đúng với các ưu tiên chính trị mới của Chủ tịch Kim Jong-un được đưa ra từ đầu năm nay, trước khi ông Kim có cuộc gặp gỡ lịch sử với người đồng cấp Mỹ Donald Trump. Vào tháng 4 vừa rồi, trong chuyến thăm các nông trại, các công trường xây dựng và các hệ thống nhà máy có vai trò thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp, ông Kim đã phát biểu rằng phát triển kinh tế sẽ là trọng tâm của quốc gia. “Vị lãnh đạo Bình Nhưỡng cũng liên tục nhấn mạnh rằng hòa bình và kinh tế sẽ là một trong những cách tiếp cận có thể tạo ra động lực cho quan hệ Mỹ-Triều Tiên, cũng như giúp các bên có thể tuyên bố cuộc chiến tranh Triều Tiên đã thật sự kết thúc” - Lee Ho-ryung, Giám đốc chương trình nghiên cứu Triều Tiên tại Viện Nghiên cứu phân tích quốc phòng Hàn Quốc, nhận xét.
Triều Tiên duyệt binh chào mừng 70 năm quốc khánh. Ảnh: GETTY
Các nước tích cực vào cuộc
Dù Washington gần đây cho thấy sự thất vọng và giảm hụt niềm tin vào việc thực hiện cam kết của Bình Nhưỡng và Tổng thống Trump thừa nhận “các cuộc đàm phán chỉ làm mất thời gian” của các bên thì Mỹ vẫn tiếp tục theo đuổi đối thoại với Triều Tiên bằng các kênh khác nhau. Stephen Biegun, đại diện đặc biệt mới được bổ nhiệm gần đây của Mỹ về vấn đề Triều Tiên, dự kiến sẽ đến khu vực bán đảo Triều Tiên vào hôm nay (10-9).
Hội nghị thượng đỉnh (vào 1-9 tại Bình Nhưỡng) sẽ đề cập đến nhiều vấn đề nhưng tôi tin rằng mọi khó khăn đều có thể được giải quyết nếu chúng ta giữ vững tinh thần như đã nói. Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc CHO MYOUNG GYON |
Các quan chức Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên đều ra sức thực hiện một thỏa thuận “1,5 trang giấy” được ông Trump và ông Kim ký kết tại Singapore vào tháng 6. Trong đó hai lãnh đạo đều nhất trí sẽ cùng nhau hướng tới việc “phi hạt nhân hóa hoàn toàn” bán đảo Triều Tiên mà không cần đặt ra một khung thời gian hay giải thích quá sâu vào chi tiết của thỏa thuận. Giới quan sát tranh cãi về thỏa thuận này. Một bên cho rằng các thỏa thuận không có phương thức thực hiện cũng như các cột mốc thời gian đi cùng các mục tiêu cụ thể của từng giai đoạn sẽ khiến cam kết chỉ dừng lại ở mức độ mơ hồ, thiếu khả dĩ.
Tuy nhiên, nhiều người khác cho rằng trong tình hình bán đảo Triều Tiên thời gian qua, việc quá đi sâu vào thỏa thuận vội vàng sẽ khó có thể đạt được đồng thuận các bên. Một thỏa thuận chung chung như ông Trump và ông Kim đã ký sẽ tạo không gian lẫn thời gian cho các bên từng bước bày tỏ thiện chí, đạt được niềm tin trước khi đạt được các mục tiêu thực tiễn. Cho đến lúc này, Triều Tiên sẽ tiếp tục thách thức hay bắt đầu thỏa hiệp với Mỹ vẫn chỉ dừng lại ở suy đoán. Nhưng một chương trình quốc khánh ôn hòa phần nào cho không khí tích cực giữa hai bên.
Ông Kim được cho là vẫn theo đuổi việc thiết lập một hiệp định hòa bình với các bên liên quan trong đó có Mỹ, thay thế hiệp định đình chiến với cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953; đồng thời hối thúc Mỹ cắt giảm các chương trình cấm vận với Bình Nhưỡng trước khi Triều Tiên phi hạt nhân hóa “hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể bị đảo ngược”. Bình Nhưỡng bày tỏ thiện chí bằng cam kết không tiếp tục chương trình thử nghiệm hạt nhân, đồng thời tiếp cận và thúc đẩy tích cực các chương trình đàm phán hòa bình để giải quyết mong muốn mỗi bên. Trong khi đó, Hàn Quốc đã và đang tích cực làm cầu nối để vận động Mỹ-Triều cùng ngồi lại bàn đàm phán. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in dự kiến sẽ đến Bình Nhưỡng vào ngày 18-9 tới. Đây là cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba chỉ diễn ra trong năm 2018, đồng thời là lần đầu tiên trong 11 năm qua một nhà lãnh đạo Hàn Quốc đến thủ đô của Triều Tiên. Trong cuộc gặp cấp cao vào nửa đầu tháng trước, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Cho Myoung Gyon nhận định hai miền bán đảo Triều Tiên cần sự đồng lòng. |