Theo trang Bloomberg, Trung Quốc (TQ) sẽ cử một quan chức cấp cao đại diện Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đến Triều Tiên. Theo South China Morning Post, thăm Bình Nhưỡng chính là cánh tay phải đắc lực của ông Tập - Chủ tịch Quốc hội TQ Lật Chiến Thư. Trước đó, một số hãng truyền thông quốc tế cho rằng ông Tập sẽ đích thân đến gặp ông Kim Jong-un nhân ngày lễ trọng đại của Bình Nhưỡng.
Ông Tập “né” ông Kim?
Giới quan sát rất quan tâm đến việc ông Tập có đến Triều Tiên hay không trong bối cảnh Bắc Kinh và Washington đang căng thẳng trên mặt trận thương mại. Thông báo chính thức sự vắng mặt của ông Tập được một số chuyên gia bình luận rằng Bắc Kinh đang trông chờ Bình Nhưỡng sẽ có nhiều động thái tích cực hơn, nhất là những động thái mang tính thực tế trong tiến trình phi hạt nhân hóa. Ông Lật Chiến Thư - “sứ giả” của ông Tập khả năng sẽ chuyển tải nhiều thông điệp quan trọng đến Bình Nhưỡng, trong đó có vấn đề hạt nhân và quan hệ với Mỹ.
Việc ông Tập không đến Triều Tiên trong bối cảnh thỏa thuận phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên kể từ thượng đỉnh Singapore hồi tháng 6-2018 vẫn chưa có tiến triển tích cực cũng có hàm ý với quan hệ Trung-Mỹ. Ông Trump tuần trước tuyên bố “đàm phán với Triều Tiên chỉ làm mất thời gian” và cáo buộc TQ can thiệp, làm chậm tiến trình phi hạt nhân hóa. “Triều Tiên đang chịu áp lực to lớn từ TQ vì các tranh chấp thương mại giữa chúng tôi và chính phủ TQ” - tổng thống Mỹ viết trên Twitter. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã hủy chuyến thăm đến Triều Tiên, trong khi Tổng thống Mỹ khẳng định chỉ đàm phán lại với Bình Nhưỡng khi vấn đề xung đột thương mại với TQ đã được giải quyết.
Triều Tiên phi hạt nhân hóa, Mỹ sẽ xuống thang căng thẳng với TQ (vì TQ là một tác nhân quan trọng có ảnh hưởng mạnh mẽ đến Triều Tiên), hay Mỹ sẽ “thừa thế xông lên”, tiếp tục tấn công TQ buộc nước này nhượng bộ? Cho đến nay vẫn còn là một câu hỏi lớn khi các logic trong chính sách đối ngoại của hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới Mỹ, Trung chưa rõ ràng, nhất là nhân tố Donald Trump vốn thất thường, bất nhất giữa nói và làm. Việc ông Tập vắng mặt tại quốc khánh Bình Nhưỡng tuần này tuy không giải quyết được xung đột Mỹ-Trung nhưng không làm trầm trọng hơn hoài nghi Bắc Kinh đang phá hoại quan hệ Mỹ-Triều.
Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Lật Chiến Thư (trái) là cánh tay phải của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AFP
Hàn Quốc nỗ lực giải hòa Mỹ-Triều
Trong khi đó, các đại sứ của Hàn Quốc đã đến Triều Tiên vào hôm qua (5-9) để tiếp tục các cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên giữa lúc ông Trump ngày càng trở nên “thất vọng” vì hành động của Bình Nhưỡng. Một phái đoàn gồm năm thành viên thừa lệnh Tổng thống Hàn Quốc Mon Jae-in dự kiến sẽ gặp ông Kim Jong-un trong suốt những ngày đàm phán tại Bình Nhưỡng.
Trong số này có cả Chung Eui-yong, người đứng đầu Văn phòng An ninh quốc gia thuộc Phủ Tổng thống Hàn Quốc, Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Suh Hoon và Thứ trưởng Bộ Thống nhất Chun Hae-sung - những người đã có công lớn trong việc kết nối và thúc đẩy cuộc gặp lịch sử giữa ông Trump và ông Kim hồi tháng 6.
Phái đoàn của Hàn Quốc đến Bình Nhưỡng lần này gặp khó khăn hơn khi bất đồng giữa Mỹ và Triều Tiên ngày càng gia tăng.
Washington cho đến lúc này vẫn đặt ra yêu cầu Bình Nhưỡng giải trừ hạt nhân “hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không bị đảo ngược” trước khi Mỹ bàn đến chuyện gỡ bỏ các cấm vận với Triều Tiên. Trong khi đó, chính quyền Kim Jong-un mong muốn “hòa bình” trước khi giải trừ hạt nhân. Cụ thể, ông Kim nhắm đến một hiệp ước hòa bình tại bán đảo Triều Tiên (thay thế hiệp định đình chiến cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953); song song việc Mỹ gỡ bỏ (dần) cấm vận Bình Nhưỡng. Mâu thuẫn này, bất chấp Hàn Quốc tích cực “ngoại giao con thoi”, vẫn ngày càng leo thang khiến ông Trump dù tỏ ra nôn nóng đàm phán với ông Kim nhưng vẫn không thể đẩy nhanh tiến trình vì áp lực của giới chính trị trong nước.
Phái đoàn Hàn Quốc đến Triều Tiên lần này, theo Tổng thống Moon “việc cải thiện quan hệ liên Triều sẽ giúp ích cho mục tiêu phi hạt nhân hóa”.
Trung-Triều bước sang giai đoạn mới Kể từ chuyến thăm của cựu Chủ tịch TQ Hồ Cẩm Đào đến Bình Nhưỡng năm 2005, gặp cựu chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Il (cha của ông Kim Jong-un), không lãnh đạo TQ nào đến thăm Triều Tiên. Thậm chí khi ông Kim Jong-un nắm quyền lãnh đạo từ 2011, quan hệ Trung-Triều càng xấu đi khi Bắc Kinh ngày càng thiếu kiên nhẫn với các chương trình phát triển hạt nhân của Bình Nhưỡng. Đỉnh điểm là TQ đồng ý việc Liên Hiệp Quốc ban hành lệnh trừng phạt Triều Tiên vào năm ngoái. Điều đó khiến ba chuyến thăm của ông Kim đến TQ trong năm nay càng gây ra sự chú ý, cho thấy dấu hiệu quan hệ Trung-Triều đang dần đi vào quỹ đạo. Nếu ông Tập đến Bình Nhưỡng vào dịp quốc khánh sẽ là một biểu tượng có ý nghĩa chính trị quan trọng trong quan hệ hai nước. Đây là cơ hội để ông Tập khẳng định quan điểm chính sách với Triều Tiên, đồng thời tác động đến quan hệ Triều-Hàn-Mỹ giữa lúc ông Kim có quan hệ ngày càng tốt với ông Trump lẫn ông Moon. Dù ông Tập vắng mặt sẽ làm giảm hiệu ứng tích cực nhưng việc cử nhân vật quan trọng là Chủ tịch Quốc hội TQ Lật Chiến Thư đến Bình Nhưỡng về cơ bản cho thấy Trung-Triều đã bước sang một giai đoạn mới. |