Ủy ban Thường vụ Quốc hội không tán thành việc đổi tên Tòa án

(PLO)- Thường vụ Quốc hội xây dựng hai phương án trình Quốc hội quyết: hoặc như quy định hiện hành; hoặc quy định TAND sơ thẩm và TAND phúc thẩm như đề nghị của TAND Tối cao.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) gửi các đại biểu Quốc hội.

Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý có 153 điều, giảm 1 điều so với dự thảo mà TAND Tối cao trình Quốc hội.

Thường vụ Quốc hội không tán thành việc đổi tên Toà án
Trình Quốc hội quyết định việc đổi tên Tòa án. Ảnh: PHẠM THẮNG

Đáng chú ý, báo cáo của Ủy ban Thường vụ đề cập đến việc tiếp thu, chỉnh lý quy định về “đổi mới TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện theo thẩm quyền xét xử” quy định tại khoản 1 điều 4 dự thảo. Đây là nội dung còn có ý kiến khác nhau trong quá trình thảo luận, cho ý kiến.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay nhiều ý kiến không tán thành quy định đổi mới TAND cấp tỉnh thành TAND phúc thẩm, TAND cấp huyện thành TAND sơ thẩm. Trong số này, có ý kiến đề nghị thí điểm về tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử tại một số địa phương.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến tán thành dự thảo luật về đổi mới TAND theo thẩm quyền xét xử và đề nghị quy định cụ thể các vấn đề liên quan, như: quan hệ giữa Tòa án với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương...

Về vấn đề này, cơ quan thường trực của Quốc hội cho rằng việc đổi mới TAND cấp tỉnh thành TAND phúc thẩm, TAND cấp huyện thành TAND sơ thẩm, nhưng nhiệm vụ, quyền hạn của các Tòa án được dự kiến đổi mới này không thay đổi. Các Tòa án vẫn gắn với đơn vị hành chính cấp huyện, cấp tỉnh; TAND phúc thẩm vẫn xét xử, giải quyết theo thủ tục sơ thẩm một số vụ án, vụ việc.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định như dự thảo luật chưa đáp ứng chủ trương của Nghị quyết 27 về “Hoàn thiện cơ chế để khắc phục tình trạng quan hệ giữa các cấp Tòa án là quan hệ hành chính, bảo đảm độc lập giữa các cấp xét xử”…; “bảo đảm tính độc lập của Tòa án theo thẩm quyền xét xử”; không thống nhất về tổ chức của các cơ quan tư pháp khác ở địa phương.

Mặt khác còn phải sửa đổi nhiều luật có liên quan, nhất là các luật trong lĩnh vực tư pháp để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Việc này cũng đồng thời phát sinh nhiều chi phí khác như: sửa con dấu, biển hiệu, các loại biểu mẫu, giấy tờ...

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ nguyên quy định của luật hiện hành về TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện” - báo cáo nêu.

Về đề nghị thực hiện thí điểm tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử tại một số địa phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc đề xuất như quy định trong dự thảo Luật là “chưa bảo đảm thực chất, chưa thực sự cần thiết”.

Mặt khác, lĩnh vực tư pháp có liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân, nên việc thí điểm cần được nghiên cứu thật kỹ, đánh giá toàn diện và cân nhắc hết sức thận trọng.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chưa thực hiện thí điểm TAND cấp tỉnh thành TAND phúc thẩm, TAND cấp huyện thành TAND sơ thẩm tại một số địa phương” - theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay có ý kiến đề nghị quy định tổ chức Tòa án theo cấp xét xử kết hợp với khu vực. Về việc này, cơ quan thường trực của Quốc hội đánh giá vấn đề đại biểu Quốc hội đề xuất là rất quan trọng, liên quan đến tổ chức và hoạt động của hệ thống Tòa án và nhiều cơ quan tư pháp khác.

Nội dung thành lập Tòa án khu vực đã được đặt ra ngay từ khi xây dựng Luật Tổ chức TAND năm 2014, nhưng chưa có sự thống nhất cao. Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 9-11-2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới) không đề cập nội dung này.

“Quán triệt các nguyên tắc trong tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ như quy định của luật hiện hành về TAND huyện, TAND tỉnh" - báo cáo nêu.

Do đại biểu Quốc hội còn có ý kiến khác nhau và TAND Tối cao tiếp tục đề nghị đổi mới TAND cấp tỉnh thành TAND phúc thẩm, TAND cấp huyện thành TAND sơ thẩm nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo xây dựng 2 phương án trình Quốc hội xem xét, thảo luận.

Cụ thể: Phương án 1 quy định TAND tỉnh và TAND huyện (như quy định của luật hiện hành);

Phương án 2 quy định TAND sơ thẩm và TAND phúc thẩm (như đề nghị của TAND Tối cao).

Thành lập tòa án chuyên biệt hành chính và sở hữu trí tuệ

Liên quan đến quy định về TAND sơ thẩm chuyên biệt (mục 5 Chương IV), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết nhiều ý kiến tán thành đề xuất thành lập TAND sơ thẩm chuyên biệt, trong đó đề nghị quy định ngay trong dự thảo luật các TAND sơ thẩm chuyên biệt.

Ý kiến khác đề nghị không cần quy định các Tòa án chuyên biệt cụ thể trong dự thảo luật. Còn một số ý kiến không tán thành đề xuất thành lập Tòa án chuyên biệt.

Một số ý kiến đề nghị làm rõ vấn đề liên quan đến Tòa án chuyên biệt, như: nhiệm vụ, quyền hạn của các Tòa án này; nơi đặt trụ sở, số lượng, phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ; tiêu chuẩn, điều kiện của Thẩm phán; về Hội thẩm nhân dân; mối quan hệ với cấp ủy Đảng, cơ chế giám sát của cơ quan dân cử…

Có ý kiến đề nghị phân biệt TAND sơ thẩm chuyên biệt với Tòa chuyên trách. Ý kiến khác đề nghị thành lập các Tòa phúc thẩm chuyên biệt; nêu kinh nghiệm quốc tế.

Về việc này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá thực tiễn cho thấy án hành chính là loại việc rất khó và phức tạp, xảy ra ngày càng nhiều ở các lĩnh vực quản lý nhà nước. Nếu không có quy định phù hợp thì có thể ảnh hưởng đến tính độc lập của Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân khi xét xử, giải quyết loại án này.

Vụ việc sở hữu trí tuệ và vụ việc phá sản tuy số lượng chưa nhiều, nhưng tính chất phức tạp và ngày càng tăng theo sự phát triển kinh tế của đất nước. Giải quyết vụ việc sở hữu trí tuệ, phá sản cần có đội ngũ cán bộ chuyên sâu về pháp luật, được đào tạo, hiểu biết về các lĩnh vực chuyên môn.

Việc thành lập TAND sơ thẩm chuyên biệt Hành chính, TAND sơ thẩm chuyên biệt Sở hữu trí tuệ và TAND chuyên biệt Phá sản để giải quyết các vụ việc đặc thù nêu trên, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hội nhập quốc tế về tư pháp.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc thành lập các Tòa án chuyên biệt, đồng thời quy định các Tòa án chuyên biệt cụ thể ngay trong dự thảo luật để phù hợp với khoản 2 Điều 102 Hiến pháp năm 2013 (TAND gồm TAND Tối cao và các Tòa án khác do luật định).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm