Tại phiên họp thứ 10, các Ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về thành viên Ủy ban Kiểm sát Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Theo đó, Nghị quyết quyết nghị: Số lượng thành viên Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao không quá 15 người.
Thành viên Ủy ban Kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao gồm:
1. Các ông, bà là Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo quy định tại điểm a và điểm b Khoản 1 Điều 43 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014.
2. Cử các ông, bà có tên sau đây làm thành viên Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao:
a) Ông Hồ Đức Anh, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
b) Ông Vương Văn Bép, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
c) Bà Hoàng Thị Quỳnh Chi, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
d) Ông Lê Minh Long, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
đ) Ông Lại Viết Quang, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
e) Ông Nguyễn Tiến Sơn, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
g) Ông Nguyễn Đức Thái, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
h) Ông Lê Hữu Thể, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
i) Ông Lê Tiến, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày Tờ trình về thành viên Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày Tờ trình về thành viên Ủy ban Kiểm sát Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. |
Ông Lê Minh Trí cho biết, để đảm bảo hoạt động của Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao đúng quy định và đạt hiệu quả cao, phát huy nguyên tắc dân chủ, tập trung trí tuệ tập thể, xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của ngành Kiểm sát nhân dân trong giai đoạn hiện nay; qua thực tiễn hoạt động của Ủy ban kiểm sát, tập thể Ban cán sự đảng, lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao họp, thống nhất tiếp tục đề nghị số lượng thành viên Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao là không quá 15 người.
Về cơ cấu thành viên Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao, ngoài Viện trưởng, các Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đương nhiên là thành viên Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo quy định tại điểm a và điểm b Khoản 1 Điều 43 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 thì Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã đánh giá, lựa chọn một số Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiêu biểu, có phẩm chất đạo đức tốt, trình độ chuyên môn cao, là những chuyên gia, có nhiều kinh nghiệm trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, hiện đang giữ chức vụ Vụ trưởng tại các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, có khả năng đóng góp ý kiến vào công tác xây dựng luật, xây dựng Ngành để đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội cử làm thành viên Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Từ những cơ sở nêu trên, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét phê chuẩn số lượng thành viên Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao là 15 đồng chí; gồm 06 đồng chí thành viên đương nhiên theo luật định là Viện trưởng, các Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và cử 09 đồng chí Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga báo cáo thẩm tra Tờ trình của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về thành viên Ủy ban Kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Chức năng của Ủy ban Kiểm sát VKSND Tối cao
Theo Luật Tổ chức VKSND, Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao gồm có:
a) Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
b) Các Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
c) Một số Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
2. Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao họp do Viện trưởng chủ trì để thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng sau đây:
a) Chương trình, kế hoạch công tác của ngành Kiểm sát nhân dân;
b) Dự án luật, pháp lệnh trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước;
c) Bộ máy làm việc của Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
d) Báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình Ủy ban thường vụ Quốc hội về những ý kiến của Viện trưởng không nhất trí với nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm gửi Thủ tướng Chính phủ;
đ) Xét tuyển người đang công tác tại Viện kiểm sát nhân dân tối cao đủ điều kiện dự thi vào ngạch Kiểm sát viên cao cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp;
e) Đề nghị Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao tuyển chọn, xem xét việc miễn nhiệm, cách chức Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Xem xét, đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cách chức Kiểm sát viên cao cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp đang công tác tại Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
3. Ủy ban kiểm sát ban hành nghị quyết khi thực hiện thẩm quyền tại khoản 2 Điều này. Nghị quyết của Ủy ban kiểm sát phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành; trường hợp biểu quyết ngang nhau thì thực hiện theo phía có ý kiến của Viện trưởng.
4. Theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban kiểm sát thảo luận, cho ý kiến về các vụ án hình sự, vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động phức tạp để Viện trưởng xem xét, quyết định.