Ủy quyền làm giấy tờ, bị bán luôn cả đất

Bà Vương Thị Lân (ngụ thị xã Đồng Xoài, Bình Phước) vừa gửi đơn đến các cơ quan chức năng tố cáo việc mình bị người nhận ủy quyền bán mất tài sản.

Được nhờ làm giấy, nhân tiện bán đất luôn

Bà Lân kể năm 2010, bà cùng con trai có nhận sang nhượng 440 m2 đất tại phường Tân Bình (Đồng Xoài, Bình Phước) gồm hai thửa đất số 664 và 706 (cùng thuộc tờ bản đồ số 34). Hợp đồng sang nhượng được UBND phường chứng thực. Do hai mảnh đất này sát nhau nên UBND thị xã chấp nhận cho nhập lại thành một thửa sau khi thực hiện các thủ tục cấp giấy đỏ của mỗi mảnh.

Tháng 12-2012, bà Lân có ủy quyền cho con trai là Nguyễn Thái Dương thực hiện thủ tục xin sổ đối với toàn bộ diện tích 440 m2 trên với thời hạn ba năm. Con bà được quyền định đoạt tài sản là quyền sử dụng đất và được ủy quyền cho người thứ ba.

Sau đó anh Dương ủy quyền cho ông Phan Hoài Trung được thay mặt và nhân danh mình thực hiện tất cả thủ tục đề nghị cấp giấy đỏ chỉ đối với thửa đất số 706, tờ bản đồ số 34 (vì thửa đất 664 đã được cấp giấy đỏ mang tên anh Dương). Việc làm giấy ủy quyền được thực hiện tại Phòng Công chứng số 1, thị xã Đồng Xoài, Bình Phước; cả hai việc ủy quyền trên đều do công chứng viên Vũ Thế Quyết thực hiện. Nội dung ủy quyền trong hợp đồng ủy quyền giữa anh Dương và ông Trung ghi rõ ông Trung chỉ được quyền định đoạt giấy chứng nhận đối với thửa đất số 706.

Không ngờ ngày 29-1-2015, ông Trung lấy danh nghĩa là người được ủy quyền của anh Dương nên ra công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng thửa đất số 664, tờ bản đồ số 34 cho người khác. Việc công chứng hợp đồng chuyển nhượng này cũng được thực hiện tại Phòng Công chứng số 1 của tỉnh Bình Phước, cũng do công chứng viên Quyết thực hiện. Công chứng xong, bên nhận chuyển nhượng đã hoàn tất thủ tục cấp giấy đỏ sang tên mới của họ.

Bà Vương Thị Lân và miếng đất bị người nhận ủy quyền chuyển nhượng, sang chủ. Ảnh: HOÀNG YẾN

Sở Tư pháp: Công chứng viên làm sai

Khi phát hiện ra mẹ con bà Lân mới đi tố cáo. Theo gia đình bà Lân, ông Trung không có quyền và không được phép tự ý định đoạt đối với tài sản là quyền sử dụng thửa đất số 664 nhưng lợi dụng danh nghĩa là người được ủy quyền ông đã thực hiện việc chuyển nhượng lấy tiền. Việc này là cố tình vì ông Trung biết được quyền hạn của mình đến đâu trong hợp đồng ủy quyền. Hành vi này có dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Cạnh đó, công chứng viên có nghĩa vụ, trách nhiệm biết và phải biết việc ông Trung không được quyền định đoạt quyền sử dụng đối với thửa đất số 664. Tuy nhiên, công chứng viên vẫn đồng ý thực hiện các thủ tục công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đối với thửa đất này là thiếu trách nhiệm, không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao của công chứng viên, gây hậu quả nghiêm trọng. Hành vi này có dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Mới đây, giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bình Phước có kết luận cho rằng việc tố cáo của bà Lân là đúng, công chứng viên Quyết thực hiện sai quy định. “Nguyên nhân là do công chứng viên này thiếu kiểm tra, đối chiếu theo đúng quy định pháp luật. Cạnh đó, những người yêu cầu công chứng đã có hành vi gian dối về đối tượng giao dịch để phục vụ mục đích khác mà công chứng viên không phát hiện được” - kết luận của Sở nêu.

Từ đó, giám đốc Sở Tư pháp giao Thanh tra sở này thực hiện xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 110/2013, giao văn phòng thực hiện kiểm điểm, xử lý cán bộ và giao trưởng phòng công chứng xử lý hồ sơ công chứng. Riêng về thiệt hại do việc công chứng sai, Sở cho rằng không thuộc phạm vi xem xét kết luận của giám đốc Sở.

* * *

Xung quanh vụ việc này, nhiều luật sư cho rằng việc cần làm ngay là bà Lân nhanh chóng yêu cầu tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu theo khoản 6 Điều 26 BLTTDS và yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định tại Điều 604 BLDS. Từ đó, UBND cấp huyện sẽ thu hồi và hủy bỏ giấy đỏ đã cấp cho người nhận chuyển nhượng vì giao dịch này trái pháp luật.

Cần ghi rõ giới hạn ủy quyền để tránh rắc rối

Nội dung ủy quyền cần ghi đúng bản chất việc ủy quyền để tránh bị thiệt thòi quyền lợi sau này. Thực tế có nhiều việc vay mượn nhưng hai bên lại bàn nhau ra công chứng ủy quyền việc định đoạt tài sản nhà đất để “làm tin”, dẫn đến hậu quả khó lường. Như có trường hợp vay 200 triệu đồng ra công chứng ký hợp đồng ủy quyền định đoạt tài sản nhà đất trị giá 2 tỉ đồng. Từ đó, người được ủy quyền ngay sau đó dựa trên ủy quyền này chuyển nhượng, ủy quyền tiếp tục hay cầm cố cho người khác lấy 400 triệu đồng rồi bỏ đi. Vì vậy, trong quá trình thực hiện việc công chứng, chúng tôi thường phải tìm hiểu và giải thích rõ hậu quả pháp lý cho các bên khi ký hợp đồng ủy quyền rồi mới thực hiện...

Ông TRẦN QUỐC PHÒNG,
Trưởng Văn phòng Công chứng Gia Định, TP.HCM

Níu áo công chứng đòi bồi thường

Theo các luật sư, bà Lân nên khởi kiện Phòng Công chứng số 1 tỉnh Bình Phước đòi bồi thường thiệt hại và ông Trung, ông Quyết là những người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Bởi thiệt hại thực tế đã xảy ra đối với bà Lân nên công chứng viên và phòng công chứng phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bà Lân theo Điều 71, Điều 72 Luật Công chứng. Trong quá trình giải quyết vụ án, nếu xét thấy các cá nhân liên quan có dấu hiệu hình sự thì tòa sẽ chuyển cho cơ quan điều tra vào cuộc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm