Cũng lâu lắm rồi mới thong thả ngồi pha ấm trà, ngóc đầu nhìn qua cửa sổ ngắm phố xá đèn màu hoa lệ. Tới bữa nay thì bạn bè gần như đổ xô về quê hết, mình còn lang bạt ở chốn lắm người này, thỉnh thoảng có cơn gió lùa vào thủ thỉ cho người xa nhà nhớ ngẩn ngơ. Thời gian trôi nhanh hơn tên lửa, thoáng cái mình đã ở thành phố được 5 năm, những năm trước đều về quê ăn Tết. Mỗi năm nay, chẳng biết có gì thay đổi mà tự nhiên muốn ở lại.
Tối xách xe chạy lung tung. Đi ngang khu đông người thấy cái mùi khắm của chợ trời bốc lên, nghĩa là mùi trái cây, mùi hoa lẫn chút mùi rác quyện theo gió xộc vào mũi. Mấy chiếc xe chậu mai chạy rề rề qua đám người tấp nập, bác lơ hò hét mở đường, mấy nụ mai vàng còn chúm chím e lệ, chỉ chờ đến dịp là bung hết cánh cho người đời trầm trồ. Có nhà rủ nhau đi tìm mua lá chuối, lạt buộc rồi háo hức chất lên xe về nhà, chuẩn bị cho nồi bánh đêm giao thừa. Mình bất giác nhận ra đã là 23 tháng chạp, người ta bắt đầu nôn nao đếm từng ngày đón năm mới. Tự nhiên lại nhớ miên man.
Những ngày còn nhỏ, độ gần Tết là nhà nào cũng tấp nập chuẩn bị, quan trọng nhất phải để dành được con gà bày cúng đêm 30 cùng với vài nải chuối thờ ông bà. Nhà khá hơn thì kiếm được bình rượu quý, hộp bánh đắt tiền hay thêm vài món hoa trái chưng bàn thờ. Người có thể thiếu thốn chứ mỗi năm mới rước ông bà về với con cháu, bất có sơ sài được. Cứ hễ nhà nào được người đi chúc Tết khen cái bàn thờ đẹp, sáng sủa là nhà đó lấy làm mừng ra mặt.
Ảnh minh họa
Con gà cúng đêm 30 thì còn nhọc nhằn nữa. Nhà nào nuôi gà hay thì đúng Tết nó vừa dịp lớn phổng phao, coi như có phúc. Nhà nào èo uột thì đến khổ, mua sớm không ai bán, mua trễ thì giá cũng bằng thêm chiếc xe nữa chứ chẳng chơi. Mà đâu phải cứ có tiền là mua được, người bán còn ỏng eo bảo nể mới bán cho. Mình nhớ đúng cái năm cúm gia cầm, hỏi mẹ không ăn thịt gà thì cúng con gì? Ít sau thấy người ta vẫn bắt gà thịt như thường, ăn như thường mà cũng không ai bị cúm. Hên thế.
Miền Trung đổ vào nam thì ưa bánh tét hơn bánh chưng. Nhà mình chẳng có ai biết gói bánh tét, toàn đặt nhờ người ta gói không thì mua hẳn về thờ. Nhà nội ngoại thì có. Có lần chạy ra nhà bà nội chiều 30 ngồi coi gói bánh, mình nhìn mê mẩn dù có nhiêu đó động tác cứ làm hoài, chẳng hiểu vì sao. Mà sau này cũng nhận ra là mình thích nhìn người ta làm đồ thủ công, lặp đi lặp lại đến nhàm chán nhưng mình cứ thích ngắm. Gạo nếp được buốt sạch đổ ra rổ trăng phau, tròn trịa. Lá chuối chùi sạch, phơi nắng hoặc hơ lửa cho bớt giòn rồi chất lên chiếu. Thêm một đóng lạt dẻo nằm bên. Cả nhà quây lại vừa gói bánh vừa bàn chuyện thằng này con kia sao không cưới nhau, chuyện nhà ông này mới tậu được cây mai oách lắm hay nhà kia mới bị tổ sư thằng nào trộm mất mấy con gà, quả là vô phước. Cứ lần lửa vậy đến khi tối hẳn mới xong hết nguyên liệu, bánh tét được chất đống lên, những màu xanh lá chuối cùng màu trắng của lạt nom ưa nhìn lắm. Cuối cùng là chuẩn bị củi lửa và cái nồi to đùng, đổ nước ngập bánh rồi luộc. Ngồi gần đóng lửa vừa xuýt xoa cái rét của mùa, vừa trông nồi bánh chín và chờ đón giao thừa. Mình không ham bánh kẹo như tụi trong xóm nhưng lại thèm bánh tét dưa món, ăn hoài không ngấy.
Tính đến giờ thì mình chưa bao giờ đi coi pháo bông đêm giao thừa. Nhà ở quê chẳng biết thú vui giới trẻ thành thị, mà bình thường cũng ru rú trong nhà chứ chẳng bao giờ đi chơi, không tiền mà cũng không dám. Cứ đến đêm 30 mình lại chạy quanh nhà ngó nghiêng, chán thì lăn ra ngủ đến chập sáng cúng xong mẹ gọi dậy, ăn mấy miếng có lệ rồi lại lăn đi ngủ đến sáng. Sau lớn hơn, Tết thì có chị đi học xa về quê, nằm làm ràm với chị rồi… lại ngủ. Hồi nhỏ chỉ thích Tết vì tiền mừng tuổi. Đếm từng ngày một chừng được trăm ngàn là hết sức, thỉnh thoảng được nhiều thì đem khè mấy đứa quanh xóm. Đến hết Tết thì đưa cho mẹ và hoàn thành nhiệm vụ.
Mình không ấn tượng gì nhiều với những cái Tết im lìm êm ả đó, cho đến lúc đủ lớn nhận ra cái khốn khó xung quanh mình thì Tết lại đi liền với những kỉ niệm buồn mãi không quên. Đến tận lúc xa nhà và quay lại, mình mới nhận ra rằng những giây phút giao mùa vốn chỉ là thời điểm sum họp quây quần của gia đình, nhưng rồi mình tìm hoài không thấy.