Nước mặn đang xâm nhập mạnh vào các khu vực ngọt hóa ở ĐBSCL khiến hàng ngàn nông dân mất ăn mất ngủ. Tại hai huyện Hòa Bình và Giá Rai (Bạc Liêu), nông dân đã dùng dao búa để “nói chuyện” với nhau vì nước mặn.
Nghênh chiến vì nước mặn
Trưa 14-3, anh Trần Minh Hậu ở xã Phong Thạnh Đông A, huyện Giá Rai chở can dầu đến châm cho các máy bơm nước ở cống Xóm Lung. Mất ngủ nên mắt anh lừ đừ, giọng khàn khàn, anh nói: “Cả tuần nay, nông dân ở đây không ai ngủ ngon giấc vì lo ngăn nước mặn. Hai hôm trước, dân bên đây với dân bên Đồng Lớn 1, thuộc xã Vĩnh Mỹ B, huyện Hòa Bình suýt chém nhau vì “cái ông” bạn không mời mà tới: Nước mặn”.
Theo anh Hậu, khoảng 20 giờ tối 12-3, bốn thanh niên mang theo dao mác đến con đập dã chiến do dân ấp 8 mới dựng lên tại kênh thủy lợi, ranh giới giữa huyện Giá Rai và Hòa Bình. Khi một thanh niên nhảy xuống kênh, dùng dao định rọc các tấm cao su phá bỏ cái đập dã chiến thì nông dân trực canh cái đập ngăn chặn. Hai bên cự cãi, gọi thêm người và chỉ trong vài phút, hàng chục người dân xã Phong Thạnh Đông A mang gậy gộc, dao mác đến tiếp ứng. Phía bên kia cũng gọi điện thoại tiếp ứng… Khi các trưởng ấp đến mới dàn xếp được. “Họ mà thọc dao phá đập là tôi không để yên. Đập bị phá, nước mặn không rút ra được, lúa sẽ chết hết, đói cả đám” - ông Năm Bạch, nông dân xã Phong Thạnh Đông A, nói.
Tại cống thủy lợi gần cầu Chệt Niên, huyện Hòa Bình, người dân đang đặt máy bơm lớn rút nước mặn rò rỉ. Ảnh: TV
Khi chúng tôi có mặt, lúc dân xã Phong Thạnh Đông A bơm nước mặn qua đập dã chiến thì bên kia bắn tin “sẽ có đổ máu” và bên này chuẩn bị hung khí nghênh chiến! Trưởng ấp 8 xuất hiện kịp thời, qua ấp Đồng Lớn 1 thương lượng mới ngăn được đụng độ…
“Chưa bao giờ nông dân mất đoàn kết như vậy” - ông Nguyễn Trung Kiên, nông dân ấp 8, nói.
Cống ngăn mặn rò rỉ
Theo ông Cao Văn Chuộn, Trưởng ấp 8, xã Phong Thạnh Đông A, từ đầu tháng 3, người dân phát hiện cống ngăn mặn Xóm Lung rò rỉ, nước mặn xâm lấn vào các con kênh thủy lợi trong khi lúa đang làm đòng. Lập tức nông dân huy động tất cả máy lớn trong khu vực tập trung đến cống Xóm Lung, bơm nước suốt ngày đêm. Tuy nhiên, ở nhiều khu vực nước mặn vẫn không thể rút hết ra kênh. Nông dân tự đắp đập dã chiến để tống nước mặn đi cho nhanh để cứu lúa. Mâu thuẫn giữa các nhóm nông dân xảy ra khi nhóm nông dân này đẩy nước mặn về khúc kênh của nhóm nông dân khác. “Hai bên đều có lý do chính đáng. Mục đích cuối cùng cũng là cứu lúa thôi” - ông Chuộn nói.
Chiều 16-3, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tấn Khương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Tôi có nghe chuyện nông dân ở Giá Rai và Hòa Bình hục hặc vì chuyện đuổi nước mặn. Tuy nhiên, chính quyền can thiệp kịp, chưa gây hậu quả lớn. Chúng tôi đã cử cán bộ tỉnh về trực tiếp cùng nông dân rút nước mặn, lấy nước ngọt. Đến chiều 16-3 nước mặn được rút đi 80%, nước ngọt từ đầu nguồn đang về nhiều. Tuy nhiên, về lâu dài chúng tôi đã đề xuất tỉnh trình trung ương xin đầu tư khoảng 300 tỉ đồng mới giải quyết được những khó khăn về nước cho nông dân vùng ngọt Bạc Liêu. Trong đó, hai phần việc quan trọng là xây dựng âu thuyền Ninh Quới và đầu tư thêm hai trục kênh dẫn nước từ Sóc Trăng về...” - ông Khương nói.
Theo thống kê mới nhất của Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, tình trạng xâm mặn và thiếu nước ngọt đang đe dọa đến 7.000 ha lúa đông xuân tỉnh Bạc Liêu. Trong đó, nếu không xử lý kịp thời có thể thất trắng đến 3.000 ha. |