Tại buổi họp mặt báo chí xuân Canh Tý 2020 chiều 7-1, ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM, cho biết trong năm 2019 và năm 2020, cục tập trung mạnh cho công tác kiểm soát chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa và chuyển tải bất hợp pháp.
Theo ông Thắng, hành vi khai sai xuất xứ hàng hóa thời gian gần đây có nhiều diễn biến phức tạp. Một số doanh nghiệp nhập khẩu hàng Trung Quốc nhưng gắn nhãn mác xuất xứ Việt Nam để đánh lừa người tiêu dùng. Đối với hàng xuất khẩu, doanh nghiệp dùng nhiều thủ đoạn để gắn xuất xứ hàng Việt Nam xuất sang các nước có thuế suất ưu đãi đối với hàng hóa Việt Nam như Mỹ, các nước châu Âu... gây hậu quả nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất trong nước và uy tín quốc gia.
Tổng số vụ việc vi phạm bị lực lượng kiểm soát hải quan Cục Hải quan TP.HCM phát hiện, bắt giữ trong năm 2019 tăng 23% so với năm 2018 lên đến 1.664 vụ, trong khi trị giá tang vật vi phạm tăng gần 113%, đạt khoảng 1.565 tỉ đồng.
Ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM, chia sẻ công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại với các cơ quan báo chí.
Báo cáo kết quả thực hiện công tác năm 2019 của Cục Hải quan TP.HCM cho thấy trong năm các đơn vị trực thuộc đã ra quyết định khởi tố hình sự 11 vụ và chuyển cơ quan khác đề nghị khởi tố hình sự 56 vụ. Bên cạnh đó, đơn vị cũng ra quyết định phạt tiền 1.549 vụ với số tiền phạt 19,7 tỉ đồng; phạt bổ sung 11 vụ với trị giá tang vật 3,4 tỉ đồng; tịch thu tiền bán hàng tang vật 3,6 tỉ đồng và thu từ bán đấu giá 14,2 tỉ đồng.
Trước tình hình đó, Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM Đinh Ngọc Thắng cho biết cục đã tập trung triển khai và gấp rút xây dựng các chương trình, kế hoạch, phương án đấu tranh, kiểm tra, kiểm soát để có thể kịp thời ngăn chặn các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa và chuyển tải bất hợp pháp. Kết quả là chỉ trong tháng cuối năm, Cục Hải quan TP.HCM đã phát hiện ba vụ việc về gian lận xuất xứ.
“Trong năm 2020, chúng tôi sẽ tiếp tục chủ động triển khai và xây dựng nhiều chuyên đề, kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, xác định mục tiêu trọng điểm, hàng hóa trọng điểm, đối tượng trọng điểm, tuyến đường trọng điểm… cũng như thống kê các phương thức thủ đoạn để có các phương án đấu tranh hiệu quả” - ông Thắng nói.