Vai trò 4 dự án kết nối TP.HCM và vùng phía Nam

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết sở đã kiến nghị Bộ GTVT thúc đẩy các dự án hạ tầng giao thông kết nối TP.HCM với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. 
Theo đó, có bốn tuyến đường cần đẩy nhanh tiến độ gồm: Vành đai 3, vành đai 4, mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, trục đường TP.HCM - Long An - Tiền Giang.
Cần sớm kết nối các đại dự án
Ông Trần Quang Lâm nhận định: Phía Nam có diện tích tự nhiên toàn vùng trên 30.000 km2, chiếm 9,2% diện tích cả nước, dân số toàn vùng khoảng 16 triệu người. Tỉ lệ đô thị hóa của vùng đạt 48%, bằng 1,8 lần trung bình cả nước.
Do đó, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; là vùng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đồng thời đây là vùng hội tụ đủ các điều kiện và lợi thế để phát triển về mọi mặt.
Theo ông Lâm, để phát huy hết thế mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam giai đoạn 2021-2025, cần thiết ưu tiên đầu tư hoàn thành khép kín một số tuyến giao thông liên vùng quan trọng. 
Trên cơ sở rà soát, Sở GTVT TP.HCM và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm kiến nghị Bộ GTVT đẩy nhanh nhóm dự án có tính kết nối vùng quan trọng. Đó là các dự án khép kín vành đai 3, vành đai 4, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, trục đường TP.HCM - Long An - Tiền Giang.
Riêng đối với đường vành đai 3, vành đai 4, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất chủ trương là dự án quan trọng quốc gia, cần ưu tiên thực hiện hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025. Trong đó, tuyến đường vành đai 3 cần làm sớm để đồng bộ với cao tốc TP.HCM - Mộc Bài nhằm phát huy hiệu quả khi đầu tư và hoàn thành.
Đối với dự án vành đai 4, Sở GTVT kiến nghị Bộ GTVT chủ trì, nghiên cứu toàn diện các nội dung của dự án. Các nội dung này gồm tổng thể phương án, chủ đầu tư, quy mô, phân kỳ đầu tư, kết nối với các tuyến giao thông chính trong vùng...
Song song, Sở GTVT kiến nghị Bộ GTVT, Bộ Tài chính và Bộ KH&ĐT xem xét, bổ sung trục đường kết nối TP.HCM - Long An - Tiền Giang vào quy hoạch giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia. Đồng thời do chi phí xây dựng ba cây cầu trên trục này khá lớn nên ngân sách địa phương không đủ nguồn lực. Do đó, sở kiến nghị các bộ, ngành xem xét, hỗ trợ vốn cho địa phương xây dựng ba cây cầu này. 
Đối với dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Sở GTVT kiến nghị nghiên cứu bổ sung nút giao thông kết nối với đường Long Phước, quận 9 để tạo động lực phát triển. Song song, đề xuất phương án tổ chức bồi thường, hỗ trợ tái định cư đủ lộ giới theo quy hoạch tuyến cao tốc này được duyệt, tránh thực hiện giải phóng mặt bằng nhiều lần.
Kết nối với TP.HCM là cần thiết
Ông Nguyễn Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Long An, cho biết TP.HCM là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, do đó việc kết nối với TP.HCM là rất cần thiết. Theo đó, trong giai đoạn 2021-2025, Sở GTVT tỉnh Long An sẽ nỗ lực khởi công và hoàn thiện trục giao thông kết nối TP.HCM - Long An - Tiền Giang.
Ông Trung cho biết hiện nay quốc lộ 1 và cao tốc TP.HCM - Trung Lương là hai trục đường chính kết nối Long An với TP.HCM. Tuy nhiên, nhiều năm nay cả hai tuyến đường này đều rơi vào tình trạng quá tải, gây khó khăn trong quá trình vận tải. Chỉ khi dự án kết nối TP.HCM - Long An - Tiền Giang được hoàn thiện thì chi phí vận chuyển mới giảm và tỉnh Long An sẽ thực sự thu hút được các nhà đầu tư.

Mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là một trong các dự án cần làm cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Ảnh: HOÀNG GIANG

Ông Trung cho rằng các tuyến đường vành đai 3, vành đai 4 cũng cần được đẩy mạnh để các phương tiện vận chuyển hàng hóa được thông suốt. 
KTS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, đánh giá các trục giao thông kết nối với TP.HCM và các tuyến đường vành đai là cực kỳ quan trọng trong bài toán quy hoạch giao thông. Theo đó, các cơ quan chức năng cần sớm hoàn thiện các tuyến vành đai để tạo ra một trục giao thông liên hoàn giữa các địa phương. 
“Chúng ta phải làm tốt điều này thì mới có thể tính toán đến việc giảm kẹt xe, thu phí ô tô vào TP. Từ đó tình trạng kẹt xe, chi phí vận tải giảm và làm tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp” - ông Cương nhận định.
KTS Cương cũng nhấn mạnh mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây cũng thực sự cần thiết trong giai đoạn hiện nay bởi nhiều năm nay nó đã trở thành “thấp tốc”. 
Tương tự, KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị, cho biết nhiều năm nay các tuyến đường vành đai đều chưa triển khai được. Điều này khiến các đơn vị vận tải di chuyển xuyên qua trung tâm TP, từ đó gây nên tình trạng kẹt xe. 
“Chỉ khi nào TP.HCM và các địa phương xây dựng được mạng lưới giao thông hoàn chỉnh này thì tình hình giao thông mới được cải thiện. Bên cạnh đó, kinh tế TP.HCM và các tỉnh liên kết với TP với có thể phát triển, từ từ chuyển dịch kinh tế sang các TP lân cận” - ông Sơn đánh giá.•
 100.000 tỉ đồng làm vành đai 4
Tuyến vành đai 3 đi từ Long An, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai với chiều dài gần 100 km. Dự án chia làm bốn đoạn, song đến nay mới chỉ hoàn thành được một đoạn là Tân Vạn - Bình Chuẩn (một phần đường Mỹ Phước - Tân Vạn thuộc tỉnh Bình Dương) dài 16 km.
Tuyến vành đai 4 đi qua tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai và TP.HCM với chiều dài gần 200 km. Dự án được đầu tư theo tiêu chuẩn đường cao tốc, tổng vốn dự kiến 100.000 tỉ đồng. Thủ tướng đã giao cho các địa phương liên quan lập dự án ưu tiên nguồn lực giai đoạn 2021-2025, đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư.
Dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã được Tổng Công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long đề xuất với tổng kinh phí gần 10.000 tỉ đồng. Dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2021-2025.
Trục đường kết nối TP.HCM - Long An - Tiền Giang là tuyến đường đi qua nhiều tỉnh, tạo thành tuyến đường ven biển miền Tây. Trong đó, riêng ba cầu bắc qua các sông Cần Giuộc, Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây đã có tổng mức đầu tư gần 3.000 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm