TP.HCM thúc tiến độ vành đai 4, mức đầu tư 100.000 tỉ

Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể về các dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng TP.HCM, trong đó một số vấn đề liên quan đến dự án vành đai 4. 
Cụ thể, Sở GTVT TP cho biết theo quy hoạch phát triển GTVT TP.HCM được phê duyệt ngày 8-4-2013 thì tuyến vành đai 4 có chiều dài khoảng 198 km. Tuyến này đi qua địa bàn các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM và Long An. Vành đai 4 có mặt cắt ngang hoàn chỉnh 6-8 làn xe, tiêu chuẩn đường cao tốc. Dự án có tổng mức đầu tư sơ bộ dự kiến khoảng 100.000 tỉ đồng.

Một bảng chỉ dẫn hướng tuyến đường Vành đai 4, đặt tại Quốc lộ 13, đoạn qua Bình Dương - Ảnh VÕ NGUYÊN

Về tiến độ, tại Thông báo 21-8-2020 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo: Đối với đường vành đai 4, giao các địa phương liên quan lập dự án, ưu tiên bố trí nguồn lực giai đoạn 2021-2025 các đoạn tuyến được giao trong quy hoạch và đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác chuẩn bị đầu tư.

Thủ tướng cũng giao Bộ KH&ĐT cùng các bộ, ngành liên quan nghiên cứu xem xét để có cơ chế hỗ trợ một phần vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho tuyến đường này.
Tiếp đó, ngày 5-10-2020, UBND TP.HCM có công văn kiến nghị bộ trưởng Bộ GTVT đồng chủ trì hội nghị cùng lãnh đạo các bộ, ngành và UBND các tỉnh liên quan để thống nhất phương án, kế hoạch đầu tư đường vành đai 3, vành đai 4.
Với tình hình trên, Sở GTVT TP.HCM kiến nghị Bộ GTVT chủ trì nghiên cứu toàn diện các nội dung về vành đai 4. Trong đó, nghiên cứu tổng thể phương án, quy mô đầu tư, phân kỳ đầu tư, hình thức đầu tư, kết nối với các tuyến giao thông chính trong vùng.
Đồng thời, UBND TP cũng kiến nghị Bộ GTVT phối hợp với Bộ KH&ĐT và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xem xét để có cơ chế hỗ trợ một phần vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho dự án vành đai 4 theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Theo Sở GTVT TP.HCM, để phát huy hết thế mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam giai đoạn 2021-2025, cần thiết ưu tiên đầu tư hoàn thành khép kín một số tuyến giao thông liên vùng quan trọng. Điển hình là các dự án vành đai 3, vành đai 4; mở rộng tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, trục động lực kết nối TP.HCM - Long An - Tiền Giang, nạo vét luồng Soài Rạp...
Thời gian vừa qua, UBND TP.HCM và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước đã có nhiều văn bản kiến nghị trung ương sớm xem xét, đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông vùng. 
Riêng đối với đường vành đai 3, vành đai 4, Thủ tướng đã thống nhất chủ trương là dự án quan trọng quốc gia, cần ưu tiên thực hiện hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025.
“Mặc dù có vị trí, tiềm năng lợi thế rất lớn nhưng trong thời gian qua, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã bộc lộ nhiều tồn tại như xu hướng tăng trưởng chậm lại, kết cấu hạ tầng không đồng bộ, chậm cải thiện, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông thiếu sự liên kết vùng, chất lượng phát triển đô thị thấp” - Sở GTVT TP nhận định. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm