Chiều 23-2, hai “ông ỉn” được nuôi riêng để làm lễ tế Thánh đã được các chức sắc và người dân trong làng rướcvào đình làm lễ nhập tịch. Nghi lễ chém lợn tế thánh vẫn sẽ diễn ra ở trước sân đình vào khoảng 11 giờ trưa nay 24-2(tức mùng 6 tết).
Chiều 23-2, hai "ông ỉn" được người dân rước từ nhà ông đám ra sân đình để làm lễ nhập tịch. Sáng 24-2, người dân làm lễ chém tại sân đình để làm cỗ ngọc tế thánh. Ảnh: HH
Ông Nguyễn Đình Lợi, phó ban tổ chức lễ hội, cho biết chính quyền xã có yêu cầu làng làm theo đúng hướng dẫncủa tỉnh Bắc Ninh là vẫn thực hiện các nghi lễ rước, tế như phong tục cổ truyền nhưng thay vì thực hiện lễ chém lợn ở sân đình thì thực hiện ở sau hậu cung. “Tuy nhiên, các cụ và dân làng bảo đây là bản sắc vùng miền, không vi phạm pháp luật thì vẫn tổ chức bình thường. Đây là truyền thống văn hóa từ lâu đời. Lệ phải chém ở sân đình, không thể chém chỗ khác được” - ông Lợi khẳng định.
Ông Nguyễn Văn Hưng (85 tuổi), người dân làng NémThượng, cho biết đây là lễ hội cổ truyền của làng có lịch sử cách đây 850 năm nhưng mới được phục dựng lại từ năm 2000. Lễ hội nhằm tưởng nhớ ông Lý Đoàn Thượng, người có công với làng, được dân làng suy tôn làm thành hoàng làng.
Ông Nguyễn Tiến Dư (70 tuổi), thủ từ đình Ném Thượng,cho rằng chém lợn như thế không có gì là dã man vì lợn là động vật được nuôi nhiều trong toàn dân để lấy thực phẩm, không phải động vật hoang dã quý hiếm phải bảo tồn. Việc chém lợn không có gì kích động hay gây tâm lý không tốt cho trẻ bởi qua 16 năm tổ chức chưa xảy ra xô xát gì trong lễ hội. “Tỉnh hay trung ương bảo cấm nhưng không có lý gì cấm vì đây là việc tâm linh, tưởng nhớ công ơn to lớn của ngài” - ông Dư nói.
Trước sự việc này, TS Trần Thị Tuyết Mai, Trưởng phòng Nếp sống văn hóa, Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VH-TT&DL, cho biết: “Cổ tục chém lợn đã tồn tại từ lâu đời, được người dân bảo lưu suốt chiều dài lịch sử nên cần có thời gian để tuyên truyền, thay đổi nhận thức và hành vi của nhân dân, không thể thay đổi ngay được”.
Như chúng tôi đã thông tin, ngày 27-1, Tổ chức Động vật châu Á đã phát động chiến dịch gây ảnh hưởng tới cộng đồng cùng ký tên kêu gọi ban hành quy định chấm dứt lễ hội chém lợn tại làng Ném Thượng, xã Khắc Niệm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh vì cho rằng đây là lễ hội tàn bạo, ảnh hưởng xấu đến tâm lý con người, đặc biệt là trẻ em. Nhiều chuyên gia nghiên cứu văn hóa trong nước cũng đồng tình quan điểm này. Ông Phan Đình Tân, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ VH-TT&DL, cũng từng khẳng định với Pháp Luật TP.HCM: “Quan điểm của Bộ VH-TT&DL là những hủ tục, những trò chơi dân gian kích thích bạo lực thì Bộ hoàn toàn phản đối và không bao giờ ủng hộ những hành động này. Trong một xã hội văn minh mình cần phải hướng đến những giá trị chân thiện mỹ đích thực của cuộc sống, không nên duy trì những hủ tục như vậy. Cần hạn chế dần những hành động bạo lực. Bộ đã lên tiếng rất nhiều lần rồi, nhất là việc chém lợn dã man, tàn bạo”.
HUY HÀ