Thông tin liên quan đến vấn đề biển Đông và quan hệ Philippines-Trung Quốc tiếp tục trở thành đầu đề cho nhiều bài viết trên báo chí Philippines.
Sang Mỹ bàn biển Đông
Đài truyền hình ABS-CBN News ngày 13-6 đưa tin Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Cuisia Jr. thông báo Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario sẽ viếng thăm Mỹ vào cuối tuần này theo lời mời của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Ngoại trưởng Albert del Rosario đã nhận lời mời sang thăm Mỹ hồi tháng 5 vào lúc tình hình tranh chấp trên biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc bắt đầu nóng lên.
Phó Thủ tướng Philippines Jejomar Binay khẳng định các sự cố trên biển Đông gần đây giữa Philippines và Việt Nam với Trung Quốc sẽ là chủ đề thảo luận trong chuyến thăm Mỹ lần này của Ngoại trưởng Philippines.
Trong ngày 12-6, cựu Tổng thống Philippines Fidel V. Ramos đã lên tiếng kêu gọi các bên tranh chấp rút quân khỏi quần đảo Trường Sa và giải quyết tranh chấp bằng con đường ngoại giao thông qua các tổ chức quốc tế như LHQ, ASEAN và căn cứ vào Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) mà ASEAN đã ký kết với Trung Quốc.
Tàu sân bay USS George H. W. Bush của Mỹ được hải quân Philippines mua lại đầu năm 2009. Ảnh: TECHNOGRA.PH
Cùng ngày, báo Inquirer đã dẫn quan điểm của Chủ tịch Hạ viện Philippines Feliciano Belmonte Jr. cho rằng Philippines cần đi đầu đưa vấn đề tranh chấp biển Đông thành vấn đề mang tính toàn cầu và giải pháp tốt nhất hiện nay là các nước cùng tranh chấp nên đoàn kết lại để đối phó với Trung Quốc.
Chủ tịch Feliciano Belmonte Jr. nhận định bây giờ chưa phải lúc thích hợp để lôi kéo Mỹ vì tình hình căng thẳng ở biển Đông vẫn có thể được giải quyết thông qua biện pháp ngoại giao.
Không để Trung Quốc lợi dụng tên gọi
Đồng tình với quan điểm nêu trên, nghị sĩ Roilo Golez nhận định chắc chắn Mỹ sẽ chọn giải pháp không ra mặt chống lại Trung Quốc bởi tranh chấp về vấn đề biển Đông không liên quan đến các nước đồng minh chủ chốt của Mỹ như Israel, Hàn Quốc, lãnh thổ Đài Loan. Ông cho rằng Philippines nên tự thân chủ động giải quyết vấn đề.
Nghị sĩ Walden Bello của Philippines nhận định cách dùng sai tên “biển Nam Trung Quốc Hải” đã mang lại lợi thế phi lý cho Trung Quốc.
Hôm 10-6, trang web Change.org do Mỹ bảo trợ cũng đã đưa tin 100.000 người ở 115 nước đã tham gia chiến dịch vận động trên mạng nhằm đổi tên gọi “biển Nam Trung Quốc Hải” thành “biển Đông Nam Á” (Southeast Asia Sea).
Báo Bernama (Malaysia) ngày 12-6 dẫn lời Ngoại trưởng Datuk Seri Anifah Aman của Malaysia tuyên bố Malaysia sẽ mời các nước ASEAN tham gia diễn đàn thảo luận về vấn đề tranh chấp trên biển Đông. Ông nói Malaysia quyết định như thế sau khi Trung Quốc tuyên bố Trung Quốc chiếm chủ quyền ở biển Đông. Tuần trước, Thủ tướng Datuk Seri Najib Tun Razak của Malaysia đã đề nghị các nước tranh chấp biển Đông cùng thiết lập các cơ chế đối thoại đa phương thay vì song phương. |
ĐĂNG KHOA