Văn hóa công sở: Phải mang tinh thần phục vụ

Tiếp tục các nội dung liên quan đến chủ đề năm 2020 của TP.HCM - “Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với TS Lê Thị Trúc Anh (Học viện Cán bộ TP.HCM) xoay quanh vấn đề xây dựng văn hóa công vụ.

Cán bộ đã cầu thị, lắng nghe dân nhiều hơn

. Phóng viên: Thưa tiến sĩ, bà nhìn nhận như thế nào về chất lượng văn hóa công vụ hiện nay ở TP.HCM?

TS Lê Thị Trúc Anh

+ TS Lê Thị Trúc Anh: Nói tới văn hóa công vụ, không thể tách rời hoạt động này với nhiệm vụ cải cách hành chính (CCHC). Đây cũng là một trong nhiều nội dung được Đảng bộ TP.HCM xác quyết là nhiệm vụ trọng tâm năm 2019. Nhìn lại chất lượng văn hóa công vụ hiện nay của TP thông qua kết quả CCHC cho thấy thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực, đáng ghi nhận. Cụ thể:

Các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn TP siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra, giám sát; xử lý nghiêm các vi phạm trong thực hiện văn hóa công vụ.

Các công chức thuộc bộ phận một cửa, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của các đơn vị tăng cường lắng nghe, cầu thị tiếp thu ý kiến của người dân (bằng nhiều hình thức khác nhau như máy chấm điểm, thư góp ý, phiếu khảo sát…). Nhiều sở, ngành trên địa bàn TP đã nỗ lực đơn giản hóa TTHC cũng như kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế gây phiền hà, nhũng nhiễu trong khi giải quyết TTHC của cán bộ, công chức.

Trong giao tiếp với người dân, cán bộ, công chức, viên chức ở nhiều cơ quan, ban ngành, đơn vị cơ sở đã có thái độ cầu thị hơn trong lắng nghe, thể hiện sự tôn trọng bằng việc tận tình giải thích và hướng dẫn về quy trình xử lý công việc. Cán bộ, công chức cũng thực hành “4 xin, 4 luôn” - Xin chào, xin lỗi, xin cám ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ.

Khi giao tiếp gián tiếp qua điện thoại, cán bộ, công chức, viên chức đã tuân thủ nhuần nhuyễn hơn các quy trình giao tiếp chuyên nghiệp: Xưng tên, chức danh, chức vụ, đơn vị công tác; trao đổi ngắn gọn, tập trung vào nội dung công việc, âm lượng vừa đủ nghe; giữ thái độ lịch sự, không nói trống không; không ngắt điện thoại đột ngột…

Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực đã nêu, do khối lượng và áp lực công việc các công chức thường phải xử lý là rất lớn nên khó tránh khỏi ở một số cơ sở, đơn vị vẫn còn xảy ra tình trạng hồ sơ trễ hạn trong giải quyết công việc cho người dân và doanh nghiệp…

Phải xây dựng một nền văn hóa công vụ mang tinh thần phục vụ vì dân như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng tâm nguyện. Ảnh: LÊ THOA

Sáu giá trị cơ bản, cốt lõi của văn hóa công vụ

. Thưa TS, vấn đề cốt lõi nào cần tập trung xây dựng để nền văn hóa công vụ của TP.HCM tương thích với vị thế của mình?

+ Giá trị cơ bản, cốt lõi của văn hóa công vụ là chuyên nghiệp, trách nhiệm, minh bạch, trung thực, khách quan, hiệu quả trên tinh thần phục vụ xã hội, phục vụ công dân.

Như vậy, yếu tố tiên quyết tạo nên nền tảng văn hóa công vụ vững chắc chính là tư duy và hành vi ứng xử của con người, trước hết là của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước.

Theo đó, nếu còn tư duy quan phương, quyền lực, còn bị quán tính của cơ chế xin - cho thời kỳ bao cấp chi phối thì chưa thể có được một nền văn hóa công vụ mang tinh thần phục vụ vì dân như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng tâm nguyện và nhân dân luôn mong đợi.

Về điều này, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cũng đã khẳng định trong phát biểu tại hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2020, ngày 6-1 vừa qua: “Vấn đề chính ở con người về khả năng đổi mới, đòi hỏi đổi mới để thích ứng với xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” và “phát triển văn hóa, phát triển con người là tiền đề trực tiếp để phát triển kinh tế”. Đó cũng là một trong những lý do mà Đảng bộ và chính quyền TP chọn chủ đề năm 2020 là “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị” cho TP.HCM.

Người đứng đầu các cấp phải làm gương

. Cụ thể, để tạo bộ mặt văn hóa công vụ tương thích với một TP lớn nhất nước, chúng ta cần những giải pháp cụ thể gì, thưa TS?

+ Trong bối cảnh cách mạng 4.0 và phấn đấu hoàn thành việc thực hiện đề án xây dựng TP.HCM trở thành TP thông minh, nhằm tạo bộ mặt văn hóa công vụ tương thích với một TP lớn nhất nước, thiết nghĩ cần tập trung hiện thực hóa các giá trị cốt lõi của văn hóa công vụ thông qua các giải pháp cụ thể, đồng bộ và mang tính hệ thống như sau:

Thứ nhất, thực thi giá trị chuyên nghiệp, trách nhiệm, minh bạch bằng việc tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin, tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử. Điều này đòi hỏi các cơ quan công quyền phải cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, trên diện rộng, chú ý tính tiện ích và khả thi để người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin. Cùng đó là niêm yết đầy đủ, nhất quán, chi tiết, có cập nhật điểm mới trong các băn bản pháp luật, các TTHC tại trụ sở đơn vị và trên trang thông tin điện tử nhằm minh bạch hơn, phục vụ người dân và doanh nghiệp nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Thứ hai, thực thi giá trị trung thực, khách quan trong văn hóa công vụ thông qua hoạt động thanh tra công vụ, với nhiều hình thức như tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện văn hóa công vụ. Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm quy định về văn hóa công vụ phải chịu hình thức kỷ luật theo quy định của pháp luật. Đồng thời, ứng dụng công nghệ cao, thiết kế các phần mềm để giúp người dân có thể theo dõi, giám sát quy trình một cửa trực tuyến, tăng tính tương tác trong theo dõi, kiểm tra, giám sát “dòng chảy của hồ sơ” xem có đúng quy trình, minh bạch, đúng hẹn hay không…

. Xây dựng các giá trị văn hóa công vụ cho cán bộ như trên là rất cần thiết nhưng để nó thật sự tạo ra sức lan tỏa thì người đứng đầu các cấp cần nhận thức đầy đủ về vấn đề này thế nào, thưa bà?

+ Cùng với các giải pháp trên, một điều rất quan trọng nữa, có thể nói là điểm mấu chốt chính là người lãnh đạo, quản lý phải làm gương. Bác Hồ luôn căn dặn “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc… Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Nếu người đứng đầu không nêu gương thực sự về tinh thần thẩm thấu và tự nguyện, tự giác trong thực thi các giá trị văn hóa công vụ thì sức lan tỏa, lay động, chuyển biến để tác động tích cực đến môi trường văn hóa công vụ gắn với hoạt động thực tiễn ở công sở sẽ diễn ra chậm và ít hiệu quả.

Nhận thức rõ ràng, nhất quán về yếu tố mang tính quyết định này, ngay đầu năm 2020, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã khẳng định TP.HCM quyết tâm đổi mới phương thức làm việc của cơ quan hành chính nhà nước theo tinh thần phục vụ, giảm dần các biện pháp mệnh lệnh hành chính. TP đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính; khuyến khích tinh thần năng động, sáng tạo trong công việc của cán bộ, công chức, viên chức. Trong trường hợp phát hiện sai phạm, chấn chỉnh và xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm trong công tác quản lý nhà nước, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính.

. Xin cám ơn TS.

Lắng nghe dân - chìa khóa của người lãnh đạo

Lãnh đạo các quận/huyện, các phường/xã/thị trấn cần có các hoạt động xuyên suốt bám sát chủ đề năm, chú trọng cải thiện văn hóa công sở. Đặc biệt, cán bộ, công chức, viên chức lưu ý cải thiện văn hóa tiếp công dân, bởi lắng nghe dân cần lắng nghe nhiều chiều, cả lời chân thành, cả lời bực dọc của dân - đó là chìa khóa, là sức mạnh trong quản lý, lãnh đạo.

Cần xem khó khăn của người dân như chính khó khăn của mình, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo cho CCHC. Chủ trương, chính sách đề ra phải trên cơ sở nguyện vọng của người dân thì chính sách mới đi vào cuộc sống rất nhanh, phát huy kết quả. Tất nhiên, chủ trương, chính sách mới là tiền đề, còn khâu thực hiện mới là quan trọng nhất.

Chủ tịch UBND TP.HCM NGUYỄN THÀNH PHONG 
phát biểu tại buổi gặp gỡ, đối thoại với 322 chủ tịch UBND phường/xã/thị trấn trên địa bàn TP hôm 18-1

Thay đổi bắt đầu từ tư duy phục vụ của cán bộ

Nếu quyết tâm thay đổi, bắt đầu từ tư duy phục vụ của đội ngũ công chức, viên chức và việc ứng dụng hiệu quả kỹ thuật hiện đại, công nghệ thông minh thì TP.HCM có nhiều cơ hội và động lực để đáp ứng yêu cầu do các cấp lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền TP đặt ra. Đó là từ năm 2020, chính quyền các cấp phải giải quyết nhanh hơn, tốt hơn các yêu cầu của người dân, doanh nghiệp để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Đó cũng chính là mong ước và kỳ vọng của nhân dân TP mang tên Bác.

TS LÊ THỊ TRÚC ANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm