“Ăn cắp bản quyền sách là giết tác giả không gươm đao”

Bảo vệ bản quyền là vấn đề của nhiều quốc gia trên thế giới chứ không chỉ riêng Việt Nam (VN). Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng tại tọa đàm “Văn hóa đọc trong xu thế chuyển đổi số” được nhiều khách mời, bạn đọc quan tâm. Tọa đàm vừa diễn ra ngày 18-4 tại đường sách TP.HCM, nhân khai mạc Ngày sách VN lần thứ tám.

Nhiều gia đình dẫn con nhỏ đi lựa sách trong lễ khai mạc Ngày sách Việt Nam lần tám. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Chi phí chỉ bằng một cốc trà sữa

Voiz FM là ứng dụng sách nói của Công ty WeWe. Anh Lê Hoàng Thạch, Giám đốc điều hành của công ty sách nói này, khách mời trẻ tuổi nhất tham gia tọa đàm, cho biết ngay từ khi thành lập, con đường đi của Voiz FM là bản quyền, bảo vệ bản quyền. Ra mắt chưa lâu nhưng ứng dụng này nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của nhiều đối tác uy tín trong lĩnh vực xuất bản như Nhà xuất bản Trẻ, Nhà xuất bản Kim Đồng, Nhà xuất bản Tổng hợp, Saigon Books, Alpha Books…

Phải giải quyết thách thức trong cơ hội

Trong đại dịch COVID-19, trong khó khăn, nhà xuất bản chúng tôi lại có cơ hội, đó là giãn cách xã hội khiến người dân lựa chọn sách điện tử, trường học, thư viện cộng đồng cũng sử dụng thư viện trực tuyến khi không thể lên trường hay ra ngoài mượn sách được. Nhưng đồng thời, hạ tầng công nghệ làm sao đáp ứng được nhiều người cùng truy cập là thách thức lớn của nhà xuất bản.

Bà NGUYỄN THỊ DIỄM PHƯƠNGđại diện Nhà xuất bản Tổng hợp 

“Năm 2019 chúng tôi bắt đầu thực hiện, được sự ủng hộ của các nhà xuất bản, đường sách TP.HCM… Nếu kinh doanh mà không tôn trọng bản quyền sẽ không lớn được. Trong quá trình bảo vệ bản quyền, rất nhiều người dùng hoặc người đăng tải lên nói họ làm đúng nhằm mục đích phục vụ cộng đồng. Họ mượn cớ phục vụ cộng đồng để xâm phạm quyền tác giả và các nhà xuất bản. Quá trình bảo vệ bản quyền của chúng tôi gặp không ít khó khăn, chẳng hạn: Việc cảnh báo, báo cáo những kênh lớn vẫn làm bằng tay. Trong quá trình làm, chúng tôi mới dần có kinh nghiệm, bắt đầu nhận ra có thể ứng dụng công nghệ” - Hoàng Thạch chia sẻ.

Từ tháng 7-2020 đến nay, WeWe đã gỡ hơn 30.000 nội dung vi phạm bản quyền. Dự kiến cuối năm nay, con số này sẽ lên tới hơn 100.000. Anh Thạch cho biết việc này tốn chi phí, không sinh lợi nhuận nhưng để hỗ trợ thị trường, bảo vệ bản quyền.

Bằng thực tế sự ủng hộ của bạn đọc, anh Thạch và cộng sự đã chứng minh trả tiền bản quyền ở VN là có thật. Theo đó, có nhiều hình thức trả, thuê bao theo tháng, thấp nhất là 199.000 đồng/ba tháng, 699.000 đồng/năm để có thể nghe những cuốn sách bạn thích. Một cốc trà sữa hiện tại giá tầm 35.000-40.000 đồng. Tính ra, cứ hai tuần chỉ cần bỏ ra một cốc trà sữa là bạn đọc đã có thể thoải mái đọc sách trong thời gian đó.

Bạn đọc bị thiệt thòi đầu tiên

Ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản VN, Giám đốc Công ty Đường sách TP.HCM, khẳng định việc không tôn trọng bản quyền sách đầu tiên sẽ ảnh hưởng đến chính những bạn đọc. Bởi vì nó không đảm bảo được nguồn sách, sự chính xác, do sách đó không được xuất bản bởi những đơn vị xuất bản chính thống. Thực tế chứng minh nhiều đầu sách làm theo kiểu chụp giật, sai lỗi chính tả…

Điều quan trọng không kém, theo ông Lê Hoàng, là khi người đọc sách không tôn trọng bản quyền chính là cách giết chết nền xuất bản, giết tác giả. “Tác giả viết ra không được xuất bản, không được trả tiền bản quyền đúng với lao động họ bỏ ra. Điều này sẽ khiến tác giả không muốn viết nữa. Những nhà xuất bản không muốn mua những sản phẩm tinh hoa, nổi tiếng trên thế giới để dịch ra nữa. Vì trong quá trình chuyển từ bản thảo online đến nhà in, chưa kịp in ra đã bị “ăn cắp”. Đó là cách giết nền xuất bản, giết tác giả không gươm đao” - ông Lê Hoàng nói.

Nhiều hoạt động hấp dẫn dành cho người yêu sách

Ngày sách VN lần thứ tám diễn ra nhiều hoạt động nổi bật như: Tọa đàm “Văn hóa đọc trong xu thế chuyển đổi số” (ngày 18-4), chương trình Giới thiệu sách về TP.HCM (15 giờ ngày 18-4), tọa đàm “Những điểm mới trong các văn kiện Đại hội XIII của Đảng” (15 giờ ngày 19-4), tọa đàm “Cuốn sách và tôi” (9 giờ 30 ngày 20-4), tọa đàm “Tủ sách hay dành cho con trong gia đình: Tại sao không?” (9 giờ ngày 21-4)…

Hội sách trực tuyến quốc gia chào mừng Ngày sách VN lần thứ tám cũng được tổ chức tại địa chỉ www.book365.vn từ ngày 17-4 đến 15-5.

Ngoài ra, từ ngày 21 đến 25-4, tại sân vận động Hoa Lư (quận 1, TP.HCM) sẽ diễn ra Hội sách xuyên Việt do sáu đơn vị xuất bản, phát hành là Nhà xuất bản Trẻ, Thái Hà Book, Nhã Nam, Minh Long, Đinh Tị và Saigon Books tổ chức. 

Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, cho biết có rất nhiều nguyên nhân xoay quanh vấn đề bản quyền sách ở VN. Từ thực tế, ông chỉ ra ba vấn đề lớn để giải quyết thực trạng này. Câu chuyện đầu tiên là vấn đề nhận thức, từ gia đình cho đến nhà trường, cần tuyên truyền cho mọi người biết bản quyền sách rất quan trọng. Ông lấy dẫn chứng từ việc bản quyền phim ảnh rất loạn trước nay, thế nhưng sau một thời gian, các đơn vị thu được lợi nhuận đã dùng phần lợi nhuận đó để bỏ vào chi phí truyền thông, thay đổi nhận thức.

Thứ hai là cần hoàn thiện thể chế pháp luật. Netflix thời gian qua có lãi vì giúp cho các nước thực hiện mạnh mẽ trong việc chống vi phạm bản quyền trên phim ảnh. YouTube chỉ còn lại những trailer, không còn những bộ phim đầy đủ, hoặc rất ít.

Thứ ba là sự vào cuộc của chính những doanh nghiệp làm sách, chính các đơn vị này phải chủ động trong việc bảo vệ bản quyền của mình. “Khi có sự xâm phạm bản quyền, họ là người trực tiếp đứng ra. Đấu tranh bảo vệ bản quyền xuyên quốc gia phải bắt đầu từ chính những đơn vị, họ phải đứng lên đấu tranh cho bản quyền của mình” - ông Nguyễn Nguyên khẳng định.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm