Ca sĩ mới hết đường “chào hàng” trên mạng

Khi đó, người nghe nhạc sẽ có tâm lý rời bỏ trang nhạc quen thuộc nhưng có thu phí để tìm đến một trang nhạc khác miễn phí. Quanh mức phí dự kiến 1.000 đồng/lần tải nhạc, các bên liên quan và cộng đồng mạng đang xôn xao nhiều tranh cãi.

Muốn cho không cũng không được

Theo ông Nguyễn Minh Kha, Phó Giám đốc nhaccuatui (NCT) và ông Phan Lê Mạnh, phụ trách mảng MP3 Zing của VNG, những bản nhạc tính phí sẽ có đầy đủ thông tin liên quan đến bài hát, lời, ảnh bìa album, ca sĩ... Việc thanh toán trên các trang web không đến mức khó khăn, chẳng hạn NCT có hệ thống NCT XU để thanh toán, người dùng có thể nạp xu bằng thẻ điện thoại, thẻ game, thẻ ATM nội địa, thẻ tín dụng Visa-Master và thậm chí gửi tin nhắn để thanh toán phí.

Nhưng từ một góc độ khác, theo ông Phan Anh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty VTC Online, thực tế việc thu phí tải nhạc trên web khó hơn so với trên di động. Ngoài chuyện thanh toán trực tuyến còn có một số rủi ro nhất định, người dùng không sẵn sàng trả phí tải nhạc vì còn khá nhiều website, diễn đàn khác sẵn sàng “cho không biếu không”.

Trước thông tin thu phí tải nhạc online, hầu hết các ca sĩ như Hiền Thục, Thu Minh, Hồ Ngọc Hà, Mỹ Tâm... đều tỏ ý vui mừng vì cho rằng đây là chuyện cơ quan hữu quan lẽ ra phải làm từ lâu, tương tự như việc thu phí tải nhạc chuông, nhạc chờ.

Ca sĩ mới hết đường “chào hàng” trên mạng ảnh 1

Lệ Quyên là một trong những ca sĩ dẫn đầu về lượng album được download nhiều trên các trang nhạc số.

Ca sĩ Lệ Quyên bức xúc nói: “Lâu nay hầu hết các trang web âm nhạc tự tiện đăng tải album ca sĩ dưới hình thức do các thành viên upload và cho người truy cập tải thoải mái. Album của các ca sĩ có tên tuổi thường được đầu tư nhiều công sức, tiền bạc nhưng chỉ cần phát hành được ba ngày là bị các trang web âm nhạc “nuốt trọn”. Điều này khiến ca sĩ, nhà sản xuất nản lòng mỗi khi tính chuyện đầu tư cho album tiếp theo”.

Trong khi các ca sĩ ngôi sao có vẻ hồ hởi, một bộ phận ca sĩ chưa thành danh lại lo ngại việc tính phí tải nhạc online có thể ảnh hưởng đến lượng khán giả vốn đã ít ỏi của họ. Ca sĩ Quang Ngọc, chuyên hát dòng nhạc trữ tình, cho biết sau khi ra album đầu tiên chưa được nhiều khán giả biết đến, anh dự tính phát hành album thứ hai dưới dạng online để tiết kiệm chi phí. Từ mấy năm nay, các trang nhạc trực tuyến thường xuyên bắt tay với các ca sĩ trẻ để quảng bá, lăng-xê thông qua các album online như một cách tiếp cận công chúng mau lẹ và ít tốn kém chi phí.

Muốn thu tiền thì nhạc tải phải chất lượng

Nhạc sĩ Nguyễn Hồng Thuận: Phí hơi cao

Việc áp dụng 1.000 đồng/lần tải nhạc thì hơi cao đối với tình hình kinh tế hiện giờ, nhất là người dân tại các vùng sâu, vùng xa. Đa số khán giả nghe nhạc nhiều nhất hiện nay là học sinh, sinh viên - hầu hết không có nhiều tiền.

Ngay khi mức phí dự kiến 1.000 đồng/lần tải nhạc được công bố, trên nhiều diễn đàn, các thành viên đã tranh luận sôi nổi về tính khả thi và hiệu ứng của sự kiện này. Trên trang plo.vn, một thành viên có nick at0607 cho biết: “Tôi ủng hộ việc tính phí bản quyền. Thay đổi để phát triển chứ xài chùa mãi cũng ngại. Tuy có những bài hát có cho tiền cũng không thèm nghe nhưng có những tác phẩm mà trả 1.000 đồng vẫn là chưa đủ. Cá nhân mình nhận thấy nhạc Việt kiểu nhạc rác, nhạc chợ bây giờ thì nên… cho thêm người tải 1.000 đồng/lần tải nhạc để bồi thường tai nghe của họ”.

Một thành viên khác tranh luận: “Mình cũng ủng hộ bản quyền nhưng với giá 1.000 đồng/bài thì nhạc phải chất lượng cao hơn chứ không phải với dung lượng chỉ 128 kbs, thậm chí một số bài chỉ là 32 hoặc 64 covert (chuyển) lên 128 kbs như ở NCT và Zing”.

Nhìn chung, việc tính phí tải nhạc trực tuyến không có nhiều tác động đến những người có thói quen chỉ nghe nhạc online mà không tải về máy tính hay điện thoại di động. Sau ngày 1-11-2012, năm trang nhạc online kể trên chỉ tính phí khi người dùng download ca khúc, còn việc nghe online vẫn không tốn tiền. Trong lúc việc kết nối wifi, 3G miễn phí hoặc với chi phí hợp lý khá phổ biến như hiện nay, người dùng vẫn có thể vô tư nghe nhạc mà không cần bận tâm đến chuyện trả tiền.

NGÔ BEN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm