Chân dung người lính biên phòng

Đoàn làm phim đã hành trình từ Lạng Sơn đến Cà Mau để ghi nhận hình ảnh, hoạt động của người lính biên phòng.

Trở về sau chặng hành trình khắp các đồn biên phòng Tây và Đông Nam Bộ, đạo diễn Lê Hồng Sơn chia sẻ: “Thật bất ngờ vì lính biên phòng quá đa năng, làm rất nhiều nhiệm vụ”.

Trăm ngàn nhiệm vụ

Về lý thuyết, nhiệm vụ của bộ đội biên phòng là tuần tra, canh gác bảo vệ tuyến biên giới lãnh thổ, giữ gìn trật tự an ninh xã hội và giúp người dân nâng cao cuộc sống. Nhưng thực tế, cụ thể hóa nhiệm vụ ấy, công việc của người lính biên phòng mà đoàn phim ghi nhận rất đa dạng với những nỗi nhọc nhằn khó thể hình dung. Giữa thời bình, các chiến sĩ biên phòng còn đối mặt với nhiều hiểm nguy đe dọa sự sống. Mùa mưa lũ năm 2009, chiến sĩ Lê Văn Trọng (đồn Đăkka) đã bị cuốn trôi cùng cây cầu bắc qua suối Đăkka.

Các thước phim Những nẻo đường biên cương cho thấy hình ảnh những người lính biên phòng không nề hà khó khăn, sẵn sàng giúp đỡ người dân khi có việc cần thiết: Thu hoạch lúa chạy lũ, dạy học, khám, chữa bệnh… thậm chí còn làm công tác hòa giải những chuyện hục hặc trong gia đình hay vận động kế hoạch hóa…

Gắn bó với dân

Đồn Bình Thạnh (Đồng Tháp) đóng trên vùng cửa lũ của Đồng Tháp Mười, mùa mưa nước ngập, mùa nắng chỉ có nước sông rạch, thói quen lâu đời của người dân nơi đây là dùng nguồn nước sông ô nhiễm. Bộ đội biên phòng trích tiền từ quỹ sản xuất tự túc của đồn, đầu tư xây giếng nước ngầm làm công trình Nước sạch biên phòng dẫn nước sạch về cho người dân sinh hoạt.

Chân dung người lính biên phòng ảnh 1

Hình ảnh bộ đội biên phòng giúp dân thu hoạch lúa chạy lũ trong phim Những nẻo đường biên cương. Ảnh: PA

Bộ đội đồn Thường Phước (Đồng Tháp) đã nhận chăm sóc năm cụ già neo đơn của xã. Các anh dành bớt tiền ăn và khẩu phần gạo hằng ngày của mình để giúp đỡ các cụ. Đều đặn hằng tháng, các chiến sĩ lại mang 15 kg gạo và 200.000 đồng đến trao tận tay mỗi cụ già. Các anh còn dành thời gian trò chuyện, động viên, tiếp thêm động lực, giúp các cụ có niềm tin yêu vào cuộc sống.

Đồn Long Khốt đóng trên vùng đất Thái Bình Trung cằn cỗi của huyện Vĩnh Hưng (Long An), đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam. Dân ở đây giàu truyền thống cách mạng nhưng đa số đều nghèo. Mỗi năm đồn Long Khốt trích 80 triệu đồng từ nguồn thu tăng gia sản xuất, vận động thêm các đoàn thể và nguồn xã hội trao bốn căn nhà đại đoàn kết (mỗi căn trị giá 50 triệu đồng) cho các hộ nghèo có công với cách mạng trong xã. Đồn Bù Gia Mập (Bình Phước) quản lý Trạm xá Quân dân y kết hợp mỗi năm khám và  điều trị hàng ngàn lượt người dân trong vùng. Anh Điểu Kha (người dân xã Bù Gia Mập) bày tỏ: “Bệnh viện ở xa, khi ốm, chúng tôi chỉ đến trạm xá thôi. Các bác sĩ bộ đội ở đây thương người ốm lắm. Người nào ốm nặng quá không đi được thì bác sĩ tới tận nhà khám bệnh”.

Tại các đồn biên phòng có cửa khẩu quốc tế, bộ đội biên phòng phải đấu tranh trấn áp các loại tội phạm và lập nhiều chiến công. Đầu năm 2012, đồn biên phòng Mỹ Quý Tây (Long An) đã truy tìm bắt nghi can Phạm Quang Lộc giết tài xế, cướp xe taxi sang Campuchia đánh bạc (5-2012); bắt đối tượng Mao Diên vận chuyển 90.000 USD và gần 30 triệu đồng qua biên giới. Trước đó, tháng 9-2011, đồn biên phòng Mỹ Quý Tây phối hợp với cảnh sát Hoàng gia Campuchia bắt giữ Tô Ngọc Minh với hành vi giết người, cướp tài sản.

Khổ như lính biên phòng

Đóng quân ở vùng biên giới xa xôi, những người lính biên phòng sinh hoạt trong điều kiện rất khó khăn. Phần ít các đồn biên phòng được xây dựng khang trang, đa số các đồn còn lại rất đơn sơ, cũ kỹ. Đồn biên phòng Bù Gia Mập là những căn nhà mái tôn cũ kỹ đang xuống cấp trên vùng đất cát nắng nóng quanh năm.

Đồn Nhà Mát (Bạc Liêu) được xây dựng đã lâu, xuống cấp trầm trọng, độ cao lại chưa tính toán mức triều cường hiện nay. Mỗi lần thủy triều lên, đồn bị ngập trong biển nước. Một số đồn biên phòng ở vùng sâu chưa có điện, mỗi ngày chỉ được 1 tiếng có điện từ máy nổ. Đồn Đắk Bô (Bình Phước) không có điện cũng không có sóng điện thoại. Để giữ liên lạc với người nhà, các chiến sĩ phải dùng điện thoại di động thuê bao quốc tế. Từ đồn biên phòng ra khu dân cư khoảng 60 km, phải vượt ba cái dốc dựng đứng. Đường đất đỏ gặp trời mưa, lũ tràn xuống, bùn đất ngập nửa bánh xe thì người đi đường phải chờ hết ngày, đường khô mới có thể đi tiếp. Hầu hết các chiến sĩ ở đồn từ một năm trở lên, không ai thoát căn bệnh sốt rét.

Trong cái khó, người lính vẫn năng động, lạc quan, sáng tạo nhiều điều thú vị, các đồn biên phòng đều tăng gia sản xuất để có thêm thực phẩm. Đồn Đăkka (Bình Phước) nuôi thả một đàn heo rừng gần 100 con. Hằng ngày, nghe thấy tiếng kẻng, đàn heo từ rừng túa về đồ n để kiếm thức ăn. Theo các chiến sĩ, đàn heo này bắt nguồn từ một con heo bị trúng bẫy gãy chân. Các chiến sĩ đem về nuôi, hai tháng sau, chú heo sổng chuồng chạy vào rừng. Nửa năm sau, con heo nái dẫn về bảy chú heo con và đàn heo cứ tăng dần lên. Nhờ đó, những bữa ăn khiêm tốn của bộ đội nơi đây cũng được cải thiện đôi chút.

Những nẻo đường biên cương (200 tập, đạo diễn Lê Hồng Sơn) do Hãng phim Vàng Miền Nam (SGFS) phối hợp với Bộ Tư lệnh Biên phòng sản xuất. 40 tập phim làm tại các tỉnh Đông, Tây Nam Bộ đã hoàn tất và phát sóng vào 20 giờ thứ Ba hằng tuần trên kênh ANTV, bắt đầu từ ngày 20-11. Dự kiến phim sẽ hoàn thành vào tháng 6-2013.

________________________________________

Bộ phim là một cái nhìn toàn cảnh về hình ảnh của lực lượng bộ đội biên phòng. Qua đó, người xem sẽ nhận thức sâu sắc hơn cuộc sống khó khăn vất vả của bộ đội biên phòng và người dân biên giới. Phim cũng là một động lực cho các chiến sĩ bộ đội biên phòng tự hào và làm tốt hơn nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.

Đại tá NGUYỄN QUANG BÌNH, Trưởng phòng Tuyên huấn,
Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng

TRÀ  GIANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm