GIẢI THƯỞNG SÁCH VIỆT NAM 2009:

Đương đầu với dư luận

"Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ" thắng lớn

Năm nay, Hội Xuất bản Việt Nam sẽ trao 38 giải sách hay (1 tặng thưởng đặc biệt, 2 giải Vàng, 9 giải Bạc, 15 giải Đồng và 11 giải Khuyến khích) cùng với 36 giải sách đẹp (3 Vàng, 7 Bạc, 10 Đồng, 11 Khuyến khích và 5 giải bìa đẹp). Trừ lĩnh vực văn học đã được Hội Nhà văn trao giải chuyên sâu nên Hội Xuất bản "tránh ra" cho khỏi trùng lặp, còn lại các lĩnh vực khác về sách, giải thưởng này đều bao quát hết.

Đương đầu với dư luận ảnh 1

Ông Nguyễn Kiểm - Chủ tịch Hội Xuất bản công bố giải thưởng Sách 2009

Dẫu tránh ra, nhưng vẫn không thể tránh hết được sự trùng lặp, đặc biệt là mảng sách Thiếu nhi. Vì thế, "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ" của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (đề cử giải thưởng 2009 Hội Nhà văn) vẫn được trao Giải Vàng sách hay của năm nay. Đây là một trong hai giải Vàng ít ỏi của lần tặng thưởng này.

Vì sao một số nhà xuất bản lớn không gửi sách tham gia giải thưởng? Đại diện Hội Xuất bản cho rằng đó là vì họ không thể tìm ra các đầu sách thực sự xứng đáng để gửi dự giải. Ngay chính các thành viên của Hội đồng chấm giải cũng nhiều người đau đáu với lĩnh vực thuộc NXB của mình nhưng quan điểm chung thống nhất là không có thì không trao.

Chính vì thế, điều lệ giải thưởng đề ra là không phân biệt sách tái bản hay công bố lần đầu, miễn là chưa gửi tham gia giải thưởng lần nào (có thể tham gia giải thưởng ở các hội khác); và sách phải được xuất bản cách thời điểm trao giải một năm (để các hội đồng có đủ thời gian xét duyệt) thì đều có thể tham gia Giải thưởng sách Việt Nam.

Không trao giải kiểu "vui vẻ cả làng"

Số lượng sách tham dự giải và chất lượng sách nói chung vẫn chỉ ở trên một mặt bằng ổn định nhưng ít có đỉnh cao. Vậy mấy chục giải trên con số mấy trăm đầu sách dự thi liệu có mang tính "chia đều" quá không?

Ông Nguyễn Kiểm - Chủ tịch Hội Xuất bản trả lời rằng tham gia chấm giải đều là các giáo sư tiến sĩ đầu ngành và là người thực sự làm nghề chứ không phải chỉ làm quản lý hoặc làm công tác xuất bản đơn thuần, như GS.TS - Viện sĩ Phạm Minh Hạc; GS Viện sĩ Nguyễn Duy Quý; GS.TS Chu Hảo; GS.TS Lê Hữu Nghĩa - Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc học viện Chính trị Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh; nhà văn Vũ Tú Nam, Ma Văn Kháng, Trần Đăng Khoa (mảng sách thiếu nhi)...  Thế nên họ khó tính, khắt khe. Họ không bao giờ đồng ý hình thức trao giải kiểu "vui vẻ cả làng".

Chẳng hạn như các cuốn thuộc lĩnh vực giáo dục đào tạo đoạt giải đều không phải sách của NXB Giáo dục, trong khi NXB này đóng góp rất nhiều tuyển chọn và ông Ngô Trần Ái - giám đốc NXB Giáo dục, ông Nguyễn Quý Thao (Tổng biên tập NXB) vẫn có mặt trong Hội đồng chung khảo.

Có sáu tiểu ban chấm giải nhưng chỉ có hai giải Vàng, còn lại các hội đồng đều thống nhất để trống sự tôn vinh cao nhất vì không tìm được những cuốn sách thật sự xứng đáng.  

Đương đầu với dư luận ảnh 2
"Tổng tập nghìn năm văn hiến Thăng Long"

Long đong nhất giải thưởng sách Việt Nam phải kể đến "Xuân Thì" - cuốn sách ảnh của nhiếp ảnh gia Thái Phiên. Ban đầu, cuốn này được dự kiến trao giải Vàng cho sách đẹp; sau đó khi hội đồng họp xong thì "tụt hạng" xuống giải Khuyến khích và đến khi công bố chính thức "Xuân Thì" không có tên trong bất cứ một hạng mục giải thưởng nào. Trả lời về vấn đề này, đại diện Hội Xuất bản cho biết "Xuân Thì" đã bị cơ quan chủ quản ở TP.HCM nhắc nhở, như vậy tức là vi phạm quy chế của cuộc thi cho nên không thể trao giải.

Cuốn sách của 1.200 tác giả biên soạn trong 8 năm

"Tổng tập nghìn năm văn hiến Thăng Long" (4 tập) dù gặp phải không ít sóng gió trước dư luận về những thông tin lạc hậu ngay tại thời điểm sách ra đời nhưng vẫn được trao tặng thưởng đặc biệt.

Lý giải cho sự việc này, ông Nguyễn Kiểm khẳng định rằng hội đồng đã đọc rất kỹ 4 tập của cuốn sách do 1.200 tác giả cùng viết và không có sự sai sót nào. Tính chất thay đổi của thông tin khiến nó trở nên lạc hậu là yếu tố không thể tránh khỏi, bởi cuốn sách đã được biên soạn trong suốt 8 năm ròng.

Thứ nhất là thông tin không sai, tri thức không lạc hậu, thứ hai là công sức của một số lượng người tham gia biên soạn quá lớn, quá công phu. Cuốn sách đã trở thành một bộ sưu tập đồ sộ về Hà Nội, được xuất bản đúng vào dịp chuẩn bị Đại lễ 1000 năm Thăng Long nên càng có ý nghĩa và rất đáng được tôn vinh.

Theo Hòa Bình (VNN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm