Ngàn năm tình sử: Nước mắt cho tiền nhân...

Khi mới khởi dựng, Ngàn năm tình sử đã gây xôn xao bởi thông tin nhà văn - tác giả Nguyễn Quang Lập và đạo diễn-NSƯT Thành Lộc sẽ xây dựng nhân vật Lý Thường Kiệt lẫy lừng của lịch sử dân tộc chỉ dưới góc nhìn con người và tình yêu. Đêm 17-7, vở kịch đã ra mắt khán giả, để lại nhiều giọt nước mắt của người hậu thế khóc cho tiền nhân 1.000 năm trước...

Khúc bi ca về Lý Thường Kiệt

Cảnh làng quê thanh bình, chàng trai Ngô Tuấn - Lý Thường Kiệt tựa lưng người yêu Thuận Khanh mơ màng thổi sáo khúc Lương Châu. Đôi trai gái đắm say nghĩ đến ngày hôn lễ.

Cảnh làng quê hiu quạnh, chàng trai trẻ Ngô Tuấn đảo điên, say khướt như móc tim gan, uất hận vì “vua lấy vợ mình”. Thuận Khanh đã bị bắt tiến cung.

Cảnh quân trung nghiêm lệnh, Ngô Tuấn bị đánh thừa chết thiếu sống bởi vô kỷ luật vì thất tình vẫn van nài cha nuôi là thái sư Lý Đạo Thành giúp mình lọt vào cung cấm để gặp mặt người yêu dù chỉ một lần. Sấm sét như nổi lên, rồi sân khấu chết lặng, Ngô Tuấn đồng ý tự hoạn làm thái giám để được vào cung cấm.

Cung cấm vàng son mà lạnh lẽo, 24 năm dài, quan thái giám nội thị Lý Thường Kiệt - Ngô Tuấn đêm đêm cô độc ngồi thổi khúc Lương Châu mong tìm được tông tích người yêu... Cảnh đường xa gió bụi, quan thái úy Lý Thường Kiệt bật khóc rưng rức vì không thể có được người yêu hạnh phúc được làm vợ chồng sau mấy mươi năm đợi chờ mòn mỏi, tóc nhuốm hoa râm...

Đại công cáo thành, triều chính vững chắc, nước non sạch bóng quân thù, ông nhìn lại mình, chẳng còn ai để tìm, chẳng biết đi đâu, chỉ còn mỗi người yêu hằng khắc cốt ghi tâm nhưng đã quy y cửa Phật... Ngô Tuấn - Lý Thường Kiệt bước một mình về phía dòng sông, gột rửa thân mình, gột rửa gánh nặng thế sự để được trở lại là chính mình - một Ngô Tuấn bình thường như bao người, muốn được sống, được yêu, được hạnh phúc trong tình yêu.

Cả cuộc đời riêng đầy bí ẩn của danh tướng Lý Thường Kiệt, vừa là một hoạn quan, vừa là một dũng tướng đã được Ngàn năm tình sử giải mã - hư cấu bằng những cảnh diễn như thế trên sân khấu. Nghệ sĩ Thành Lộc xuất thần với từng nét diễn biến hóa trong những cung bậc hạnh phúc, đau khổ tột cùng của tình yêu, nhất là chuyện tình ấy thuộc về một tiền nhân cả đời vì đại nghiệp của dân tộc.

Thành Lộc đã cống hiến cho sân khấu thêm một sáng tạo mới với cảnh đổ vò nước thật trên đầu như một sự rửa sạch nợ trần ai. Ảnh: HB
Thành Lộc đã cống hiến cho sân khấu thêm một sáng tạo mới với cảnh đổ vò nước thật trên đầu như một sự rửa sạch nợ trần ai. Ảnh: HB

Khi xã tắc làm đầu!

Không hoàn toàn như lời nghệ sĩ - đạo diễn Thành Lộc cho biết khi Ngàn năm tình sử chưa ra mắt: “Đây là vở kịch về tình yêu. Tôi làm kịch giải trí...”. Ngàn năm tình sử là một vở kịch lịch sử chính luận nhưng vẫn không thiếu những giá trị sáng tạo nghệ thuật vốn có.

Xen vào giữa mối tình của Ngô Tuấn - Lý Thường Kiệt và nàng Thuận Khanh xinh đẹp trong Ngàn năm tình sử là bối cảnh lịch sử triều Lý vừa theo chính sử vừa giả định.

Kịch nhắc lại bài học lịch sử khi xã tắc lâm nguy, từng con người nhận trọng trách rường cột của nước nhà buộc phải dẹp tình riêng, quyền lợi cá nhân để “đội xã tắc lên đầu”. Những lúc ấy, sân khấu bừng bừng một hào khí chống ngoại xâm với những màn vũ đạo múa cung kiếm của những đội quân tinh nhuệ vì nước vong thân. Cảnh mưa giăng sấm chớp, Lý Thường Kiệt - Thành Lộc đội mưa chứng tỏ tâm thành để mong vị thái sư Lý Đạo Thành bỏ qua hiềm khích cá nhân, trở về triều cùng chung tay chống giặc khiến người xem rưng rưng với tấm lòng, nhân cách của tiền nhân.

Và bi kịch nội tâm dữ dội của Lý Thường Kiệt có “quay đầu ngựa” để trở về triều bảo vệ nguyên phi Ỷ Lan, bảo vệ đất nước trước họa xâm lăng, đồng nghĩa với việc bỏ qua cơ hội có được người yêu cũng như chống lại người cha nuôi ông yêu quý hay không khiến người xem ngậm ngùi, thương cảm.

Trầm buồn nhưng thật bi hùng, Ngàn năm tình sử là một sáng tạo nghệ thuật đắt giá, một vở diễn đẹp về tình yêu và tinh thần yêu quê hương đất nước!

Những điểm nhấn thành công

Với Ngàn năm tình sử, một lần nữa nghệ sĩ Thành Lộc đã thể hiện được tài năng sân khấu bậc thầy của mình. Không cạn vốn nghề, sau Bí mật vườn lệ chi, anh lại cho ra những lớp dựng nhiều sáng tạo mới mẻ. Ngoài những lớp gây chú ý như cảnh cha nàng Thuận Khanh tiểu lên đống bạc, mỉa mai tên gian thương Lý đại gia, cảnh các cung nữ gõ trống hát dân ca trong cung của hoàng hậu Thượng Dương; cảnh cuối cùng Lý Thường Kiệt chèo xuồng qua sông và trút vò nước thật ào ạt trên mình như một sự gột rửa nợ trần là một cống hiến lớn của anh cho sân khấu.

Góp phần không nhỏ vào thành công và giá trị nghệ thuật cao của Ngàn năm tình sử là các yếu tố âm nhạc, phục trang và ánh sáng. Nghệ sĩ Thành Lộc đã dựng Ngàn năm tình sử đậm chất nhạc kịch và thể hiện được ý đồ dùng âm nhạc làm cầu nối đến trái tim khán giả. Bài hát Có một chút do nhạc sĩ Đức Trí sáng tác riêng cho Ngàn năm tình sử, qua sự trình bày giàu xúc cảm của chính Thành Lộc trong vai Lý Thường Kiệt, từng lúc thấm dần vào người xem, đưa khán giả rơi vào không khí của vở diễn “Sao đời cứ rắc rối/ Sao người cứ nơi đâu/ Sao tìm mãi chẳng thấy/ Ôi tình quá mong manh... Bơ vơ mãi bơ vơ”.

Phục trang của vở vừa sáng tạo vừa mang nét cổ trang của trang phục Việt, lạ hẳn so với bất cứ vở diễn nào. Và hiếm có vở diễn nào trên sân khấu hiện nay có đạo diễn ánh sáng riêng. Sân khấu khi lãng mạn với màu xanh của tình yêu hạnh phúc, khi tím thẫm nỗi buồn cô quạnh chốn cung son, lúc vàng mờ ảo khi dẫn đến chốn quyền lực hay chuyển đỏ với không khí chiến chinh...

Cùng với Lý Thường Kiệt của Thành Lộc, vai diễn Lý Đạo Thành của Hữu Châu, Thượng Dương hoàng hậu - Hoàng Trinh, Thuận Khanh - Thanh Thủy là những vai diễn nổi bật, làm nên thành công cho Ngàn năm tình sử.

HÒA BÌNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm