Ngày nay qua khu vực chợ Bà Chiểu, Lăng Ông Lê Văn Duyệt trầm mặc được nhiều người đến chiêm bái, ngưỡng vọng về vị khai quốc công thần có công với nhà Nguyễn và nhân dân Nam bộ đầu thế kỷ XIX.
Bia trong Lăng Ông Bà Chiểu chụp năm 1900.
Khai quốc công thần bậc nhất
Nói về Tả quân Lê Văn Duyệt, Điếu cổ hạ kim thi tập (Nguyễn Liên Phong) cho biết hình dung con người ông “nhỏ thó, thấp, vắn, có sức mạnh, tánh nết nhậm lẹ thông minh, gan ruột khí khái”. Sau này khi tham gia phụng sự chúa Nguyễn Ánh, với tài năng quân sự ông dần trở thành vị tướng giỏi nơi sa trường, góp nhiều công tích hiển hách vào sự nghiệp trung hưng của nhà Nguyễn.
Tân đính Nam quốc địa dư giáo khoa thư trong phần “Nhân vật” ngợi ca ông là người giỏi dùng binh.
Khi làm quan trong triều Gia Long, theo Điếu cổ hạ kim thi tập với tính nết ngay thẳng, khí chất toát lên ở vị quan họ Lê khiến “các tướng sĩ và các quan không dám ngước mắt lên mà ngó ngài”.
Ở thời bình, tài năng của Tả quân hiển hiện ở việc cai trị, chăm dân. Đại Nam thực lục cho hay sau khi đất nước thống nhất, vua Gia Long cắt đặt đơn vị hành chính. Trong buổi đầu cần sự ổn định, vua đặt ra Bắc thành, Gia Định thành và chức quan Tổng trấn thay vua quyền nghi trấn trị.
Gia Định thành do Tổng trấn Lê Văn Duyệt đứng đầu (hai lần: 1812-1815 và 1820-1832) mà Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca doNguyễn Liên Phong diễn thơ về những công tích ông để lại nơi đất này:
Ông Lê Văn Duyệt rất hay.
Phan An tọa trấn sửa xây kim thành.
Ban thờ Tổng trấn Lê Văn Duyệt trong Lăng Ông Bà Chiểu. Ảnh: TRẦN ĐÌNH BA
Ở đất Gia Định thành, Trương Vĩnh Ký góp lời đánh giá công lao của ông: “Khôn ngoan biết bao khi làm đại thần, cương quyết khi làm tướng, khéo léo và nghiêm khắc khi làm quan cai trị”. Và dẫn ra cái sự “khéo léo và nghiêm khắc” ấy đơn cử qua những án lệ dưới đây.
Án lệ Gia Định thành
Khoan nói về những việc bảo hộ Cao Miên hay dẹp loạn, an dân, ở đây ta bàn tới một số vụ án xử bất tuân luật lệ của vị Tổng trấn để thấy phần nào oai uy và sự nghiêm khắc của ông.
Bàn về vấn đề này, Nguyễn Văn Trung trong Hồ sơ về Lục châu họcghi: “Ông cho rằng bổn phận phải mở đầu cho việc làm Tổng trấn Gia Định bằng cách áp dụng nghiêm khắc và cứng rắn tối đa luật pháp chống lại các tội phạm hình sự”.
Trương Vĩnh Ký trong Ký ức lịch sử về Sài Gòn và các vùng phụ cận (Souvenirs historiques sur Saigon et ses environs) cũng cho hay khi trấn trị Gia Định thành, quan Tổng trấn “được quyền tiền trảm hậu tấu lên vua và thượng thư bộ Hình”. Sau này vua Minh Mạng cũng cho ông tùy nghi thăng giáng quan chức, việc trong trấn ngoài biên được tự quyết. Chính vì vậy, ông đã có những biệt lệ khi xử án. Việc được Ký ức lịch sử về Sài Gòn và các vùng phụ cận kể lại.
Xử tử tội nhân. (Ảnh tư liệu)
Một lần, ông chứng kiến kẻ trộm thó đồ là cuộn vấn giấy thuốc lá. Quan Tổng trấn liền lệnh bắt và chém đầu ngay tại chỗ mà không cần xét hỏi tên trộm.
Việc này theo Hồ sơ về Lục châu học lý giải là vì dạo ấy, Nam bộ mới qua nội chiến và ngoại xâm, đa số là lưu dân nhiều thành phần, trong đó có cả lưu manh. Giết tên trộm chính là tạo án lệ làm gương răn đe và tỏ thái độ kiên quyết trừng trị kẻ phạm tội để những tên đầu trộm đuôi cướp lấy đó làm sợ mà ngừng việc trái đạo.
Rồi dạo nọ có viên thư lại dưới quyền ông gặp chị bán hàng ở cổng thành. Hắn chọc ghẹo bằng cách để tay lên tráp trầu trên thúng bán hàng. Ngỡ kẻ cắp, chị bán hàng hô lên. “Viên thư lại bị bắt quả tang, bị chém đầu tức thì theo lệnh của Lê Văn Duyệt” và tin đồn vụ xử này lan khắp Nam Kỳ.
Tội bông đùa không đáng chết nhưng vị Tổng trấn thẳng tay trừng phạt. Việc này vừa là răn đe kẻ công bộc nhà nước phải ngay thẳng, không được lấn lướt hà hiếp dân. Sự việc này cũng thể hiện hành động không bao che tội lỗi cho thuộc cấp, không để cho kẻ dưới quyền mượn oai nhà nước mà ức hiếp dân lành, lờn mặt luật pháp.
Hình Tả quân Lê Văn Duyệt trên tờ tiền xưa.
Hai vụ án trên liên quan đến trộm cắp và dựa quyền, dẫu chỉ là những tội thường nhưng vị Tổng trấn nghiêm xử án tử đều là cách dùng để nêu gương cả.
Những hành động kiên quyết trong xử án cùng với tài năng cai trị của ông có kết quả rõ rệt, như lời Đại Nam liệt truyện đánh giá: “Lấy lợi trừ hại, dân tình yên ổn lắm”. Còn dân Nam bộ cho đến nay, vẫn nhớ tới ơn sâu dày của ông.