Tuyệt bút công phu

Năm nay ông Phạm Ngọc Thuận đã 76 tuổi, gác bút từ lâu vì mắt đã mờ. Ông sống một mình trong căn từ đường được xây dựng từ 1903 ở xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong (Bình Thuận) và hằng ngày chiêm nghiệm về một nghệ thuật do chính ông là người khai sinh nhưng lại không có hậu duệ!

Tác phẩm lòng người

Năm 1967, chân phải của ông Thuận bị gãy trong một vụ tai nạn nên không thể làm được việc nặng. Từ đó, với ngòi bút sắt “bắp chuối” (còn gọi là ngòi viết “lá bầu”) và mực Pelikan của Đức, ông Thuận bắt đầu viết thư pháp để giết thời gian, song càng viết ông càng mê quên cả ăn uống. Không những có tuyệt kỹ về thư pháp công phu, ông Thuận còn có cách vẽ tranh rất độc đáo bằng cách dùng bút sắt để chấm từng nét một. Có lẽ bức tranh Bác Hồ khổ 40 x 60 cm do ông Thuận sáng tác là bức tranh lạ nhất về Bác. Ngày 19-5-1977 ông bắt đầu chấm nét bút đầu tiên và đúng ngày 19-5-1980 bức tranh mới hoàn thành.

Ông Thuận kể vẽ râu Bác là khó nhất vì nét quá mảnh nên phải dùng kính lúp và phải mất ba năm mới vẽ xong hình Bác. Nhiều họa sĩ đều vẽ Bác tĩnh nhưng ông vẽ hình động và tinh ý mới thấy trong một bức tranh mà Bác ở ba trạng thái khác nhau: Bác nói, Bác nghe và Bác nghĩ! “Soi kính lúp trên đôi môi của Bác sẽ thấy dòng chữ nhỏ Không có gì quý hơn độc lập tự do; soi vào tai sẽ thấy dòng chữ Đời đời nhớ ơn Bác Hồ vĩ đại và soi lên trán sẽ hiện ra dòng chữ Trung với Đảng, hiếu với dân!”. Phông bức tranh chân dung Bác Hồ được ông Thuận thiết kế bằng lá cờ Tổ quốc. Nếu đưa kính lúp vào sẽ lần lượt đọc được đầy đủ tiểu sử, Tuyên ngôn độc lập, Nhật ký trong tù và Di chúc của Bác.

“Không tiền tuyệt hậu”

Nghệ thuật thư pháp công phu được chia làm hai cách: viết như in và viết chữ chừa trắng tô đen. Cách viết đầu tiên, muốn viết một trang 13 x 19 cm phải mất hết 10 ngày mới hoàn thành; còn cách viết thứ hai, để hoàn tất một trang ông Thuận phải mất đến gần ba tháng! Chọn cuốn Việt Nam danh nhân từ điển với độ dày hơn 1.000 trang, ông gò lưng nắn nót suốt 10 năm trời nhưng chỉ được nửa cuốn. Để cho ra một trang chép tay như in, ngoài việc tỉ mỉ nắn nót từng dấu chấm phẩy, từng chân chữ, ông Thuận còn phải chia cột, chừa lề sao cho thật thẳng và đều nhau. Theo ông Thuận, muốn thế phải vừa viết từ trái sang phải và viết thụt lùi như chữ Hán từ phải sang trái. Bởi thế những trang sách viết tay của ông Thuận luôn làm người xem kinh ngạc vì đều tăm tắp, không một lỗi nhỏ.

Tuyệt bút công phu ảnh 1

Một trang sách viết như in của ông Thuận (trái). Ông Thuận cầm cây viết có ngòi bút bắp chuối đã viết ra hàng chục trang viết khiến nhiều người kinh ngạc.

Chữ X làm ông khốn khổ nhất vì rất khó viết sắc nét trong cái kẻ của nó và phải mất nửa tiếng gò đi gò lại ông mới vừa lòng. Trong khi chữ t dễ viết hơn cả. Sau này khi những trang sách viết tay của ông Thuận được đưa đi triển lãm ở Sài Gòn, Đà Lạt..., nhiều người bái phục trước bút pháp như thần của ông và học giả Nguyễn Hiến Lê đã phải ghi nhận là “không tiền tuyệt hậu!”.

Chở chữ nghĩa rong chơi

Năm 1970, không hiểu bằng cách nào mà ông Mai Thọ Truyền - Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa của chính quyền Sài Gòn lại biết đến thư pháp công phu của ông Thuận nên có ý mời đưa tác phẩm vào Sài Gòn triển lãm. Tuy nhiên, số lượng trang sách lúc bấy giờ vẫn còn khiêm tốn và chưa đa dạng nên ông Thuận khất lần.

Trong thư đề ngày 25-11-1970, ông Mai Thọ Truyền đặt vấn đề: “Năm 1962, ở New York, tôi có thấy một cuốn thánh kinh viết tay theo lối chữ Gothique sắc sảo như in và xưa gần mười thế kỷ. Cuốn tự điển của em nếu đem vào thư viện quốc gia hay viện bảo tàng, về sau sẽ có cái giá trị quý báu như thế. Sẵn thư viện sắp hoàn thành, tôi có ý mua để đặt vào một chỗ trang trọng lưu về hậu thế và tôi đề nghị 1 triệu đồng…”. Ông Thuận chưa nhận được số tiền tương đương 50 cây vàng lúc bấy giờ vì chưa hoàn thành cuốn sách.

Đến năm 1973, ông quyết định chở chữ nghĩa của mình đi triển lãm theo lời mời của Hội Việt-Mỹ và Đại học Vạn Hạnh. Ngoài nửa cuốn Việt Nam danh nhân tự điển, ba trang thánh kinh viết tay bằng tiếng Pháp, hai lá bồ đề viết chữ bằng bút sắt, ông Thuận còn mang theo một số bức tranh do mình vẽ. Sinh viên Trường Mỹ thuật Gia Định, Viện Đại học Vạn Hạnh, Văn Khoa, Trường Y kéo nhau đến thưởng lãm. Ông Flood - Giám đốc Hội Việt-Mỹ Sài Gòn nhận định: “Người ta chỉ có thể phục sự kiên nhẫn vô biên của nghệ sĩ. Có lẽ công trình độc đáo của đời sống vị này chứa đựng một thông điệp triết lý nào chăng…” (nguyên văn tiếng Anh, Nguyễn Hiến Lê dịch). Còn Thượng tọa Thích Minh Châu - Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh thì ghi vào sổ: “Đây là một thiên tài đặc biệt và là một nghệ sĩ thật đáng lưu tâm để giới thiệu”.

Ông Thuận chọn cuốn Việt Nam danh nhân tự điển để viết vì đó là cuốn sách ông yêu mến và những nhân vật trong đó đều xuất chúng, có người đã đổ máu giành độc lập cho đồng bào mình. Hôm triển lãm, ông Flood chỉ vào bìa sách đọc to bằng tiếng Việt dòng chữ “Việt Nam oai hùng bất khuất” và hỏi ông Thuận: “Bất khuất là gì?”. Giữa rất đông người xem, ông Thuận đưa cái chân cà nhắc tiến lên một bước rồi trả lời: “Bất khuất là không chịu quỳ gối!”. Khán phòng lặng im một hồi và sau đó vỡ òa tiếng vỗ tay…

Giữ gìn tiếng Việt

Đọc sách, đọc báo thấy in sai chính tả, câu chữ què quặt là ông viết thư, lặn lội đến bưu điện gửi thư phản ánh, đề nghị nói lại cho rõ.

Một lần vào năm 2002, ông đến chợ Đồn ở Phú Trinh, Phan Thiết thấy bia địa chỉ đỏ “Nghĩa sĩ Cần Vương Cao Hành” viết hành quyết bằng “hành huyết”; “giành” thành “dành”, ông đã bất bình la lớn khiến bà con đi chợ hôm đó một phen lên ruột. Sau đó, ông tìm cách gặp chủ tịch tỉnh Bình Thuận để phản ánh và viết thư gửi đến Thành ủy TP Phan Thiết. Sau này khi đã sửa lại, Thành ủy Phan Thiết gửi thư cảm ơn, ông mới chịu thôi.

Theo ông, thư pháp không thể chỉ viết bằng bút lông. Những tác phẩm thư pháp của ông cái thì viết bằng ngón chân cái và có cái ông lại viết bằng bàn chải đánh răng! Ông Thuận nói ông rất thích giai thoại về nhà thư pháp Trương Húc đời Đường bên Tàu, vị này dùng cả đầu tóc chấm mực để viết một bức tranh để đời.

Tiếc thay, cơm áo, gạo tiền luôn đeo đuổi. Năm 2000, căn từ đường hơn 100 tuổi dột nát trầm trọng và có nguy cơ đổ sụp nên ông đành đổi tất cả tác phẩm của cả đời mình để lấy 2.000 USD sửa nhà. Bây giờ ông chỉ còn giữ lại vài trang của cuốn Việt Nam danh nhân tự điển và bức tranh Bác được chụp ảnh lại để lâu lâu lấy ra ngắm nghía, hoài niệm. Người đang sở hữu phần lớn tác phẩm của ông hiện ở TP.HCM. Mỗi khi thấy nhớ những đứa con tinh thần, ông liền đón xe đò vào ngồi hàng giờ bên những trang sách ố vàng.

Lấy cho tôi xem bức tranh đen trắng có tên Suy tưởng mà chỉ cần xem là muốn từ bỏ ngay thuốc lá, ông nói: “Tài sản duy nhất của tôi chỉ còn bức tranh này nhưng nếu ai mua được giá khoảng vài trăm USD, đủ tiền mổ mắt thì tôi sẽ bán”. Ông nói khi mắt đã sáng, ông sẽ dùng thư pháp viết một bài thơ mà nhà thơ Vũ Hoàng Chương đã tặng ông mấy chục năm về trước.

Tôi khẳng định từ nay và mãi mãi các thế hệ mai sau hiếm thấy có một ai có thể viết chữ sắc sảo như máy in hoàn toàn. Tôi phải dùng cái từ để ca ngợi một con người hiếm thấy và hiếm có hiện nay cũng như mai sau về sự chép sách bằng tay như photocoppie: Từ ấy đứng trên cái đẹp tầm thường, đó là từ TUYỆT.

Tôi tán thán nhà nghệ sĩ tài hoa đã khổ luyện cũng như khổ hạnh trong nhiều năm ngồi miệt mài khắc ghi và nắn nót từng chữ viết. Một sự kiên nhẫn, phi thường hiếm thấy.

Kính bái Học giả, dịch giả Giản Chi-Nguyễn Hữu Văn

PHƯƠNG NAM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm