Đến tham dự hội thảo “Văn học-nghệ thuật với việc xây dựng con người Việt Nam” do Hội đồng Lý luận phê bình văn học-nghệ thuật trung ương tổ chức tại TP.HCM vào sáng 4-10, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đặt vấn đề: “Tại sao kinh tế phát triển mà tội phạm vẫn tăng? Nếu kinh tế phát triển thì đời sống thay đổi, xã hội phải được nâng cao nhưng thực tế tội phạm nước ta đang ngày càng tăng và trở thành mối nguy hiểm cho xã hội”.
Đạo đức xuống cấp, văn học đang ở đâu?
Tại hội thảo, ông Đỗ Quý Doãn, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT, đã điểm lại một loạt vụ án giết người thảm khốc xảy ra liên tục gần đây ở Nghệ An, Bình Phước, Quảng Trị, Yên Bái, Gia Lai… mà kẻ thủ ác là những người rất trẻ, chưa có tiền án tiền sự nhưng hành động giết người rất dã man. Ông cũng chỉ ra các hiện tượng con cái ngược đãi cha mẹ, cha mẹ hành hạ con cái, vợ chồng đối xử với nhau tàn bạo, con người độc ác với con người vẫn diễn ra ở các vùng miền đất nước.
Theo ông, biểu hiện dễ thấy trong các hành vi tội ác nêu trên là sự thờ ơ, vô cảm trước những nỗi đau, mất mát với đồng loại. “Một lái xe chở hàng không may bị lật xe, hàng hóa đổ tung tóe trên đường, hàng trăm người không mảy may quan tâm đến tính mạng của người lái xe, sự lo âu vì hàng hóa thất thoát không được đền bù… Họ lao vào tranh giành nhau để hôi của mặc cho người lái xe van lạy xin được giúp đỡ, chia sẻ…” - ông Doãn nêu dẫn chứng cụ thể.
Nhiều đại biểu cũng lên tiếng báo động về tâm lý chạy theo việc thỏa mãn nhu cầu cá nhân, chỉ chăm chăm vào lợi ích của mình mà không xét đến ảnh hưởng đối với xã hội cũng là sự suy đồi đạo đức. Rau bẩn, thịt bẩn được phun, bơm bằng các chất nguy hại cho cơ thể con người nhưng người ta vẫn bất chấp.
Nhìn thẳng vào thực tế trên, GS Hoàng Chương cho rằng hiện nay các văn, nghệ sĩ không thực hiện tốt trách nhiệm của mình. Ông lưu ý: “Ngày xưa ra ngõ là gặp anh hùng, còn ngày nay ra đường thì sợ tai bay vạ gió do những kẻ xấu gây ra… Một hiện thực nhức nhối như vậy nhưng nhiều nhà viết kịch lại né tránh không dùng vũ khí ngòi bút của mình để bắn vào điểm đen, ngược lại chỉ hướng vào các đề tài xưa cũ, có người cứ gặm nhấm những trang sử nhàu mòn, khai thác những câu chuyện có tính giật gân, câu khách”.
Chủ tịch nước trao đổi với các đại biểu bên lề hội thảo. Ảnh: THẢO SÁCH
Nỗ lực uốn nắn lại nhân cách con người
Bàn về vị trí của văn hóa-nghệ thuật trong xã hội hiện nay, nhà phê bình Nguyễn Thị Nam đặt câu hỏi: “Những người làm văn hóa như chúng ta, trước hết cần nhìn lại chính mình và tác phẩm do mình viết ra. Những tác phẩm đó có sức lan tỏa không, có đến được với mọi người thuộc các tầng lớp trong xã hội hay không?”.
Dưới góc nhìn của người làm điện ảnh, đạo diễn Đặng Nhật Minh cho rằng thực tế phim ảnh, sách báo hiện nay cũng đang góp phần vào những biến tướng của đạo đức con người. Từng ngồi trong Hội đồng Thẩm định phim quốc gia, mỗi tuần phải xem 4-5 bộ phim, đạo diễn Đặng Nhật Minh bày tỏ: “Rất hiếm những bộ phim có tính nghệ thuật, giáo dục cao. Tuyệt đại đa số là những phim hành động bạo lực, miêu tả tội ác… Đại đa số phim nhập đó là những thứ rác rưởi, phế thải văn hóa mà người ta rước về với mục đích thu lợi bất chấp đạo lý...”.
Đau đáu trước môi trường sống đang ngày càng bị đe dọa, GS-TS Đinh Xuân Dũng cho rằng văn hóa - nghệ thuật phải trở thành một kênh quan trọng, thực hiện chức năng kép của mình, cả xây và chống trong sự nỗ lực để uốn nắn lại nhân cách con người.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Văn hóa phải thấm sâu vào toàn bộ đời sống Chủ tịch nước khẳng định Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng đến lĩnh vực văn hóa, xem văn hóa là nền tảng của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển đất nước. Trong thời kỳ chủ động hội nhập quốc tế, văn hóa sẽ góp phần tăng cường sự hiểu biết, mở rộng sự giao lưu hợp tác nhiều mặt giữa nước ta với các nước. Trong quá trình đó chúng ta phải rất cảnh giác việc xâm lăng văn hóa. Chủ tịch nước lưu tâm: “Cần chăm lo, quan tâm đến lĩnh vực văn hóa sao cho tương xứng với sự chăm lo về kinh tế, chính trị. Cần đặt văn hóa ngang hàng với sự phát triển kinh tế, chính trị… Để văn hóa trở thành động lực, giải pháp của mọi giải pháp thì chúng ta phải xây dựng các thế hệ con người phát triển toàn diện, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực của xã hội có chất lượng cao và chính vì vậy Đảng và Nhà nước ta đã nhiều lần nhấn mạnh văn hóa phải thấm sâu vào toàn bộ lĩnh vực của đời sống con người”. ________________________________________ 100 báo cáo tham luận tham gia hội thảo đã đặt ra những vấn đề liên quan đến thực trạng nhân cách trong xã hội hiện nay. Những giải pháp được nêu ra là đề cao trách nhiệm của văn nghệ sĩ trong việc xây dựng đạo đức, nhân cách, lối sống; đẩy mạnh công tác lý luận, phê bình; mở rộng sự phối hợp các ban, bộ, ngành hữu quan; đổi mới, bổ sung cơ chế, chính sách. |