Trước những biểu hiện của sự suy đồi các giá trị đạo đức, hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá lại vai trò, vị trí của VH-NT trong hoạt động định hướng đạo đức, nhân cách của con người.
Đồng chí Lê Khả Phiêu - Nguyên Tổng Bí thư BCH Trung ương ĐCS Việt Nam phát biểu tại hội thảo ngày 3-10. ẢNH: THANH TUYỀN
Đề cập đến những hiện tượng xảy ra trong thời gian gần đây, PGS-TS Nguyễn Hồng Vinh nhấn mạnh: “Cần dũng cảm thừa nhận một thực tế không vui là nhân cách, đạo đức xã hội hiện nay đang có xu hướng tha hóa ngày càng nghiêm trọng bởi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống… Những vụ án tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra với mức độ ngày càng tinh vi, những vụ giết người ngày càng cực kỳ man rợ, như ở Bắc Giang, Nghệ An, Yên Bái, Bình Phước, Gia Lai… gần đây khiến dư luận xã hội hoang mang, nhân dân bất bình, đe dọa trực tiếp trật tự, an toàn xã hội”.
Đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh cho rằng hội thảo được tổ chức kịp thời trước tình hình thực tế hiện nay. Theo ông, vấn đề giáo dục đóng vai trò quan trọng, tiêu chí giáo dục nhân cách con người phải được đặt ra hàng đầu. Trách nhiệm của VH-NT đóng vai trò quan trọng, trong xã hội ngày nay, lỗi của VH-NT cũng rất lớn. Ví dụ trong lĩnh vực điện ảnh. “Hội nhập không có nghĩa là hội nhập thứ văn hóa độc hại” - ông nhấn mạnh.
Nhìn thẳng vào thực tế rằng hiện nay các văn, nghệ sĩ không thực hiện tốt trách nhiệm của mình, GS Hoàng Chương lưu ý: “Ngày xưa ra ngõ là gặp anh hùng, còn ngày nay ra đường thì sợ tai bay họa gió do những kẻ xấu gây ra… Một hiện thực nhức nhối như vậy nhưng nhiều nhà viết kịch lại né tránh không dùng vũ khí ngòi bút của mình để bắn vào điểm đen, ngược lại chỉ hướng vào các đề tài xưa cũ, có người cứ gặm nhấm những trang sử nhàu mòn, khai thác những câu chuyện có tính giật gân, câu khách”.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến tham dự, phát biểu ý kiến và chụp ảnh kỷ niệm với các đại biểu tham dự hội thảo. ẢNH: THANH TUYỀN
Đúc kết từ ý kiến của các đại biểu tham gia, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao đổi: “Cần có nhiều những hội thảo như vậy để có thể bàn luận sâu hơn về vấn đề này. Các nhà văn, những người nghệ sĩ cần tích cực tham gia vào việc phản ảnh hiện thực xã hội”. Bên cạnh đó, Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh rằng cần xây dựng hệ con người phát triển toàn diện trên mọi mặt. Nghĩa vụ cao đẹp của văn hóa, văn nghệ là khơi dậy, là bồi đắp lòng yêu nước, ý chí tự lực tự cường, niềm tự hào, tự tôn dân tộc. “Để tiếp tục phát triển, hoàn thiện nền văn hóa chúng ta cần xây dựng thật tốt nền văn hóa chính trị, văn hóa kinh tế, văn hóa pháp luật, văn hóa lao động, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa giao tiếp, văn hóa thẩm mỹ, văn hóa sinh thái…” - Chủ tịch nước nên quan điểm.
Trước đó, sáng 3-10, trao đổi với hội thảo, Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cũng lưu ý: “Có nhiều cách để giáo dục nhân cách con người. Có thể dùng thiết chế văn hóa; dùng luật pháp, dùng giáo dục chính trị, dùng giáo dục đạo đức và kết hợp các nội dung đó với nhau. Trong các loại hình giáo dục đó, VH-NT chiếm một vị trú đặc thù”.
Sự kiện diễn ra tại TP.HCM từ ngày 3 đến 4-10. Ngày 3-10, hội thảo xoay quanh việc bàn luận về vấn đề nhân cách con người trong xã hội ngày nay. Hai phiên thảo luận thuộc hai lĩnh vực VH-NT được tổ chức với các nhà khoa học xã hội đầu ngành nhằm nhắc nhở trách nhiệm của VH-NT trong việc hình thành nhân cách con người. Đến sáng nay (4-10), hội thảo tổng kết kết quả thảo luận với sự tham gia của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và nhiều cá nhân, đơn vị đoàn thể khác.