Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết vào lúc 8 giờ sáng nay (3-10), vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,8 độ vĩ Bắc; 115,3 độ kinh Đông, cách quần đảo Hoảng Sa khoảng 410 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (tức từ 90 đến 100 km một giờ), giật cấp 11-12.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km và còn có khả năng mạnh thêm. Đến 7 giờ ngày 4-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,4 độ Vĩ Bắc; 111,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Nam bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (tức là từ 100 đến 135 km/giờ), giật cấp 14-15.
Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 8-10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11-12, giật cấp 14-15. Sóng biển cao 3-5 m. Biển động dữ dội. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km. Đến 7 giờ ngày 5-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 22,0 độ Vĩ Bắc; 108,0 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (tức là từ 75 đến 90 km/giờ), giật cấp 10-11.
Do ảnh hưởng của bão, từ chiều tối mai (4-10) vùng biển Bắc vịnh Bắc Bộ có gió mạnh 6-8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 11-12. Sóng biển cao 2-4 m. Biển động rất mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3. Từ đêm mai, ở các tỉnh Đông Bắc Bắc Bộ và vùng núi phía Bắc có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chậm theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5-10 km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp.
Trước đó vào chiều 2-10, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai họp trực tuyến triển khai ứng phó với bão Mujigae, cơn bão thứ tư ở biển Đông. Để ứng phó với bão Mujigae, Bộ Quốc phòng huy động hơn 67.000 cán bộ chiến sĩ, hai máy bay, 18 tàu, hơn 600 xuồng các loại, gần 1.200 ô tô cứu hộ cứu nạn.
Bộ đội biên phòng các tỉnh từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa hướng dẫn cho hơn 46.000 phương tiện, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh.
Phát biểu tại cuộc họp khẩn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát lưu ý cơn bão sẽ mạnh lên kèm theo mưa rất to. Bộ trưởng Phát đề nghị các địa phương không được chủ quan, đặc biệt là các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng và các tỉnh miền núi phía Bắc cần lên phương án ứng phó với lũ quét, sạt lở đất.
Cũng tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các địa phương sẵn sàng cho tình huống xấu nhất để hạn chế thiệt hại về người và tài sản. Tăng cường lực lượng ứng phó với những tình huống xấu có thể xảy ra. Đối với UBND tỉnh Quảng Ninh, Tập đoàn Than khoáng sản, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị cần nhanh chóng làm sạch các lòng dẫn, mở thêm kênh thoát lũ, hạ thấp bãi thải, tránh tình trạng sạt lở mưa lũ lịch sử như đợt vừa qua.