Tại Mỹ, hằng năm có đến vài trăm cơn lốc xoáy tàn phá các cộng đồng dân cư nằm dọc “hành lang lốc xoáy” trải dài từ dãy núi Rocky đến dãy núi Appalachian. Những bang bị ảnh hưởng nhiều nhất là Oklahoma, Kansas, Nebraska và Texas.
Việc xây dựng 3 bức tường thành khổng lồ ở hành lang này có thể ngăn được những hậu quả thảm khốc mà lốc xoáy gây ra. Dự kiến cao 300 m và dài đến 160 km, mỗi tường thành sẽ hoạt động như một dãy đồi, có khả năng giảm sức mạnh các cơn gió trước khi lốc xoáy có thể hình thành.
Đây chính là ý tưởng đầy tham vọng vừa được giáo sư Rongjia Tao thuộc Trường ĐH Temple (Philadelphia, bang Pennsylvania) trình bày tại hội nghị của Hội Vật lý Mỹ. Theo ông Tao, chi phí hoàn thành công trình nói trên ước tính vào khoảng 16 tỉ USD nhưng bù lại có thể giảm hàng tỉ USD thiệt hại do lốc xoáy gây ra mỗi năm.
Ông Tao thừa nhận các bức tường thành không đủ mạnh để ngăn chặn lốc xoáy khi chúng đang di chuyển. Thay vào đó, chúng có thể làm giảm sức mạnh của dòng khí nóng đến từ miền Nam và dòng khí lạnh đến từ miền Bắc trước khi chúng “chạm mặt” - được xem là nguyên nhân sinh ra lốc xoáy. “Ba bức tường thành này sẽ lần lượt nằm ở bang Bắc Dakota; dọc biên giới giữa hai bang Kansas và Oklahoma; trải dài từ miền Nam bang Texas đến bang Louisiana. Một khi hoàn thành, chúng sẽ giảm bớt các mối đe dọa về thiên tai ở hành lang lốc xoáy” - ông Tao nói và cho biết thêm đã phát triển các mô phỏng trên máy tính. Bước kế tiếp là thiết kế mô hình thật để thử nghiệm trong đường hầm gió.
Để chứng minh, ông Tao chỉ ra Trung Quốc chỉ có 3 cơn lốc xoáy được ghi nhận hồi năm ngoái, quá ít so với 803 trận ở Mỹ. Trung Quốc cũng có nhiều thung lũng đồng bằng trải dài từ Bắc xuống Nam nhưng điều khác biệt là chúng bị chia cách bởi các dãy đồi kéo dài từ Đông sang Tây. Dù chỉ cao vài trăm mét nhưng chúng có thể giảm bớt sức mạnh của các dòng khí trước khi chúng va chạm nhau.
Đối với nước Mỹ, ông Tao nhận định những vùng đất trồng trọt bằng phẳng ở bang Illinois đang đương đầu với mối đe dọa lớn từ lốc xoáy. Ông nói với đài BBC: “Hạt Washington của bang Illinois là một điểm nóng về lốc xoáy nhưng cách đó 100 km, hạt Gallatin hầu như không gặp hiểm họa này. Nhìn vào bản đồ, bạn sẽ hiểu ngay lý do: Gallatin có ngọn đồi Shawnee”. Theo ông, Shawnee đóng vai trò như một rào chắn cao 200-250 m để bảo vệ Gallatin.
Giáo sư Tao cho biết vẫn chưa tiếp cận các cơ quan chính phủ để trình bày ý tưởng nhưng một số nhà khí tượng học đang hoài nghi về hiệu quả của nó. Ông Harold Brooks, làm việc tại Phòng Thí nghiệm các cơn bão nghiêm trọng quốc gia, cho rằng lốc xoáy vẫn xuất hiện tại một số khu vực ở các bang Oklahoma, Arkansas và Missouri bất chấp có những dãy đồi to cỡ bức tường mà giáo sư Tao đề xuất.
Tương tự, giáo sư Joshua Wurman, một chuyên gia hàng đầu về lốc xoáy làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu thời tiết khắc nghiệt, nghi ngờ việc ngăn chặn các dòng khí là điều không tưởng, trừ khi các bức tường có quy mô cỡ dãy núi Alps (cao từ 2.000-3.000 m). Hơn nữa, ông cảnh báo xây tường thành ngăn chặn dòng khí sẽ khiến khí hậu thay đổi mạnh mẽ, dẫn đến những tác dụng phụ đầy thảm họa. Vì thế, theo ông, giải pháp tốt nhất không phải là loại bỏ lốc xoáy mà là cải thiện công tác dự báo để người dân đề phòng tốt hơn.