Trong lúc những đối thủ ở Đông Nam Á vẫn án binh bất động các giải vô địch quốc gia vì dịch COVID-19 và còn quá sớm để chuẩn bị SEA Games 2021 thì ông Park đã nhanh nhảu khởi động chiến dịch bảo vệ ngôi vua. Bản hợp đồng mới ba năm của ông thầy người Hàn Quốc có các mục tiêu vào vòng loại cuối cùng World Cup 2022, vô địch AFF Cup 2020 với đội tuyển quốc gia; còn đội U-22 phải vượt qua vòng loại U-23 châu Á 2022 và đặc biệt là bảo vệ ngôi vô địch SEA Games 31 tổ chức ở sân nhà.
Nếu như thầy Park có phần an tâm hơn với các tuyển thủ quốc gia bởi sự dày dạn kinh nghiệm của họ thì với tuyển trẻ, ông lo ngay ngáy vì tre già mà măng mọc chậm quá! Chính ông thú nhận thế hệ cầu thủ bây giờ không thể so sánh với lứa đàn anh ở những lò đào tạo trẻ nổi tiếng, nòng cốt ở HA Gia Lai hay Hà Nội.
Cũng cần biết khi gắn bó với bóng đá Việt Nam hồi cuối năm 2017, ông Park rất may mắn tiếp nhận một thế hệ cầu thủ giỏi từng chinh chiến ở vòng chung kết World Cup U-20 với HLV Hoàng Anh Tuấn. Cộng với thành phần chủ chốt có nhiều năm đá chung màu áo U-19 từ năm 2014 đã tạo ra một đội hình mạnh với những cái tên như trung vệ Bùi Tiến Dũng, Đình Trọng, Duy Mạnh, Đức Huy, Đoàn Văn Hậu, Quang Hải, Vũ Văn Thanh, Xuân Trường, Văn Toàn, Hồng Duy, Phan Văn Đức, Công Phượng, Hà Đức Chinh...
Ông Park lo lắng cho tuyển trẻ U-22 Việt Nam không có nhiều nhân tài. Ảnh: NGỌC DUNG
Thầy trò ông Park liên tiếp gặt hái những chiến tích, từ ngôi á quân U-23 châu Á đến sự bổ sung một vài đàn anh như Anh Đức, Văn Quyết, Văn Lâm, Quế Ngọc Hải, Hùng Dũng, Trọng Hoàng... để vào bán kết ASIAD 18, vô địch AFF Cup 2018, tứ kết Asian Cup 2019, lên ngôi SEA Games 31 đều bằng lực lượng chủ yếu này.
Gần ba năm qua, HLV Park Hang-seo gần như không có nhiều thay đổi về con người trên các đội tuyển, kể cả cách chơi, bởi họ quá nhuần nhuyễn với nhau. Nhưng sau mùa vô địch SEA Games 2019, rất nhiều cầu thủ đã qua 23 tuổi và buộc ông Park phải săn lùng tài năng mới để bảo vệ ngôi vua SEA Games năm sau.
Đáng nói là bóng đá Việt Nam thời điểm này hụt hẫng lứa kế cận rất lớn. Ông Park không còn cách tuyển quân nào khác ngoài việc tập trung cầu thủ dựa vào năm sinh (từ 1999 trở đi) chứ không phải căn cứ vào phong độ và trình độ chuyên môn. Đơn giản, hầu hết cầu thủ trẻ đều không có chỗ chơi trong các giải vô địch quốc gia. Ở thế bất đắc dĩ khác, ông thầy Hàn buộc lòng phải hội quân ngắn ngày trong nhiều đợt, mỗi đợt có khoảng ba ngày để chọn lọc nhân sự, cũng là giúp họ có điều kiện chơi bóng vì ngồi dự bị mãi ở CLB.
Vận may thừa hưởng những lứa cầu thủ giỏi của thầy Park đã qua. Giờ là lúc ông phải làm nhiều việc hơn cho thành công tiếp theo với bóng đá Việt Nam.
Bài toán chưa có lời giải của VFF HLV Park Hang-seo chỉ ra một nghịch lý cầu thủ trẻ lên tuyển quốc gia lại không có suất chơi trong màu áo CLB. Nguyên do, cầu thủ đàn anh giàu kinh nghiệm và ngoại binh chiếm hết chỗ đá trọng yếu trong đội hình. Ông thầy người Hàn từng kiến nghị VFF tạo điều kiện cho cầu thủ trẻ ra sân nhiều hơn (cùng với các tiền đạo nội) nhưng vẫn chưa tìm ra lời giải cho bài toán quá khó. Bởi ai cũng biết cầu thủ ngoại và nội binh từng trải mới có thể làm trụ cột cho các CLB. Việc lứa trẻ không thể cạnh tranh vị trí là tất yếu, vì thành tích là ưu tiên hàng đầu của đội bóng. |