Văn minh bệnh viện nhìn từ Bà Rịa

Trong khi đó, TP.HCM mới thực sự là nơi bệnh nhân và người nuôi bệnh cả nước đổ về. Họ có thể hy vọng được chăm lo tốt hơn?

Chiều 27-2, tại BV Bà Rịa, một cuộc khảo sát nhỏ với người bệnh và thân nhân cho thấy họ đều hài lòng về cơ sở vật chất, về trang thiết bị khám, chữa bệnh hiện đại cũng như sự phục vụ tận tình của đội ngũ y, bác sĩ nơi đây.

Đầu tư ngàn tỉ cũng không tăng viện phí

BV Bà Rịa có quy mô 700 giường được xây dựng trên diện tích đất rộng hơn 73.300 m2, thuộc phường Long Tâm (TP Bà Rịa). Bệnh viện bao gồm 11 khối nhà được thiết kế thành 37 khoa, phòng gồm 20 khoa lâm sàng, chín khoa cận lâm sàng và tám phòng chức năng. Bệnh viện được đầu tư hoàn toàn mới với nhiều trang thiết bị hiện đại như 50 máy chạy thận nhân tạo, máy chụp emprise, máy chụp CT scan 128 lát cắt, máy siêu âm bốn chiều… Tổng mức đầu tư toàn bộ công trình gồm hạ tầng và trang thiết bị gần 2.000 tỉ đồng.

Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, BS Nguyễn Văn Hương - Phó Giám đốc BV Bà Rịa nói: Một số bệnh nhân trước đây phải chuyển lên tuyến trên, nay tại BV Bà Rịa đã có thể xử lý nên tiết kiệm chi phí cho bệnh nhân rất nhiều. Để phát huy tốt máy móc, công năng và sử dụng đúng mục đích của các thiết bị, sắp tới BV Bà Rịa đã có kế hoạch mời các bác sĩ giỏi chuyên môn về bệnh viện “cầm tay chỉ việc” cho các bác sĩ của BV Bà Rịa. “Bệnh viện mới, hiện đại là vậy nhưng giá viện phí vẫn như cũ, là do mọi trang thiết bị đều do ngân sách tỉnh đầu tư. Đến nay chủ trương của tỉnh cũng như bộ là không tăng viện phí. Vì thế người dân đến khám, chữa bệnh tại BV Bà Rịa có thể yên tâm. Việc tăng viện phí nếu có xảy ra thì cần có lộ trình và phải còn lâu” - ông Hương khẳng định.

Ông Lê Doãn Hải (quê Thanh Hóa) ở tại nhà nghỉ dành cho thân nhân của BV Bà Rịa.

Quản lý kiểu Nhật, Hàn Quốc

Khu nhà nghỉ dành riêng cho thân nhân người bệnh nằm kế bên căn tin, được xây dựng rộng rãi, sạch sẽ, thoáng mát. Đây là khu nhà hai tầng với quy mô 140 phòng nghỉ, hệ thống nhà vệ sinh riêng, giặt đồ riêng biệt và các phòng nghỉ, trực của nhân viên bệnh viện. Mỗi phòng gồm bốn giường, đủ rộng để có thể kê thêm khi số lượng thân nhân người bệnh tăng. Trong phòng cũng được trang bị quạt, máy lạnh, tủ, nhà vệ sinh riêng, tường một bên bằng kính, cửa mở ra lan can riêng bên ngoài.

Từ ngày 15-2, khu nhà nghỉ được đưa vào chính thức phục vụ. Chị Nguyễn Thị Như Lan, nhân viên phục vụ tại khu nhà nghỉ, cho biết: “Chúng tôi cũng như lực lượng bảo vệ chia ca trực liên tục. Khi thân nhân người bệnh đăng ký ở, nhân viên trực sẽ ghi tên vào sổ theo dõi. Đồng thời sẽ tiếp nhận điện thoại của các khoa và thông báo tới người nhà bệnh nhân khi cần liên hệ. Đến tối, cứ khoảng hai tiếng đồng hồ, bảo vệ sẽ đi kiểm tra toàn khu nhà một lần nên an ninh ở đây rất đảm bảo. Bước đầu bệnh viện phục vụ người nhà bệnh nhân hậu phẫu và khoa Hồi sức Tích cực-Chống độc. Toàn bộ đều miễn phí và người nhà bệnh nhân rất hài lòng”. Được biết sắp tới các tiện nghi khác như điện thoại nội bộ, tivi, máy nước nóng lạnh cũng sẽ được đưa vào hoạt động. Đồng thời, nhà nghỉ sẽ phục vụ người nhà bệnh nhân ở tất cả khoa. Trên cơ sở chủ trương của tỉnh, phương án thu phí được đưa ra nhưng giá sẽ rất thấp, chỉ đủ để đảm bảo chi phí điện, nước.

Gia đình ông Lê Doãn Hải (64 tuổi, quê huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) gồm năm người là một trong số gia đình các thân nhân ở đây, từ khi nhà nghỉ được đưa vào sử dụng. Con trai ông Hải - anh Lê Doãn Tiến là công nhân ở trọ tại Mỹ Xuân, huyện Tân Thành. Tối 10-2, anh Hải lấy xe máy đi mua thêm rau thì bị tai nạn, chấn thương rất nặng sau đó được chuyển lên BV Bà Rịa cấp cứu. Ngay hôm sau, gia đình ông Doãn từ Thanh Hóa vào BV Bà Rịa để chăm anh. Ông Hải không giấu nổi niềm xúc động, kể: “Gia đình tôi làm nông, hoàn cảnh khó khăn. Khi ở đây chúng tôi được bệnh viện bố trí riêng một phòng để ngủ nghỉ lại, điều kiện sinh hoạt, vệ sinh cũng như an ninh rất tốt. Buổi tối cửa phòng không đóng do người nhà bệnh nhân khác ra vào thường xuyên mà vẫn không hề bị mất mát tiền bạc, đồ đạc. Hiện sức khỏe con tôi rất yếu, phải thở bằng máy, uống sữa qua ống nhưng gia đình, các bác sĩ vẫn không ngừng hy vọng, tận tâm chữa trị”.

Về cách thức duy trì lâu dài thái độ phục vụ tận tình của nhân viên cũng như sự khang trang và sạch đẹp của bệnh viện như hiện nay, ông Hương cho hay: “Chúng tôi đang chuẩn bị sang tham khảo, học hỏi kinh nghiệm quản lý của các bệnh viện tại Nhật, Hàn Quốc để quản lý BV Bà Rịa. Đồng thời, chúng tôi nhắc nhở đội ngũ nâng cao chất lượng, thái độ để phục vụ, chăm sóc người dân một cách tốt nhất”.

Bệnh viện tại TP.HCM: Sống chung với quá tải, nóng, hôi và… kẻ gian!

Quá tải là tình trạng chung của nhiều bệnh viện tại TP.HCM. Hai, thậm chí ba bệnh nhân nằm cùng một giường, giường bệnh nằm ngoài hành lang… vốn là “chuyện thường ngày ở huyện”. Thái độ phục vụ của đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý, tạp vụ cũng… hên xui. Vậy mới đem đến nỗi khổ không ít người nhà phải dấm dúi lót tay cho đội ngũ này.

Trên địa bàn TP.HCM, Chợ Rẫy là bệnh viện hiếm hoi có nhà nghỉ dành cho thân nhân người bệnh. Tuy nhiên, chúng tôi không khỏi giật mình khi bước vào khu vực này vào sáng 27-2.

Đó là khu nhà nghỉ được xây dựng tạm bợ bằng khung sắt và tôn nên nóng hầm hập. Một bên là dãy giường chật kín người nằm. Trên vách treo lổn ngổn vật dụng, dưới đất nhét đầy đồ dùng cá nhân. Một bên là dãy ghế đá người ngồi xen lẫn người nằm. Ban đêm ghế đá là “giường ngủ” của hàng chục người. Một số người bày biện thức ăn ngay trên giường. Hơi nóng và mùi cá, canh tạo nên không khí ngột ngạt, khó chịu.

Gương mặt mệt mỏi, bà Lê Thị Thương (55 tuổi, ở Bến Tre) vẫn gượng ngồi quạt cho con gái Nguyễn Thị Thu Vân (23 tuổi) đang nằm lim dim. Mang khối u trong người, qua hai lần mổ nên Vân ốm yếu, xanh xao. Sau khi ăn tết, từ mùng 6 Vân lên BV Chợ Rẫy tiếp tục xạ trị nên bà Thương khăn gói theo con để chăm sóc. “Tôi may mắn đăng ký được giường nằm nên tối có chỗ cho con gái ngả lưng, còn tôi ngủ dưới đất. Mà nào có ngủ được đâu. Muỗi đàn bay ù ù, chuột chạy tứ tung, gián bò lên người… Đắp mền vừa ngộp vừa nóng, lăn qua lăn lại giữa đêm tôi mới chợp mắt được chút” - bà Thương than thở. Bà Thương còn kể mỗi lần đưa con vô phòng xạ trị là phải mang theo hai giỏ xách lùm đùm đồ dùng cá nhân. “Đem đồ đạc theo rất vướng víu nhưng tôi không dám để trong phòng nghỉ. Sơ hở chút là bị mất cắp như chơi. Mới hôm qua gần giường tôi có người bị mất tiền” - bà Thương nói.

Anh thanh niên tên Nguyễn Văn Hiền (Bình Thuận) đang chăm sóc người thân bị chấn thương sọ não do tai nạn giao thông trước tết. Do không có giường nên anh Hiền chọn ghế đá đặt trong nhà nghỉ dành cho thân nhân người bệnh làm nơi ngả lưng. “Khổ lắm anh ơi. Chúng tôi tiền bạc đâu nhiều nên nhín nhút từng đồng, vậy mà hở tí là tiền. Mỗi lần tắm rửa, đi vệ sinh, rửa chén bát hoặc giặt giũ là tốn 2.000 đồng. Sạc pin điện thoại tốn 5.000 đồng mà sạc đâu có đầy”.

Tất cả thân nhân người bệnh chúng tôi tiếp xúc đều mong muốn BV Chợ Rẫy xây dựng nhà nghỉ dành cho thân nhân đàng hoàng, tươm tất. Anh Hiền cho rằng thân nhân người bệnh nếu được ở trong nhà nghỉ đầy đủ điện, nước, riêng rẽ vừa không sợ mất cắp vừa giúp những người nghèo như anh khỏi tốn một khoản chi phí điện, nước đáng kể. “Tôi thấy BV Chợ Rẫy có trưng bày dự án nhà nghỉ dành cho thân nhân bệnh nhân, không biết khi nào thành hiện thực” - anh Hiền thắc mắc.

TRẦN NGỌC

TS-BS NGUYỄN ĐÌNH PHÚ, Phó Giám đốc BV Nhân Dân 115 TP.HCM:

Ưu tiên xây thêm phòng cho bệnh nhân khi quỹ đất có hạn

“Sắp tới BV Nhân Dân 115 có kế hoạch xây dựng mới khu kỹ thuật cao. Do quỹ đất có hạn nên bệnh viện chưa thể xây dựng nhà nghỉ dành cho thân nhân người bệnh. Tuy nhiên, một nhà nghỉ tươm tất dành cho thân nhân người bệnh là vấn đề cần thiết mà BV Nhân Dân 115 sẽ nghĩ tới trong tương lai.

Có một điều cần quan tâm, trách nhiệm của các bệnh viện là chăm sóc và điều trị bệnh nhân, cho nên cần cố gắng giảm tải và không để nhiều bệnh nhân nằm cùng một giường. Vì vậy theo tôi, nếu có quỹ đất thì các bệnh viện sẽ ưu tiên xây dựng thêm phòng cho bệnh nhân, khu vực khám, chữa bệnh, khu kỹ thuật cao. Nếu giảm tải bệnh nhân thì số lượng thân nhân người bệnh đi cùng cũng sẽ giảm theo”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm