Vấn nạn trẻ em ăn xin: Sẽ báo cáo Quốc hội

Sau những bài báo về vấn nạn trẻ em ăn xin ở TP.HCM đăng trong hai ngày vừa qua, anh Trần Duy Hòa, cựu nhân viên giáo dục thuộc Hội Bảo trợ trẻ em TP.HCM, cho biết: Trong 10 năm tiếp cận và giúp đỡ các em bé bị chăn dắt ăn xin, anh nhận thấy các em bé đều có những vấn đề tâm lý nghiêm trọng. Nhiều em đã cố ý tự làm đau bản thân, muốn tự sát. Một số em khác trở nên vô cảm, bất chấp, mất niềm tin vào cuộc sống.

Do đó anh Hòa rất ấn tượng và khâm phục bé A., một cậu bé đã rời khỏi đường dây ăn xin để đi lượm ve chai.

Chật vật làm lại cuộc đời

Sau đó A. được đưa vào Mái ấm Tre Xanh, em đã được ăn học cho đến khi học nghề, đi làm. Một số bạn trẻ khác cũng giống A., đã lấy lại được cuộc đời mình. Trong số đó, có bạn trẻ học nghề xong đã quay lại làm việc cho mái ấm. Tuy nhiên, có một thực tế là các bạn trẻ dù đã có việc làm, có cuộc sống ổn định nhưng họ vẫn gặp một số vấn đề tâm lý. Các em không ai muốn nhắc lại quá khứ của mình, xem đó là một nỗi đau không muốn chạm đến.

Trong khi đó, nhiều phụ huynh vẫn xem đây như là một nghề. Khi tiếp xúc với những người làm công tác xã hội (CTXH), họ luôn lấy lý do nghèo khó để biện minh cho việc đưa con em đi ăn xin. Họ không quan tâm đến những tổn thương ghê gớm mà những đứa trẻ phải chịu đựng hoặc nếu đứa trẻ đó thích nghi luôn với cuộc sống đường phố, chúng không thể quay lại cuộc sống bình thường.

Nhân viên công tác xã hội tiếp cận trẻ ăn xin. Ảnh: HM

Phát triển nguồn lực công tác xã hội

ThS Nguyễn Thị Oanh, Trưởng khoa CTXH, Phân hiệu Học viện Phụ nữ tại TP.HCM, chia sẻ chị đã cố gắng khước từ những em bé ăn xin trên đường. Con của chị hỏi mẹ: “Tại sao mẹ không giúp đỡ bạn?”. Chị cho biết: “Tôi bối rối với con. Giải thích cho một đứa bé còn nhỏ hiểu hết câu chuyện là rất khó. Nhưng nếu cho tiền trẻ ăn xin là đi ngược lại nguyên tắc hoạt động của những người làm CTXH. Điều khiến tôi đau lòng là nhân cách của bọn trẻ đã bị chà đạp. Các bé phải quỳ gối, cúi đầu, van xin người khác để xin tiền. Nếu không giáo dục, nâng đỡ để lấy lại được nhân cách cho bọn trẻ, tương lai các em là vô vọng”.

ThS Nguyễn Thị Oanh cũng cho rằng giải quyết vấn đề trẻ em ăn xin chỉ dùng biện pháp hành chính như lâu nay là bất khả thi. Chị Oanh cho rằng cần giúp gia đình các em bé thay đổi nhận thức về quyền trẻ em và có phương án tự lực sinh kế. Muốn làm như vậy, địa phương phải sát sao trong việc quản lý nhân khẩu, đồng thời phát triển nguồn lực nhân viên làm CTXH, những nhân viên này sẽ tiếp cận và có những tác động lâu dài với các gia đình.

Bên cạnh đó, ThS Nguyễn Thị Oanh kiến nghị các cơ quan chức năng phải thay đổi cách chế tài, phải phạt thật nặng những kẻ chăn dắt.

Luật đã có nhưng khó triển khai

Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, TS luật Cao Vũ Minh, giảng viên ĐH Luật TP.HCM, cho rằng: “Theo tôi, mức phạt hiện nay là không hề thấp, vấn đề là ở khâu triển khai thực hiện mà thôi”. Theo TS Minh, Nghị định 144/2013/NĐ-CP đã quy định là phạt tiền 10-15 triệu đồng đối với hành vi tổ chức, ép buộc, cho thuê, cho mượn trẻ em để ăn xin. Bên cạnh bị phạt tiền, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục là phải nộp lại số lợi bất hợp pháp do trẻ ăn xin đem về.

TS Cao Vũ Minh nhấn mạnh: “Mức phạt như kể trên tôi cho là đủ tính răn đe. Nhưng vấn đề là hiện nay không có cách nào biết được một ngày các em bé xin được bao nhiêu tiền, họ đã sử dụng các em trong bao lâu. Chúng ta không có công thức, không có phương pháp tính ra số lợi bất hợp pháp để thu hồi. Do đó khó mà phạt được những kẻ chăn dắt dù chúng có thể  dùng khoản lợi này mua ô tô, nhà đất”. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng có thể ra quyết định xử phạt nhưng không thi hành được vì những người đưa trẻ đi ăn xin không chịu đóng phạt, họ cũng không có nơi cư trú cụ thể để cưỡng chế thi hành nộp phạt.

Một vấn đề khác là thẩm quyền xử phạt đang bị hạn chế. Thẩm quyền xử phạt những người đưa trẻ em đi ăn xin chỉ thuộc về những người sau đây: Chánh thanh tra Sở LĐ-TB&XH, giám đốc Công an TP.HCM, chủ tịch UBND TP và 24 chủ tịch các quận/huyện. TS Minh nói: “Tính ra là chỉ có 27 chủ thể có thẩm quyền xử phạt thôi. Trong khi những vị lãnh đạo này có rất nhiều công việc phải giải quyết, tôi cho rằng họ dù cố làm hết trách nhiệm cũng khó mà có đủ thời gian xử lý cho xuể”.

“Chúng tôi sẽ báo cáo Quốc hội”

Trong tháng 8, chúng tôi đã có những buổi làm việc với một số quận/huyện về tình hình thực hiện Luật Trẻ em và được báo cáo về tình hình trẻ ăn xin trên địa bàn TP. Sắp tới chúng tôi sẽ có các buổi làm việc với Sở LĐ-TB&XH và các sở, ngành về nội dung này. Sau đó, chúng tôi sẽ có báo cáo cùng với những kiến nghị cụ thể với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan để giải quyết vấn đề này.

Sau các buổi làm việc với cơ quan chức năng trong thời gian tới, chúng tôi sẽ có kiến nghị mức xử lý phù hợp với những người đưa trẻ em đi ăn xin để đảm bảo việc xử lý cũng là một giải pháp hữu hiệu ngăn chặn việc đưa trẻ em đi ăn xin.

Bà VĂN THỊ BẠCH TUYẾTPhó Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM

Cần đa dạng hóa các hình thức xử phạt

Phải tăng cường khâu thi hành và đa dạng hóa các hình thức xử phạt. Cần có phương cách để điều tra, thu hồi tài sản của những người chăn dắt thì sẽ đủ sức răn đe. Riêng việc xử phạt hành chính, nếu họ không nộp phạt thì phải bị đi lao động công ích một thời gian.

TS CAO VŨ MINHgiảng viên ĐH Luật TP.HCM 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới