Vẫn phải cân nhắc giảm 50% khi rút BHXH một lần

(PLO)- Sau gần một tháng công bố dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), Bộ LĐ-TB&XH đã nhận được nhiều góp ý của các bộ, ngành về quy định rút BHXH một lần, giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu, trợ cấp hưu trí…

Theo Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, hưởng BHXH một lần là quyền lợi chính đáng của người tham gia BHXH. Tuy nhiên, số lượng người lao động (NLĐ) rút BHXH một lần có xu hướng tăng như vừa qua là rất đáng lo ngại.

Ý kiến khác nhau về rút BHXH một lần

Số liệu thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy giai đoạn 2016-2021 cả nước có hơn 4 triệu NLĐ đề nghị và được giải quyết hưởng BHXH một lần. Như vậy, bình quân mỗi năm có gần 700.000 người hưởng BHXH một lần, số lượng năm sau luôn cao hơn năm trước, tốc độ tăng trung bình 11,6%/năm.

Hiện dự luật BHXH đưa ra hai phương án nhận BHXH một lần. Trong đó, phương án 1 giữ nguyên như quy định hiện hành; phương án 2 nhận tối đa 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất, thời gian còn lại được bảo lưu để NLĐ hưởng chế độ BHXH khi đủ tuổi nghỉ hưu.

Nhân viên BHXH Việt Nam giải thích các chính sách về BHXH cho người lao động.
Ảnh: V.LONG

Với phương án 2, Tổng LĐLĐ cho rằng cần phải nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng do việc này rất nhạy cảm. “Phần đông NLĐ cho rằng chính sách này gây bất lợi với họ, nhất là gần đây có những điều chỉnh khác như tăng tuổi nghỉ hưu, tăng thời gian tham gia BHXH để được hưởng mức lương hưu tối đa...” - Tổng LĐLĐ Việt Nam nêu quan điểm.

Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng quy định sau 12 tháng không tham gia BHXH bắt buộc hoặc tự nguyện mới cho nhận BHXH một lần là không phù hợp, đề nghị xem xét xuống còn khoảng ba tháng.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam lại đồng thuận với phương án chỉ cho rút 50%, còn lại được bảo lưu để NLĐ hưởng chế độ BHXH khi đủ tuổi nghỉ hưu là hợp lý. Trường hợp nếu NLĐ rút BHXH một lần toàn bộ số tiền đã đóng thì sau này muốn tham gia lại để hưởng các chế độ BHXH, họ sẽ phải “làm lại từ đầu”.

“NLĐ gặp khó khăn có thể rút một phần tiền đã đóng góp để giải quyết cuộc sống trước mắt, phần còn lại ngoài tiếp tục được “bảo hiểm” cũng là để ngỏ cơ hội cho họ khi có điều kiện quay lại tiếp tục đóng góp…” - Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam góp ý.

Đồng thuận đóng BHXH 15 năm

Về giảm năm đóng BHXH để hưởng lương hưu từ đủ 20 năm như hiện nay xuống còn 15 năm, Tổng LĐLĐ Việt Nam khẳng định sửa đổi như trên là phù hợp với quan điểm, đường lối của Đảng về cải cách chính sách BHXH và phù hợp với nguyện vọng của số đông NLĐ.

“Luật hiện hành quy định 20 năm đóng BHXH là khá dài, dẫn đến người tham gia không tích lũy đủ thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu, nhiều người không đủ kiên nhẫn nên rời khỏi hệ thống BHXH. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến số người hưởng BHXH một lần lớn và có xu hướng tăng nhanh…” - Tổng LĐLĐ nhận định.

Đồng thời, cơ quan này cũng cho rằng cách tính mức lương hưu dựa trên thời gian và mức tiền lương, thu nhập làm căn cứ đóng BHXH, giảm thời gian đóng BHXH sẽ làm xuất hiện thêm nhiều người có mức lương thấp. Đây là điều mà nhiều NLĐ đang băn khoăn và đề nghị có chính sách tăng tính chia sẻ cho những người có lương hưu quá thấp.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhất trí với chính sách giảm năm đóng BHXH còn 15 năm do phù hợp với thực tế, thu hút thêm nhiều người tham gia BHXH. Cạnh đó, giảm thời gian đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí sẽ có lợi đối với lao động nữ và NLĐ ở khu vực phi chính thức - chiếm tỉ lệ lớn việc làm trong thị trường lao động.

Về đề xuất NLĐ không nhận BHXH một lần và không đủ năm hưởng lương hưu sẽ được nhận trợ cấp hưu trí, Tổng LĐLĐ Việt Nam đồng thuận vì hiện nay cả nước có trên 5 triệu người cao tuổi không được hưởng trợ cấp hằng tháng, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Còn Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đánh giá trợ cấp hưu trí là cơ hội giảm số người hưởng BHXH một lần và giúp đạt mục tiêu mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách này.

Chiều 5-4, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã lấy ý kiến cán bộ công đoàn về dự luật BHXH. Sau khi thảo luận, Tổng LĐLĐ Việt Nam thống nhất với việc xác định hệ thống BHXH đa tầng với tầng thứ nhất là trợ cấp hưu trí xã hội. Trong đó, ngân sách nhà nước cung cấp một khoản bảo đảm về thu nhập cho người cao tuổi không có lương hưu hoặc BHXH hằng tháng. Ngoài ra, cần quy định các chính sách huy động các nguồn lực xã hội đóng thêm để đối tượng này có mức hưởng cao hơn.

Về bổ sung các nhóm tham gia BHXH bắt buộc, Tổng LĐLĐ băn khoăn về tính khả thi bởi chủ hộ kinh doanh là cá thể, là đối tượng thuộc khu vực phi chính thức, không làm việc theo hợp đồng lao động, không được trả lương; có chủ hộ thuê mướn, sử dụng lao động nhưng cũng có chủ hộ kinh doanh không sử dụng lao động...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới