Hiện nay, nhiều công ty cao su ở khu vực Đông Nam bộ đối diện với thực trạng thiếu lao động thường xuyên, thậm chí đã có công ty phải lên tận vùng cao Hà Giang để tuyển lao động mới có thể đáp ứng được nhu cầu sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng giám đốc Công ty cao su Bình Thuận, cho biết giá cao su hiện đang rất tốt đã giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh của công ty. Tuy nhiên, hiện nay khó khăn nhất vẫn là thiếu lao động cho việc khai thác mủ cao su.
Với cao su, cạo mủ ở chế độ D3 (3 ngày cạo một lần) là hiệu quả nhất về năng suất, nhưng do thiếu người nên công ty phải chuyển chế độ cạo sang D4, thậm chí D5.
Theo ông Nguyễn Minh Đoan, Chủ tịch HĐQT Công ty cao su Bà Rịa, từ năm 2017 đến nay, số lượng công nhân khai thác trực tiếp ở vườn cây luôn thiếu hụt, ước tính mỗi năm thiếu từ 200-300 người.
Công ty phải cho tiến hành chế độ cạo mủ D4 do thiếu người. Ngoài ra, các vườn cây đến tuổi khai thác thì sẽ cho đấu thầu và khoán bên ngoài để bù đắp thiếu hụt lao động.
Dù thu nhập trên 10 triệu/tháng và hưởng đầy đủ các chính sách lao động theo quy định, nhưng nhiều công ty cao su không thể tuyển dụng được lao động. Ảnh: Phương Minh |
"Thu nhập hiện nay của mỗi công nhân cao su trên 10 triệu đồng, cũng như được hưởng đầy đủ các chính sách theo quy định, nhưng chúng tôi không làm sao tuyển đủ người. Nguyên nhân, nhân lực cao su đang bị cạnh tranh với các nhà máy tại các khu công nghiệp trong khu vực. Giới trẻ thích làm trong các nhà máy sạch sẽ, hiện đại hơn là làm nông nghiệp vất vả dù thu nhập tương đương nhau" - ông Đoan nói.
Tổng Công ty cao su Đồng Nai đang quản lý diện tích 34.000 héc ta vườn cây cao su, doanh nghiệp lớn nhất trong Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam cũng đang chịu nhiều sức ép về việc thiếu lao động.
Theo ông Nguyễn Thế Hựu, Chủ tịch công đoàn Tổng Công ty Cao su Đồng Nai, gần như rất khó tuyển lao động tại chỗ vì họ bị sức hút vào làm việc tại các khu công nghiệp. Thậm chí công ty từng mở rộng tuyển dụng người lao động tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long cũng không thành công.
Do đó, Cao su Đồng Nai đã quyết định tìm hướng đi khác. Đó là lên Hà Giang tuyển dụng lao động. Chương trình này đã mang lại nhiều thành công và đang được nhiều công ty cao su khác tìm đến học tập.
Khu nhà lưu trú cho bà con người Hà Giang làm việc tại Tổng Công ty cao su Đồng Nai. Ảnh: Phương Minh |
"Bà con mới vào làm việc gần như tay trắng. Chúng tôi bố trí chỗ ăn ở miễn phí để ổn định cuộc sống. Sau đó tập huấn vài tháng là mọi người làm việc rất tốt, nhờ vào việc họ đã quen làm nông nghiệp. Chỉ sau vài năm, mọi người đã có thu nhập rất tốt, có tiền gửi về cho gia đình xây nhà, mua đất, mua xe" - ông Hữu cho biết.
Theo ông Hữu, công ty đang có gần 1.000 người Hà Giang làm việc đã giúp bù đắp việc thiếu hụt lao động. Để giữ chân người lao động làm việc lâu dài, mỗi năm đến Tết, công ty bố trí xe đưa bà con về đến tận nhà và sau Tết cho xe đón về công ty làm việc.
Hiện nay, tại khu vực cao su Đồng Nai đã hình thành nhiều khu nhà lưu trú của người Hà Giang. Mọi người sống đoàn kết, chan hòa và rất chăm chỉ làm việc.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu 1,955 triệu tấn cao su, đạt giá trị kim ngạch 3,278 tỉ USD. Sau 10 năm, xuất khẩu cao su mới quay trở lại mốc 3 tỉ USD. Việt Nam là quốc gia đứng thứ 3 thế giới về sản lượng cao su tự nhiên, đồng thời đứng thứ 3 về thị trường xuất khẩu cao su thế giới.
Theo số liệu từ Statista, sản lượng cao su của Việt Nam năm 2020 khoảng 1,22 triệu tấn, chiếm khoảng 9% sản lượng của thế giới.