“Hai tiếng bình yên ai xin thì cho
…
Một đời nổi bão có đôi lần thôi
Còn thì rất vui, còn thì thắm tươi”
Không biết nhạc sĩ Quốc Bảo viết về những kỷ niệm hay góc nhìn của anh về cuộc sống, nhưng những câu hát này lại rất đúng khi một ngày cuối tuần vào Vườn Quốc Gia Nam Cát Tiên đạp xe, đi bộ tìm chút bình yên trong lành sau những mỏi mệt chốn thị thành.
Mặt bàu phẳng lặng trong xanh dưới ánh nắng đầu ngày. |
Nhiều lựa chọn trải nghiệm thiên nhiên
Vườn Quốc Gia Nam Cát Tiên (VQG) trải rộng trên ba tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước với diện tích hơn 82.000 ha, nhưng đoạn đang khai thác tham quan chủ yếu là thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai. Không quá xa xôi so với TPHCM, nhưng chưa có nhiều phương tiện khai thác tuyến vào tận vườn nên điểm du lịch này vẫn còn lạ xa với nhiều người.
Sau mấy tiếng ngồi xe khách, mua vé tham quan rồi qua phà nhỏ là chính thức đặt chân đến rừng Cát Tiên. Để đáp ứng nhu cầu của du khách, Trung tâm Quản lý VQG có nhiều dịch vụ từ Bảo tàng thiên nhiên đến Trung tâm cứu hộ động vật, từ thuê xe jeep đến thuê xe đạp tham quan các điểm (có ghềnh, có thác, có vườn thực vật, các cây cổ thụ,…); từ khu vực cắm trại cho nhóm gia đình, bạn trẻ đến phòng nghỉ qua đêm tiện nghi ngay trung tâm VQG hoặc phòng nghỉ cơ bản tại Bàu Sấu. Khi ở lại đêm trong Bàu Sấu, các hoạt động như xem thú đêm, soi mắt cá sấu,… là các chọn lựa cộng thêm.
Muồng đào nở rộ nhiều cũng là lúc báo hiệu mùa mưa về với rừng Cát Tiên. |
Trong nhà thuê xe đạp có nhiều loại xe khác nhau phù hợp sở thích và vóc dáng của từng người, có xe được trang bị ghế ngồi phía sau cho em bé dành cho các gia đình có trẻ nhỏ.
Do chọn nghỉ đêm tại Bàu Sấu, hành trình của tôi sẽ kéo dài 9km đạp xe và 5km đi bộ xuyên rừng. Thời điểm giao mùa giữa mưa và khô, hứa hẹn nhiều cuộc chào đón thú vị của thiên nhiên.
Đạp xe thong thả, điểm dừng phong phú
Con đường bê tông rộng gần 2m khá nịnh du khách, vì dễ đi và đẹp. Những khúc cua uốn lượn nhẹ nhàng, đoạn lên dốc thoai thoải không làm mất nhiều sức nhưng hoàn lại là một khoảng thả dốc đủ mát lành giữa mấy tiếng chim ca.
Khác với tiếng ve inh ỏi trên mấy tàng cây ở thành phố, trong rừng lại thi thoảng mới nghe ve kêu, dàn đồng ca ấy cũng rộ lên đôi chút rồi tắt, có lẽ chúng không có nhiều chuyện drama để kể cùng nhau chăng.
Mùa mưa tới cũng là mùa bướm bay rập rờn ở Cát Tiên. |
Đầu mùa mưa cũng là ngày hội của những đàn bướm đủ màu trong Cát Tiên. Trên đường đạp xe băng ngang rừng, may mắn sẽ bắt gặp mấy nhóm bướm tụm năm tụm ba. Bướm rừng mà có vẻ cũng quen hơi người, lại gần khẽ khàng chụp vài tấm ảnh, quay vài đoạn video ngắn không làm chúng cất cánh bay nháo nhào.
Lắm lúc ghẹo nhau, chúng tung mình lên không trung, tiếng đập cánh nghe rõ từng chút một. Vậy là thư viện ảnh có thêm họa tiết để ngó nghiêng những ngày chạy deadline không thấy mặt trời.
Hai bên đường cây rừng rợp bóng, thảng hoặc có vài con chim nhỏ cất tiếng hót vang, một con gõ kiến miệt mài tìm thức ăn phát âm thanh lộc cộc lộc cộc, một bạn cú trên cao tò mò nhìn xuống, oai vệ và bí ẩn.
Đường đạp xe trong VQG Cát Tiên lát bê tông sạch sẽ, thông thoáng. |
Luôn có các trạm dừng nghỉ trên đường đi cho các cơ bắp kịp quen với nhịp hoạt động, thường các trạm này cũng sẽ gắn với một điểm tham quan nào đó trong bản đồ của Cát Tiên: ghềnh Bến Cự, Vườn thực vật, cây gõ bác Đồng,…
Đi bộ xuyên cơn mưa rừng
Sau 9km đạp xe, con đường nhỏ lát đá tổ ong phủ lá rừng và rong rêu rộng chừng 1m vòng vèo dưới tán rừng già sẽ là chặng tiếp theo trước khi đến Bàu Sấu. 5km đi bộ này là bắt buộc với những ai muốn thưởng ngoạn hệ sinh thái đất ngập nước rộng lớn, không có phương tiện nào thay thế cho đôi chân và chiếc gậy đã được đẽo sẵn ở trạm chuyển tiếp.
Tôi đi thong thả men theo đường mòn, ngó nghiêng cây tung cổ thụ đã 400 năm tuổi với bộ rễ khổng lồ mà phải khoảng 20 người nắm tay nhau mới có thể ôm hết vòng quanh. Mỏi cổ ngước nhìn tán cây cao 30m, chẳng thể ước lượng nổi là bằng tòa nhà mấy tầng, chỉ thấy mình đứng lọt đâu đó dưới một cái rễ cây.
Những cây đại thụ, cổ thụ trên đường đi bộ vào Bàu Sấu. |
Tiếng sấm vọng trong rừng thẳm, nghe thật xa so với nơi tôi đứng, vậy mà chưa đầy mười phút sau, cơn mưa rừng đã nhanh chóng kéo tới, trời sụp tối nhanh chóng. Đôi giày ướt nước mưa làm bước chân nặng hơn. Nhưng cảm giác lặng yên nghe tiếng rào rào trên tầng cây cao, rớt xuống đám lá mục bên dưới, kích cho mấy mầm cây non nảy lên như đội quân hùng mạnh, thật đáng giá.
Mưa xuống cũng là lúc những con vắt vào giờ…ăn, và tin tôi đi, chúng tìm thức ăn hăng say vô cùng. Khả năng của vắt có lẽ chẳng thua bất kỳ thiết bị cảm ứng nhiệt nào, và thành tích nhảy xa, bám chặt của vắt thì không kém cạnh bà con đỉa cùng họ là bao.
Sau vài cơn mưa, chồi non mọc lên mơn mởn dưới những tàng cây cao. |
Tôi được một phen hú vía sau màn diện kiến vắt đầu tiên, rồi sau đó là cả một chuỗi lấm la lấm lét vừa đi bộ vừa kiểm tra liên tục giày và chân. Nhưng trang bị quần áo giày vớ kỹ và một chai xịt côn trùng thì cuộc đi rừng có mưa cũng không mấy đáng sợ.
Bàu Sấu hiện ra với chiếc bảng chào mừng đơn giản và chiếc cầu gỗ dẫn vào Trạm kiểm lâm của Bàu. Cảnh chiều mờ sương sau mưa nhìn thật liêu trai.
Đêm trong Bàu Sấu
Công việc đầu tiên của kiểm lâm Vũ Văn Ngọc, phụ trách ca trực hôm tôi đến không phải là chào đón mà là hối hả… bắt vắt trên áo mưa và giày cho khách.
Trạm kiểm lâm Bàu Sấu ẩn mình giữa rừng sâu kỳ thú. |
Bữa cơm tối trong Bàu Sấu ấm áp và rộn ràng trên chiếc chiếu trải ngay trên nhà sàn của trạm kiểm lâm, với những món mùa nào thức nấy mà bạn khó tìm ở những nơi khác.
Sau mấy cơn mưa đầu mùa, nấm mối cũng vừa kịp nở để tôi may mắn nếm tô canh gà nấm mối ngọt ngon. Gà do chính kiểm lâm nuôi để tự cấp cho các bữa ăn được nướng thơm, cải rừng nấu cá lóc đánh lưới dưới bàu rất thơm, còn cá cỏ mùi phi lê lăn bột thì gây ngạc nhiên về tay nghề nấu nướng của các kiểm lâm viên.
Những du khách chúng tôi ngồi đó cùng các chú các anh kiểm lâm, hỏi thăm nhau về quê nhà, rồi cười hề hề vui vẻ khi bắt gặp đồng hương xa xôi từ tận Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Nam, Lâm Đồng, Đồng Nai. Giọng vùng miền từ khắp nơi rổn rảng giữa vùng lõi của VQG Cát Tiên.
Bàu Sấu chuyển dần cảnh sắc khi sương tan. |
Đến khi trời sập tối hẳn, kiểm lâm Tú mới 25 tuổi, trẻ nhất trạm cầm đèn pin rọi một lượt trên mặt bàu cho chúng tôi xem những đốm mắt đỏ au cái xa, cái gần của hàng trăm con cá sấu Xiêm, loài tưởng chừng như đã tuyệt chủng ở Việt Nam trước đây, sinh vật phổ biến nhất tại đây để vang danh: Bàu Sấu.
Tú bảo cũng không thống kê chính xác được có bao nhiêu cá thể cá sấu ở bàu vì sau vài lần thả cá đã kiểm tra AND thuần chủng xuống bàu thì chúng thích nghi và sinh sản thêm, một tín hiệu đáng mừng cho khu bảo tồn này.
Khoảng sau 8 giờ tối, kiểm lâm Ngọc thâm niên 7 năm trong Bàu Sấu “lùa” du khách đi xem đom đóm và nai. Khu vực đứng xem là cầu gỗ trên cao, để bất kỳ ai cũng dễ dàng phóng tầm mắt ra mênh mông vùng đất ngập nước. Chúng tôi được yêu cầu tắt hết đèn pin và điện thoại để mắt quen dần với màn đêm.
Bàu Sấu không chỉ là ngôi nhà của cá sấu mà còn tập trung rất nhiều loài động thực vật có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. |
Chỉ sau ít phút, ánh sáng đom đóm đã lập lòe ẩn hiện. Ít thấy đom đóm ở thành thị vì loài này chỉ sinh sống ở vùng nhiều cây cối có không khí trong lành. Ánh đèn pin của Ngọc lia nhanh về phía vạt rừng, một đàn nai 7 con đang lặng im gặm cỏ, thấy có ánh sáng chiếu vào, chúng ngẩng đầu bật hai cái “đèn pha” sáng trưng về phía chúng tôi.
Anh kiểm lâm vui tính pha trò: “không biết là ai đang ngắm ai. Mà con nai nào tôn trọng mình thì mình mới thấy mắt của chúng, chứ còn không thì chúng ngoảnh mông mình không thấy được hai đóm mắt đâu”. Mé vạt rừng, có vài con nai đang quay… lưng về phía chúng tôi.
Được dặn dò phải dậy sớm để thấy sương giăng trên mặt Bàu Sấu, nhiều du khách đã có mặt dưới mé bàu mới 5 giờ rưỡi sáng. Và thiên nhiên không phụ kẻ có lòng, bạn sẽ thấy xứng đáng vì đã dậy sớm. Khung cảnh trên Bàu Sấu sẽ biến chuyển theo ánh sáng, mờ sương sớm tinh mơ, lãng đãng mây bay khi mặt trời vừa hé, và mặt gương trong khi ánh nắng long lanh chan hòa.
Bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp ở VQG Nam Cát Tiên. |
Vào mùa mưa, Bàu Sấu có thể đạt diện tích đến 2500 ha, trong khi mùa khô thì chỉ còn khoảng 100-150ha. Đây là nơi lưu trú của hàng trăm loài động thực vật, nhiều loài trong sách đỏ cần bảo vệ. Cũng là “nhà” của vài kiểm lâm như anh Dũng trưởng trạm, như Ngọc, như Tú. Họ cách nhau vài tuổi hay vài chục tuổi, cùng đi tuần tra và đón khách vào tham quan.
Hỏi họ có ý định chuyển công tác ra các khu khác điều kiện tốt hơn, đỡ cách biệt hơn không, ai cũng cười rồi lắc đầu. Họ chưa có dự định đó, vì họ vẫn thấy thương nhau, thương vùng đất ngập nước này và thương rừng.
Ngọc bảo tôi “hồi trước chưa gắn bó với rừng, có nhiều tổn thương lắm chị, từ ngày làm công việc này, gần cây cỏ muông thú hơn, thấy các vết thương được chữa lành”.