Người dân vùng bão Quảng Bình đang nhận được sự giúp sức từ các cấp chính quyền và cả các mạnh thường quân để khắc phục hậu quả cơn bão số 10.
Hy vọng từ những bàn tay
Cơn bão số 10 đối với đồng bào A Rem (Tân Trạch, Bố Trạch) hoàn toàn thay đổi cách nhìn của họ về thiên tai. Xã miền núi nằm lọt thỏm giữa rừng di sản Phong Nha-Kẻ Bàng này đang quay lại cuộc sống bình thường một cách khó khăn.
“Không còn như cũ nữa, bão xóa sổ quá nhiều và gây ám ảnh cho bản làng quá lớn, phải thật lâu nữa người dân mới hết kinh hoàng với cơn bão này, phải thật lâu nữa bà con mới thoát cảnh khó khăn do bão gây ra”, ông Đinh Rầu nói.
Xóm làng khiêng lại nhà sau bão.
Vì Sao?, “Vì 25 căn nhà bị giật tốc mái hoàn toàn, phải bắt đầu lại từ đầu với hộ sập nhà, phải động viên bà con dân bản biết tin vào cuộc sống để lao động sản xuất, phải hiểu tâm tính bà con để làm lại 35ha lúa rẫy đã mất trắng”, ông Nguyễn Chí Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch nói. Ông kể thêm: “Biết tin đồng bào thiệt hại quá nặng nề, một doanh nghiệp tư nhân đã tặng bà con 1295m2 tôn, 5 tạ đinh, 1000 cây xà gồ lợp lại 25 mái nhà là nguồn động viên rất lớn để bà con có cú hích vực dậy cuộc sống”.
Vợ chồng Đinh Thị Hồng Vân ở Yên Hóa, Minh Hóa về lại ngôi nhà cũ đã sập, bòn mót cái nồi cơm điện, chiếc quạt cây bị bể rồi sửa lại để dùng khi cấp điện trở lại: “Còn căn nhà thì phải đợi có kinh phí hỗ trợ từ huyện hay các đoàn từ thiện thương tình mới có sức làm được. Nay dựng lều bạt tạm đặt cái giường bên trong lán phuc vụ ăn ở tối thiểu rồi ráng làm dần để dựng lại cuộc sống từ đầu”.
Vân chằng tấm bạt, thu lại nồi cơm điện sau bão để dựng lại cuộc sống.
Trần Xuân Tư, trưởng bản Ón, xã Thượng Hóa huyện rẻo cao Minh Hóa cho biết bản có 10 nhà bị tốc mái hoàn toàn, hơn 70ha keo bị xóa sổ. Hiện đường vào bản Ón, Yên Hợp, Mò o ồ ồ của đồng bào Rục vẫn phải đi lại bằng thuyền, lũ đang cô lập nặng.
Tư nói: “Báo cáo thiệt hại vừa mới gửi ngày 21-9 vì phải liên lạc với các hộ gia đình. Ở đây bà con chủ động được cuộc sống nhưng tấm lợp không chủ động nổi vì lũ lụt đang bủa vây sau bão. Rất mong Nhà nước, các đoàn thể, các mạnh thường quâ về với dân bản để dựng lại mọi thứ sau bão”. Bí thư Huyện ủy Minh Hóa, ông Đoàn Ngọc Lâm cho biết, trước bão huyện đã chở vào hơn 1 tấn gạo đề phòng lũ nhằm giúp bà con, trong khi đó đồn biên phòng cũng dự trữ hơn 3 tấn gạo giúp đồng bào Rục.
Phải sống!
Sau bão, chị Trần Lan Anh (thôn 4, Lý Trạch, Bố Trạch) đang được cưu mang bởi tình làng nghĩa xóm khi bão càn qua mái ngói ngôi nhà cũ nát. Chị Anh từng có chồng nhưng đã mất vì tan nạn giao thông từ 10 năm trước, mỗi mùa mưa bão đến chị phải tự mình vật lộn chằng néo nhà cửa, quần quật như một người đàn ông.
Để nuôi 2 đứa con, chị Anh làm mướn đủ nghề. Chị nói: “Tuy nghèo nhưng cũng cố vay mượn để lợp lại mái nhà, phận nghèo mượn không biết có ai cho? Họ sợ không trả nổi e không cho? Nhưng mà chắc rồi cũng có ai đó thương tình để giúp đỡ thôi. Hy vọng thế”.
Bà Đoàn Thị Ánh ở thôn Phúc Tùng (Đức Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình) vừa vượt được cơn báo số 10 trong căn nhà đầy tình cưu mang. Bà kể: “Tui không có chồng, cũng xin người ta hai đứa con về nuôi. Năm nào lũ cũng sát nóc, bão thì xô nhà xiêu vẹo. Năm ngoái có đoàn từ thiện về giúp đỡ 75 triệu đồng, tui vay mượn thêm, làm căn nhà kiên cố mà năm nay không góp thêm thiệt hại trong bão số 10”. Còn Hoàng Thị Tuyết ở Hậu Thành, Phù Hóa, Quảng Trạch, Quảng Bình thì kể: “Năm 2016, nhà em trôi sập, các nhà hảo tâm về trao tiền, em xây căn nhà 140 triệu đồng, năm nay chống được bão mà sống để nuôi con. Em tuy cụt tay nhưng cũng lao động gầy dựng lại mọi thứ sau bão, mất chồng nên em làm phận cả bố cho con. Ở vùng mưa bão, em an toàn là nhờ được sự cưu mang”.
Mặt trận TQVN tỉnh Quảng Bình đã tiếp nhận đăng ký cứu trợ bà con nhân dân vùng bão 15 tỷ đồng. Trong khi đó tại Hà Tĩnh đã tiếp nhận đăng ký 17 tỷ đồng. |