Mấy ngày nay, gia đình chị Lê Thị Yến Nhi ở Đắk Lắk đang phải rất khổ sở vì bị nhân viên của một trang web cho vay tiền gọi điện thoại đòi nợ dù trước đó đã trả hết số tiền đã vay.
Chị Nhi kể: Tháng 9-2018, tình cờ lướt Facebook cá nhân chị thấy có một trang mạng quảng cáo hình thức cho vay online thủ tục rất dễ. Vì đang cần 4 triệu đồng để mua sắm, chị quyết định vay thử một lần. Theo hướng dẫn trên trang quảng cáo, chị Nhi tải phần mềm ứng dụng của trang web cho vay về điện thoại. Tiếp đó, chị làm tiếp hướng dẫn trên trang web để mở tài khoản trực tuyến. Sau đó để hoàn tất hồ sơ, chị chụp ảnh CMND, sổ hộ khẩu và cung cấp một tài khoản tại một ngân hàng bất kỳ.
Nộp hồ sơ được vài tiếng thì có một số điện thoại gọi cho chị xưng là nhân viên công ty tài chính gọi để xác định khoản vay. Cũng theo người này thì chị sẽ được vay 4 triệu đồng và được giải ngân 3,2 triệu đồng, đến 15 ngày sau chị phải trả đủ 4 triệu đồng cho công ty.
Hiện có nhiều trang web cho vay siêu nhanh nhan nhản trên Google, Facebook… Ảnh: HTD
Đến hạn trả tiền, chị Nhi không trả kịp thì nhân viên bên cho vay gọi điện thoại đòi và họ đồng ý cho chị trả làm bốn lần. Chị trả theo đúng hẹn và còn thiếu lại 200.000 đồng. Đến đầu tháng 3-2019, bên cho vay tiếp tục gọi điện thoại yêu cầu chị trả 2 triệu đồng, nếu không sẽ gọi cho những người thân của chị theo danh bạ mà họ đã cập nhật lúc chị tải áp về điện thoại. Vì sợ mang tiếng đi mượn nợ nên chị đã trả 2 triệu đồng theo lời yêu cầu của bên cho vay.
“Tưởng trả xong nợ thì được yên thân, nào ngờ cách đây mấy hôm nhân viên của trang mạng lại gọi điện thoại cho mẹ tôi yêu cầu tôi phải trả số tiền hơn 10 triệu đồng đã vay mượn trước đó. Giờ ngày nào nhân viên này cũng gọi cho mẹ tôi hù nếu không trả sẽ gọi điện thoại cho mẹ chồng, ba chồng, bạn bè tôi để khủng bố. Tôi rất mệt mỏi vì lỡ dại mà vướng vào món nợ này” - chị Nhi than thở.
♦ ♦ ♦
Vào Google, Facebook... gõ cụm từ “vay online”, “vay trực tuyến”, “vay nhanh” sẽ thấy xuất hiện nhan nhản các trang web cho vay tiền siêu nhanh với những lời đường mật như vay tiền không cần gặp mặt; vay tiền mặt, 30 giây có tiền ngay…
Theo Ngân hàng Nhà nước, kiểu vay tiền online này xuất hiện cách đây khoảng hai năm và có khoảng 40 công ty đang hoạt động dựa trên nền tảng công nghệ số kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay (nhà đầu tư) mà không thông qua trung gian tài chính.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, phân tích: Khi vay tiền, thường thì người dân sẽ vay tại các ngân hàng, công ty tài chính hoặc tiệm cầm đồ. Hiện nay xuất hiện thêm hình thức vay mới là vay qua online. Hình thức vay này có lợi là rất nhanh, chỉ mất vài tiếng là có tiền mà thủ tục đơn giản. Tuy nhiên, đằng sau những tiện lợi ấy là cái bẫy rất lớn mà nhiều người gặp phải. Đa phần người cho vay qua online sẽ báo lãi suất rất thấp nhưng khi trả thì sẽ phát sinh ra tiền phạt chậm trả với lãi suất có khi lên đến 600%-700%/năm. Hơn nữa, đây là hình thức cho vay không giấy tờ và chỉ thỏa thuận bằng miệng. Khi đáo nợ, người cho vay cứ vô tư đưa ra lãi suất trên trời, người vay cũng phải chịu. Nếu không trả, người cho vay thường dùng hình thức đòi nợ kiểu xã hội đen như gọi điện thoại hù dọa, đến nhà đòi nợ và thậm chí dùng vũ lực để buộc người vay phải trả tiền.
Phải có giấy trắng mực đen Khi vay tiền, người vay cần lưu ý chỉ nên vay những nơi có địa chỉ rõ ràng, khi nhận tiền phải có người giao nhận và đối chiếu giấy tờ để khi gặp chuyện gì có thể yêu cầu pháp luật can thiệp cho mình. Điều quan trọng là phải có hợp đồng vay và có những thỏa thuận cụ thể về lãi suất, tức phải trên giấy trắng mực đen. Tuyệt đối không cung cấp tất cả số điện thoại của người thân vì nếu không trả hoặc trả chậm thì người cho vay sẽ tạo áp lực cho nhiều người thân của người vay và cả một sự phiền toái dây dưa hoài không dứt. TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng |