Về đề xuất thu phí sao chụp hồ sơ 1.500 đồng/trang A4: Nên thu phí trên dữ liệu số hóa

(PLO)- Thay vì thu phí sao chụp hồ sơ bản giấy với mức 1.500 đồng/trang A4, một số luật sư cho rằng cơ quan tố tụng nên số hóa hồ sơ và thu phí trên chính dữ liệu đã được số hóa này.

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, TAND Tối cao đang lấy ý kiến đối với dự thảo Pháp lệnh Chi phí tố tụng.

Một trong những nội dung đáng chú ý tại dự thảo được giới hành nghề luật quan tâm đó là trong vụ án hình sự, trường hợp bị can, người bào chữa yêu cầu sao chụp tài liệu thì phải chịu chi phí sao chụp.

Bổ sung chi phí sao chụp trong giai đoạn điều tra, truy tố

Theo dự thảo Báo cáo tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật về chi phí tố tụng, TAND Tối cao cho biết hiện nay trong tố tụng hình sự có quy định về quyền sao chụp tài liệu của bị can, người bào chữa. Tuy nhiên, hiện chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục, cách thức thực hiện và đặc biệt là chi phí sao chụp hồ sơ vụ án do ai chi trả, cơ quan tiến hành tố tụng hay bị can, người bào chữa phải chi trả.

p6-anh-bai-Saochup-quy-2509.jpg
Nhiều vụ án, luật sư phải chụp hàng chục ngàn trang tài liệu. Trong ảnh: Các luật sư trong phiên tòa chuyến bay giải cứu. Ảnh: CTV

Thực tế Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 có quy định về việc chi trả cho việc sao chụp tài liệu là 1.500 đồng/trang A4 nhưng quy định này chỉ áp dụng đối với việc sao chụp tài liệu tại tòa án. Còn đối với vụ án hình sự, tại các giai đoạn tiến hành tố tụng như giai đoạn điều tra, giai đoạn truy tố, khi bị can, người bào chữa yêu cầu được sao chụp hồ sơ vụ án thì thủ tục chi trả như thế nào và ai là người phải chi trả chi phí sao chụp này vẫn chưa có văn bản hướng dẫn rõ ràng khiến các cơ quan tiến hành tố tụng rất lúng túng.

Để giải quyết vấn đề này, dự thảo Pháp lệnh Chi phí tố tụng mới nhất quy định trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng phải sao chụp tài liệu cung cấp cho bị can để đảm bảo thực hiện quyền của bị can được đọc, ghi chép bản sao tài liệu liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội thì chi phí sao chụp (1.500 đồng/trang A4) sẽ do Nhà nước bảo đảm kinh phí.

Tuy nhiên, trong trường hợp bị can, người bào chữa yêu cầu sao chụp tài liệu thì bị can, người bào chữa phải chịu chi phí sao chụp là 1.500 đồng/trang A4.

luat su 1.jpg
Các luật sư tham gia bào chữa tại một phiên tòa ở TAND Cấp cao tại TP.HCM.Ảnh: NGUYỆT NHI

Mức đề xuất thu phí sao chụp chưa phù hợp

Là luật sư (LS) thường xuyên tham gia bào chữa trong các vụ án hình sự, LS Nguyễn Thành Công, Đoàn LS TP.HCM, cho biết thực tế việc tiếp cận hồ sơ trong giai đoạn điều tra là rất khó. Trong giai đoạn này, khi LS có đơn yêu cầu sao chụp tài liệu để nghiên cứu vụ án thì hầu như không được cơ quan điều tra (CQĐT) đáp ứng. Bởi lẽ, đến khi có kết luận điều tra, CQĐT chỉ có khoảng thời gian 3-5 ngày để hoàn tất hồ sơ, thủ tục, chuyển giao hồ sơ qua VKS. Với khoảng thời gian ngắn này, CQĐT rất khó để đáp ứng các yêu cầu sao chụp tài liệu của LS.

Đến giai đoạn truy tố, hồ sơ được chuyển toàn bộ qua VKS, LS bào chữa cho bị can mới được tiếp cận hồ sơ vụ án. Tuy nhiên, vấn đề sao chụp hồ sơ trong giai đoạn này, các LS chủ yếu tự thực hiện bằng phương tiện sẵn có của mình (chụp bằng điện thoại hoặc scan).

“Có những vụ đại án ở Hà Nội, hồ sơ lên đến hàng chục ngàn trang trong khi năng lực chụp tài liệu của một LS trung bình khoảng 6.000 trang/ngày. Do vậy, để sao chụp được tài liệu, hồ sơ trong vụ án phải huy động nhiều người cùng từ tỉnh/TP này qua tỉnh/TP khác để sao chụp, khi đó chi phí bỏ ra để sao chụp hồ sơ là rất lớn và rất vất vả” - LS Công chia sẻ.

“Theo xu hướng hiện nay, cơ quan tiến hành tố tụng nên số hóa hồ sơ tố tụng, luật sư sẵn sàng bỏ chi phí ra để có được dữ liệu này thay vì phải tốn công sức sao chụp tài liệu như hiện nay.”

Luật sư Nguyễn Thành Công

Về đề xuất thu phí sao chụp tài liệu 1.500 đồng/trang A4, LS Công cho rằng nếu quy định như vậy thì sẽ bất cập và chưa phù hợp. Bởi đối với các vụ án có hàng chục ngàn trang hồ sơ thì chi phí mà LS bỏ ra để sao chụp tài liệu đã lên tới hàng chục triệu đồng, chưa kể đến trường hợp LS tham gia trong các vụ án chỉ định (không thu phí của thân chủ) thì phí sao chụp còn lớn hơn cả chi phí mà Nhà nước hỗ trợ LS.

“Tôi cho rằng nên giao cho các cơ quan tiến hành tố tụng (công an, VKS, tòa án) tự quy định cụ thể, chi tiết về vấn đề sao chụp và thu phí sao chụp tài liệu để phù hợp với đặc thù của từng cơ quan. Còn pháp lệnh sẽ là cơ sở pháp lý, đặt ra một nguyên tắc chung, một mức thu trần để các cơ quan tiến hành tố tụng dựa vào đó để ban hành” - LS Nguyễn Thành Công nói.

Nên thu phí trên dữ liệu được số hóa

Cùng quan điểm về việc tiếp cận hồ sơ, LS Huỳnh Văn Nông, Đoàn LS TP.HCM, cũng cho rằng hiện nay LS chỉ được tiếp cận hồ sơ từ giai đoạn truy tố. Phương pháp sao chụp chủ yếu hiện nay của LS là dùng điện thoại để chụp tài liệu, hồ sơ trong vụ án và nếu dùng phương pháp này thì hầu như LS sẽ không phải bỏ ra chi phí khi sao chụp tài liệu cho cơ quan tố tụng.

Do đó, với đề xuất như trong dự thảo, LS Nông cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ khái niệm như thế nào là sao chụp tài liệu. Vì sao chụp tài liệu có thể hiểu là cơ quan tố tụng phôtô tài liệu, hồ sơ và giao cho LS bản giấy, thu phí 1.500 đồng/trang A4 hoặc cũng có thể hiểu là LS dùng phương tiện điện tử cá nhân để chụp, scan tài liệu, hồ sơ và thu phí 1.500 đồng/trang A4.

Về việc thu phí, LS Nông cho rằng việc quy định như vậy là chưa phù hợp với thời kỳ công nghệ 4.0. Các cơ quan tiến hành tố tụng nên số hóa hồ sơ để khi LS, các đương sự trong vụ án yêu cầu thì cung cấp và thu phí trên chính các dữ liệu điện tử đó.

LS Nguyễn Thành Công cũng cho rằng khi đã số hóa, LS sẵn sàng bỏ chi phí ra để có được dữ liệu này thay vì phải tốn công sức sao chụp tài liệu như hiện nay.

Tòa án thường tạo điều kiện để luật sư tự chụp hồ sơ

Khi đương sự, LS có đơn yêu cầu sao chụp tài liệu thì thường sẽ được tòa tạo điều kiện để dùng phương tiện điện thoại cá nhân chụp tài liệu và không thu phí.

Thực tế, trường hợp tòa án tự phôtô tài liệu, hồ sơ vụ án theo yêu cầu của đương sự, LS thường rất ít vì hồ sơ vụ án rất nhiều, nếu có thì sẽ yêu cầu đương sự, LS liệt kê rõ những tài liệu cần phôtô.

Trường hợp tòa án cung cấp bản phôtô khi sao chụp tài liệu thì sẽ thu phí 1.500 đồng/trang A4 theo quy định tại Nghị quyết 326/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Một thư ký tòa án tại TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm