Về hưu rồi, họ vẫn lao vào cuộc chiến chống COVID-19

Những ngày qua, các nhân viên của Trạm y tế phường 11, quận 5 (TP.HCM) luôn tất bật với công việc tiếp nhận và tư vấn, cấp giấy chứng nhận hoàn thành cách ly và đến tận nhà xét nghiệm, thăm khám cho F0. Thỉnh thoảng trạm còn phải tổ chức các hoạt động thăm khám sức khỏe cộng đồng. Do khối lượng công việc rất lớn nên hầu như ngày nào các nhân viên cũng làm thêm giờ và tranh thủ cả thứ Bảy, Chủ nhật.

Nữ hộ sinh thành chiến sĩ cấp cứu F0

Đặc biệt trong các nhân viên cơ hữu của trạm có hai nữ nhân viên đã về hưu vẫn tình nguyện quay lại làm việc là y sĩ Ngô Thị Thảnh (57 tuổi) và nữ hộ sinh Trần Thị Quyền Trinh (61 tuổi). Y sĩ Thảnh trước đây là trạm trưởng Trạm y tế phường 11, quận 5, nghỉ hưu từ năm 2020; nữ hộ sinh Trinh đã nghỉ hưu từ năm 2017. “Khi nào trạm y tế tìm được lớp kế cận tôi sẽ nghỉ, giờ ngày nào trạm cần tôi thì tôi vẫn sẽ làm” - bà Trinh trải lòng và trăn trở khi năm năm qua, từ ngày bà nghỉ hưu trạm vẫn chưa tìm được nữ hộ sinh.

Nhiều năm qua, bà Trinh đã tư vấn cho không ít trường hợp gặp vấn đề khó nói và nhiều cặp vợ chồng có ý định sinh con, kế hoạch hóa gia đình. Bà nhớ mãi một nữ bệnh nhân bất đắc dĩ mưu sinh bị nhiễm trùng do bị khách làng chơi nhét đồ vật vào vùng kín. Do điều kiện khó khăn và ngại đến cơ sở y tế, người này chỉ có thể chia sẻ với bà tại ngày hội thăm khám phụ khoa do trạm y tế tổ chức định kỳ. “Cọng dây thun khi được lấy ra đã chuyển màu đen, gây hôi thối nhiễm trùng, chính bệnh nhân cũng không biết và nói cố gắng chịu đựng vì nghĩ sẽ tự hết” - bà Trinh kể lại.

Ngoài ra, bà Trinh cũng thường xuyên tiếp nhận các trường hợp tư vấn về kế hoạch hóa gia đình, đặt vòng tránh thai, khám thai, chữa hiếm muộn… Hai vợ chồng lớn tuổi đi thăm khám đứa con đầu lòng tại một bệnh viện, nhận tin sét đánh đứa bé bị dị dạng nên đã gặp bà Trinh tìm lời khuyên. Nghe câu chuyện, bà an ủi và khuyên cả hai nên đi thêm một bệnh viện nữa rồi hẵng quyết định. Kết quả siêu âm ở bệnh viện thứ hai cho thấy thai nhi bình thường nên hai vợ chồng giữ lại. “Hiện bé mười mấy tuổi rồi. Mỗi lần gặp tôi, hai vợ chồng hay nói nếu không có tôi thì giờ đã không có bé” - bà Trinh vui vẻ kể.

Đợt dịch COVID-19 bùng phát, do chưa bao phủ vaccine, nhiều người dân mắc bệnh thậm chí tử vong. Với thù lao cộng tác viên vỏn vẹn 3 triệu đồng, lẽ ra bà có thể dễ dàng từ bỏ công việc nguy hiểm nhưng bà sẵn sàng lao vào cuộc chiến. Từ công việc đơn thuần là nữ hộ sinh, bà đã dũng cảm trở thành chiến sĩ ngày đêm lấy mẫu, truy vết, cấp cứu F0, vận động tiêm vaccine. Điều đáng lo ngại nhất của bà lúc này không phải là an nguy của bản thân mà là chồng có bệnh nền ung thư, có thể trở nặng nếu chẳng may mắc phải COVID-19. Rất may mắn, chồng bà cũng từng là người trong ngành y nên hiểu trăn trở của vợ và ủng hộ bà hết mình.

“Thấy tình hình nước sôi lửa bỏng, nhân viên y tế sức lực cạn kiệt, người dân đang rất cần mình, tôi càng muốn đóng góp sức mình để dập dịch chứ không thể ngồi yên” - bà Trinh bày tỏ không hối hận về chọn lựa của mình.

Nữ hộ sinh Trinh và y sĩ Thảnh luôn tất bật với công việc ở trạm y tế. Ảnh: HL

Hỗ trợ thuyết phục người dân

Còn bà Thảnh, những tháng ngày TP.HCM giãn cách xã hội và chìm trong dịch bệnh tang thương là những ngày bà không bao giờ quên.

Gia đình bà gồm 10 thành viên đều trở thành F1 khi có một người trong gia đình dương tính vào tháng 6-2021 và phải cách ly tập trung. Mặc dù không còn là trưởng trạm y tế nhưng gia đình bà vẫn nhận được nhiều sự quan tâm và giúp đỡ của nhân viên trạm. Qua chứng kiến thực tế và tâm sự của nhân viên trạm y tế chỉ còn bốn người nhưng làm ngày làm đêm vẫn không hết việc, bà càng thấu cảm nỗi vất vả của đồng nghiệp và mong muốn sát cánh cùng mọi người.

Tuy nhiên, sau khi cách ly thì nhà bà bị phong tỏa và có người thân bệnh nên phải đến tháng 11-2021, bà mới vào làm việc lại ở trạm. Do từng công tác ở vị trí trưởng trạm, bà khá quen thuộc với mọi việc và giúp trạm kết nối, thuyết phục người dân hợp tác xét nghiệm, cách ly, tiêm vaccine thuận lợi. Một số người có lời lẽ khó nghe, gây khó khăn cho công tác tiêm vaccine, xin giấy xét nghiệm đã được bà Thảnh đứng ra thuyết phục, giải thích thỏa đáng khiến người dân tâm phục khẩu phục.

“Nhiều năm làm nghề, đi đến đâu cũng được người dân tin tưởng, tôi cảm thấy rất hạnh phúc và càng mong muốn được đóng góp sức mình” - bà Thảnh chia sẻ.

Từ đầu mùa dịch đến nay, theo thống kê của Sở Y tế TP, có cả ngàn nhân viên y tế đã rời bỏ công việc, nhất là nhân lực ở trạm y tế nhưng đâu đó vẫn còn có những cánh chim không mỏi như nữ hộ sinh Trinh và y sĩ Thảnh.

Trạm y tế rất trân trọng sự giúp sức của y sĩ Ngô Thị Thảnh và nữ hộ sinh Trần Thị Quyền Trinh. Hai chị đã làm công việc này nhiều năm và quen thuộc với địa bàn, tạo được sự tin tưởng, yêu mến của người dân nên hỗ trợ các nhân viên tại trạm rất đắc lực.

Mặc dù không có nhiều kinh phí hỗ trợ nhưng hai chị đều sẵn sàng hỗ trợ trạm không suy nghĩ gì nhiều. Tinh thần làm việc nhiệt huyết, xông xáo, yêu nghề của hai chị đã tiếp thêm động lực, tinh thần làm việc cho anh em ở trạm y tế. Có thể nói, sự có mặt của hai chị là đôi cánh, cánh tay cho trạm y tế.

BS PHẠM HOÀNG PHƯỚCTrưởng Trạm y tế phường 11, quận 5 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới